40 năm cây cao su thay đổi những bản làng

CSVN – Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đưa cây cao su lên Tây Nguyên nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc và giải quyết việc làm cho người dân, giữ vững và củng cố an ninh quốc phòng nơi vùng biên giới. Đến nay, trải qua 40 năm cây cao su bén rễ trên vùng đất đỏ bazan, những buôn làng người dân tộc thiểu số đã hoàn toàn đổi thay.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, VRG và Cao su Chư Sê chụp hình lưu niệm với các vị lão thành, nguyên lãnh đạo công ty qua các thời kỳ nhân dịp công ty kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
Cái ăn, cái nghĩ đã khác

Là thế hệ thứ 2 trong đại gia đình có 3 đời làm công nhân cao su với 12 thành viên, anh Hnưch – Công nhân NT Đoàn Kết, Cao su Mang Yang vẫn luôn tự hào khi nhắc về những ngày đầu theo cha đi trồng cao su cách xa làng đến hơn 30 cây số.

Anh Hnưch chia sẻ: “Cha mẹ mình đi trồng cao su cho công ty năm 1985, khi đó ở thị trấn Đăk Đoa bây giờ còn thưa người lắm, dân làng mình cũng còn nghèo lắm, phải đạp xe vào tít NT Bờ Ngoong bây giờ, cách làng mình ở hơn 30 cây số để trồng cao su, kiếm tiền nuôi gia đình”.

Còn anh Y Thứ, em vợ của Hnưch làm công nhân của NT Đoàn Kết đến nay cũng đã tròn 20 năm cho hay: “Lúc nhỏ không riêng gì nhà mình, trong làng ai cũng nghèo, làm lúa nước nhưng quanh năm vẫn phải thiếu ăn. Từ khi vào làm công nhân cao su, nhờ có lương ổn định hàng tháng nên cuộc sống mới thay đổi. Hồi nhỏ, nhiều khi cả ngày mới được bữa cơm, mà thức ăn cũng không có gì ngoài canh rau, nay thì cuộc sống khác nhiều rồi, ai cũng được ăn 3 bữa mỗi ngày với đầy đủ thịt, cá và có nhà xây để ở, có xe máy để đi, tất cả đều nhờ làm công nhân cao su”.

Cả cha và mẹ Y Thứ đều làm công nhân cho Cao su Mang Yang từ những ngày đầu, tuy nhiên do sức khỏe nên công tác không được lâu năm. Y Thứ là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em, tất cả đều đi làm công nhân cao su và đến nay cả 5 thành viên đều có thâm niên công tác từ 20 năm trở nên. Gia đình anh Y Thứ có vợ cũng là công nhân, đầu năm 2024 cô con gái đầu lòng của gia đình anh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học thì quyết định xin đi làm công nhân và nhanh chóng được nông trường tuyển dụng.

Chị Huỳnh Thị Như Thảo – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn NT Đoàn Kết cho biết: “Ở làng Pi ơm có rất nhiều gia đình làm công nhân từ ngày đầu khi công ty thành lập, đến nay có nhiều gia đình 2, 3 thế hệ làm công nhân cho nông trường, công ty. Hầu hết trong số họ đến nay đã có cuộc sống no ấm, con cái đến trường đầy đủ, nhà cửa khang trang, nhiều gia đình có của dư mua thêm nương, rẫy và tăng gia sản xuất. Họ đã thay đổi suy nghĩ trong việc làm thêm kinh tế, biết tiết kiệm, nên cuộc sống giờ tốt lên hẳn”.

Trong lần về làng Pó của xã Ia Kly ở Cao su Chư Prông để viết về một gương đảng viên trẻ, chúng tôi đã được lắng nghe nhiều câu chuyện hay, cảm động về sự thay da, đổi thịt trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từ cây cao su, từ công việc khai thác mủ.

Chị Rơ Lan H’Anh – Công nhân NT Suối Mơ, Cao su Chư Prông từng chia sẻ: “Em nhớ ngày nhỏ nhà em nghèo lắm, thường xuyên thiếu ăn, nhưng do có mẹ đi làm công nhân nên tháng nào cũng có lương, mà lúc nhỏ đi lô đào hố trồng cao su toàn bằng chân tay, vất vả lắm, tiền lương cũng không nhiều. Nay em được khai thác dòng nhựa trắng chính từ những cây cao su mẹ em từng trồng, những cây cao su này đã làm cho cuộc sống gia đình em thay đổi rất nhiều”.

Từ một loài cây khá xa lạ với bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, đến nay cây cao su không chỉ là cây “xóa đói, giảm nghèo” mà chính cây cao su đã thay đổi rất lớn trong đời sống bà con, từ việc có thu nhập ổn định hàng tháng với tiền lương, các chế độ bồi dưỡng đến các chế độ chính sách khác, từng bước giúp bà con có góc nhìn tích cực hơn trong việc phát triển cây cao su và khai thác nguồn lực kinh tế từ cây cao su.

Không ít người trong số họ đã biết tận dụng, phát huy nguồn lợi từ đất đai sẵn có, từ ông cha cho để trồng cây cao su phát triển kinh tế, những lúc giá tốt họ có nguồn tài chính dự trữ, lúc giá bán thấp thì họ lấy công làm lời cũng đủ trang trải cho cuộc sống, không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc.

Anh Y Thứ (bìa trái) và vợ (bìa phải) cùng anh Hnưch (thứ 2 từ phải sang) và mẹ (ngồi cạnh) cùng nhau chia sẻ câu chuyện về truyền thống gia đình có 3 đời làm công nhân cao su
Tiếp tục phát huy giá trị truyền thống

22 năm làm công nhân cạo mủ, 5 lần được tham gia Hội thi thợ giỏi khai thác mủ của nông trường và công ty, anh Hnưch tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Có lẽ với mình năm 2024 này là lần mình được dự thi cuối cùng, vì cũng lớn tuổi rồi, vì vừa giành được giải thưởng cao tại hội thi cấp nông trường, nên nông trường chọn đi dự thi cấp công ty sắp tới, điều này làm cho mình thấy tự hào quá, vui quá. Truyền thống gia đình mình có 12 anh chị em, con, cháu đều làm công nhân cho nông trường, mong mai này lũ nhỏ phát huy tốt truyền thống của gia đình”.

Trong những câu chuyện được các vị tiền bối chia sẻ tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cao su Kon Tum, Mang Yang, Chư Sê, Ea H’leo hay Krông Buk, các anh đều nói về thời kỳ đầu đầy gian nan, những con người đã gặp không biết bao nhiêu vất vả, đối diện với vô vàn khó khăn bởi rừng thiêng nước độc, dịch bệnh sốt rét, bom mìn còn sót lại, Fulro chống phá, quấy rối…đã làm nản lòng nhiều người. Nhưng rồi, những người ở lại đã quyết tâm bám trụ, khắc phục khó khăn để định hình nên những cánh rừng cao su xanh ngát và bạt ngàn trên vùng đất đỏ Bazan. Trong số này, Anh hùng Lao động Hồ Văn Ngừng, nguyên Giám đốc đầu tiên của Công ty Cao su Chư Sê chia sẻ và nhắn nhủ với thế hệ trẻ trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập của công ty rằng: “Lịch sử hình thành và phát triển của Cao su Chư Sê nói riêng, Tây Nguyên nói chung phải được tiếp tục hun đúc, phát huy và giữ gìn bởi những thế hệ trẻ hôm nay. Những ngày đầu gian khó, tình người của đồng bào Tây Nguyên đùm bọc ta những lúc khó khăn, vất vả, nay có thành quả phải nhớ đến người đi trước xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của các công ty cao su Tây Nguyên hôm nay”. Đến nay, sau 40 năm cây cao su có mặt, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung đã thay đổi rõ rệt, đời sống cả về vật chất, tinh thần đều được nâng cao, các phong trào VHVN – TDTT được duy trì và phát triển mạnh mẽ, tài sản các công ty lên hàng trăm tỷ đồng, trụ sở và nơi làm việc khang trang, điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh năm sau luôn tốt hơn năm trước, các chế độ chính sách như BHXH, BHYT, BHTN, bồi dưỡng độc hại, ăn ca được duy trì và cấp phát đầy đủ, kịp thời.

Trước khi chia tay với đại gia đình anh Y Thứ, Hnưch nơi làng Pi ơm, cô con gái anh Y Thứ là Nhơn vừa được nhận làm công nhân NT Đoàn Kết, Cao su Mang Yang chia sẻ với chúng tôi về nguyện vọng: “Gia đình em có được hôm nay là nhờ phần nhiều vào công sức đi làm công nhân của ông bà, rồi cha mẹ em, qua tìm hiểu em thấy rất vui được nối tiếp nghề cha và sẽ cố gắng lĩnh hội, tiếp thu và phát huy những giá trị truyền của người công nhân cao su, nhất là trong phong trào thi đua, phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi để tham gia Hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su từ nông trường đến cấp ngành”.

Chứng kiến sự thay da đổi thịt trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở thôn, làng trên Tây Nguyên mới thấy ý nghĩa, vai trò dẫn dắt và tiếp sức của các dự án cao su trong 40 năm qua.

VĂN VĨNH