Chữa lành xung đột vợ chồng

Anh Đức Trung kính mến!

Tôi năm nay 45 tuổi, làm ở phòng kỹ thuật nông nghiệp. Chồng tôi 48 tuổi, giám đốc nông trường. Chúng tôi có một con trai 20 tuổi, đang học đại học dưới thành phố.

Anh Đức Trung biết không, ai cũng nói tôi sướng, giàu có, nhà cao cửa rộng, chồng làm giám đốc, con ngoan học giỏi. Nhưng từ lâu, tôi đã sống như một bà mẹ đơn thân. Cuộc hôn nhân của tôi “nhạt như nước ốc” dù lớp vỏ bên ngoài vô cùng quyến rũ.

Chồng tôi nếu không đi làm thì lại đi đâu đó cả ngày, ít khi ăn cơm nhà. Có lẽ những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu có thể là khởi nguồn cho các trận cãi vã của vợ chồng tôi bây giờ.

6 năm trước, má chồng tôi nằng nặc đòi về quê ở với cô em gái, rồi mất. Anh bỗng dưng đổ lỗi do tôi cư xử không tốt khiến bà không ở chung được mới về quê. Anh vốn rất có hiếu với má nên tôi phải nín nhịn.

Từ đó, anh lấy cớ làm việc khuya rồi ngủ luôn ở phòng làm việc. Sau đó khi con trai đi học ở thành phố thì anh chuyển qua phòng con ở.

Anh cư xử với tôi như người xa lạ.Tiền bạc của ai người nấy xài. Thậm chí, người này đau bệnh cũng tự lo mà không thông báo cho người kia. Sống không hạnh phúc, nhưng khi nói đến chuyện ly hôn, thì: “Con trai tôi bảo nếu ba má ly hôn, con sẽ bỏ học đi bụi”. Thôi thì cũng ráng vì con.

Trước mặt mọi người, anh rất khéo diễn vở yêu thương, chăm sóc, vui vẻ…với vợ con. Vì thế, cuộc hôn nhân “nhạt như nước ốc” của tôi được phủ một lớp vỏ bên ngoài vô cùng hoàn hảo, vô cùng lóng lánh.

Anh Đức Trung ơi, tôi đang chán nản vô cùng. Giờ tôi phải làm sao đây? Xin anh Đức Trung hãy cho một lời khuyên!

EM GÁI

Em gái thân mến!

Phải nói ngay rằng: Khó có cuộc hôn nhân nào chỉ toàn thuận buồm xuôi gió mà không gặp phải những lúc bão giông. Nhiều cặp vợ chồng chỉ vì những trở ngại, bế tắc trong giao tiếp ứng xử thường nhật mà phát sinh mâu thuẫn khiến cuộc hôn nhân trở nên nặng nề, bế tắc…

Đâu là nguyên nhân? Đầu tiên là sự vỡ mộng của các cặp đôi sau ngày cưới khi cuộc sống thực tế không như họ nghĩ. Khi mới lập gia đình ta chỉ nghĩ đến màu hồng của tình yêu, đến sự lãng mạn của cảm xúc, đến sự hưng phấn của tình dục, mà bỏ qua thực tế của đời sống hôn nhân. Trong khi hôn nhân là một công trình phải kiến tạo dài ngày, đòi hỏi phải hy sinh, vất vả, dày công để chu toàn trách nhiệm vai trò vợ và chồng, làm cha làm mẹ. Chưa kể hợp hay không hợp nhau về vấn đề “chăn gối”.

Sự thiếu tôn trọng nhau cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng. Do cuộc sống chung đụng thường xuyên nên vợ chồng dễ tỏ ra nhàm chán, coi thường nhau. Khi không tìm được tiếng nói chung, cả vợ lẫn chồng dễ rơi vào thế đối kháng, đối lập thay vì đồng thuận, đồng lòng. Ngoài ra, còn có những đổ vỡ gia đình do có người thứ ba xuất hiện.

Tuy nhiên, em nên nhớ, đừng đánh mất “sức mạnh vô song” đó là sự hòa thuận giữa hai vợ chồng. Mà muốn có sự hòa thuận, hòa bình thì hai người, trước hết, trên hết em phải lùi xuống, dẹp bỏ bớt cái tôi, vị tha quảng đại, từ bỏ ý riêng, dẹp bớt cái tôi mà chấp nhận hòa hợp với chồng.

Thay vì tranh cãi một cách vô ích, em nên ngồi lại với chồng, nhẹ nhàng cùng nhau tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp chữa lành xung đột vợ chồng. Em hãy nhớ, tranh luận đúng cách sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Vợ chồng luôn tôn trọng nhau là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì một cuộc hôn nhân thành công, bền vững.

Tôn trọng cái tốt, ưu điểm và cả cái không tốt, khuyết điểm của bạn đời. Vợ chồng nào mà chẳng có những cái “lệch” nhau. Từ cá tính đến sở thích riêng tư, từ quan niệm sống đến cách đối nhân xử thế, từ thói quen tập quán đến văn hóa giao tiếp ứng xử… Sự khác biệt vợ chồng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, nó không làm mất đi sự hòa hợp mà còn giúp hỗ trợ, nâng đỡ nhau và giúp đời sống hôn nhân thêm phong phú.

Hãy nhớ, không phải cứ là vợ chồng rồi thì ta muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Mà hai người còn cần biết trò chuyện với nhau một cách cởi mở, thẳng thắn, tế nhị và tin cậy. Việc lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của nhau là điều luôn cần thiết trong cuộc sống hôn nhân. Chúc em thành công.

ANH ĐỨC TRUNG