Công nhân Cao su Đồng Nai: Nêu cao Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất

CSVN – Với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và sự thông minh, sáng tạo, linh hoạt, công nhân Cao su Đồng Nai luôn nêu cao Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và trong lao động sản xuất.

Công nhân Xí nghiệp chế biến Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong
Anh hùng trong kháng chiến

Sống trong cảnh nước mất nhà tan và trong “địa ngục trần gian” thù thực dân, đế quốc và phong kiến sâu sắc, cũng như luôn các đồn điền, công nhân Cao su Đồng Nai thể hiện lòng căm thù bùng lên lòng yêu nước nồng nàn. Từ khi có Đảng lãnh đạo, lòng căm thù giặc và lòng yêu nước đó đã trở thành sức mạnh gấp bội lần của tất cả công nhân ở khắp các đồn điền không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo. Sức mạnh đó cùng với sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới, đã quật ngã bất kỳ kẻ thù nào dù chúng có to lớn, giàu mạnh hay tàn bạo đến đâu, nếu chúng xâm phạm nền độc lập, chủ quyền và tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của công nhân cao su Biên Hòa – Đồng Nai đã được hun đúc từ các yếu tố trên và được phát huy từ khi Đảng ra đời, trong những tháng năm kháng chiến chống thực dân Pháp và càng phát huy mạnh mẽ trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm 1930, khi bị địch bắt vì tội đấu tranh, nhưng trước tòa án của chúng ở Biên Hòa, những người công nhân cao su đồn điền Phú Riềng vẫn dũng cảm, hiên ngang lên án tội ác của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp. Bạo lực và cường quyền không làm lung lay ý chí kiên cường, bất khuất của họ. Tiếp đó, sự đàn áp, khủng bố của địch sau khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 vẫn không thể dập tắt được phong trào đấu tranh của công nhân cao su dù cách mạng đang lâm vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Trong kháng chiến chống Pháp, cán bộ, công nhân cao su và nhân dân Đồng Nai mãi mãi không bao giờ quên những tấm gương hy sinh bất khuất của các anh Lê Hữu Quang, Phạm Văn Phú, chiến đấu ngoan cường, sáng tạo của “hùm xám miền Đông” Đinh Quang Ân… khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, kính nể. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và sự thông minh, sáng tạo, linh hoạt.

Ở Bình Ba, ông già Ngọc dũng cảm đứng chặn đầu xe ủi của giặc không cho địch ủi phá, chiếm đất của bà con công nhân. Ở Cẩm Mỹ, ông già Ba Tư xung phong dẫn đầu đoàn thương binh vượt vòng vây của giặc, tránh gây tổn thất lực lượng cho cách mạng. Ở Bình Sơn – Long Thành, tiểu đội nữ súng cối của lực lượng vũ trang cao su có những trận đánh yểm trợ, hiệp đồng với chủ lực tỉnh, huyện thật xuất sắc. Ở An Lộc, đội du kích nữ bám làng, sở chiến đấu kiên cường. Ở Suối Tre và An Lộc, hàng rào ấp chiến lược không thể ngăn chặn ông Ưu, bà Ưu, ông Phụng, bà Diệp tổ chức theo dõi đánh địch bên trong, liên lạc tiếp tế cho bên ngoài. Ở Bình Sơn, mặc dù quân Mỹ đóng cách nhà 20m, gia đình ông Năm Chiêu vẫn che giấu cán bộ cách mạng, trú hầm bí mật

ngay trong nhà để bảo vệ và đã diệt những kẻ đầu hàng, phản bội cách mạng; các má Chín Chu, Chín Ngạc, các chị Bảy Lệ, Đông ở đây đã nuôi giấu cán bộ trong ấp và là những người đi đầu trong đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù. Ở Bình Lộc, chị Bé xung phong đưa đường cho đoàn thương binh trên 100 người vượt vòng vây giặc và đã anh dũng hy sinh. Nhiều gia đình cả nhà đi chiến đấu, điển hình như má Chín Chu ở Bình Sơn có 5 con đi bộ đội thì 4 người hy sinh, má Lại Thị Hấu ở Bình Ba, cả nhà đều tham gia hoạt động cách mạng…

Công nhân đồng bào dân tộc thiểu số trên vườn cây Nông trường Cẩm Đường. Ảnh: Vũ Phong

Tiếp nối truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và mưu trí, sáng tạo của cha anh, thiếu nhi Bình Sơn, không chỉ làm trinh sát, giao liên, bảo vệ cán bộ, mà thực sự là những chiến sĩ xuất sắc trong cách đánh, gây nhiều thiệt hại cho quân viễn chinh Mỹ và Thái Lan như em Nguyễn Văn Lý (con ông Chữ) ở Bình Sơn mới 10 tuổi đã lập công lấy lựu đạn của Mỹ diệt 3 lính Mỹ và làm bị thương 5 lính Việt Nam Cộng hòa, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” đầu tiên ở Bình Sơn; các em Hoan, Lý, Kim (thiếu nhi Bình Sơn) với trận “Phi Long” (Rồng Lửa) ngày 28/3/1967 đã đánh tan 1 tiểu đoàn Mỹ, Công Văn Ri (cu Ri – thiếu niên 13 tuổi ở Bình Sơn) đã sáng tạo tổ chức đá bóng (trong ruột quả bóng có giấu thuốc men) để tiếp tế cho cách mạng. Ở Hàng Gòn, thiếu niên Tuấn (tức Vĩnh) vờ đuổi chó để có cớ tiếp cận quân thù, ném lựu đạn diệt Mỹ…

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước là nguồn gốc, động lực của sự năng động, sáng tạo, mưu trí, linh hoạt trong phong trào công nhân cao su, giúp công nhân có thể qua mắt địch, thoát được vòng kìm kẹp, bao vây kiểm soát của kẻ thù để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trinh sát, giao liên, hậu cần, phục vụ chiến đấu và chiến đấu của công nhân cao su Biên Hòa – Đồng Nai, góp phần phá vỡ sự câu kết giữa chủ tư bản với chính quyền tay sai, thực hiện đấu tranh thắng lợi với cả hai thế lực tư bản và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

…và trong dựng xây

Trong bước đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 1986), đội ngũ công nhân cao su đã không ngừng phát huy tinh thần sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước, cải tiến kỹ thuật, với các tập thể tiêu biểu như các Nông trường Xà Bang, Cù Bị, Cẩm Đường, Nhà máy chế biến Cẩm Mỹ. Về cá nhân có chị Phạm Thị Liên, công nhân cạo mủ ở Nông trường Bình Lộc với sáng kiến cạo 3 vòng quay đã đưa năng suất khai thác lên cao, đưa Bình Lộc và Công ty Cao su Đồng Nai trở thành cánh chim đầu đàn trong ngành cao su Việt Nam, được Thông tấn xã Việt Nam đưa tin và Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi (năm 1981); anh Ngụy Văn Bình, công nhân cạo mủ nông trường Bình Ba đạt giải Nhất trong Hội thi chọn thợ giỏi toàn ngành cao su Việt Nam năm 1984; chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, công nhân tháp cao su Nông trường Bình Sơn đạt giải Nhất Hội thi tháp cây toàn Công ty năm 1984; chị Nguyễn Thị Ngời, công nhân cạo mủ Nông trường Hàng Gòn trong những năm 1980 – 1985, liên tục đạt năng suất cao nhất (118%) và có số ngày công cao nhất, đặc biệt thu hoạch được mủ có chất lượng tốt… và rất nhiều tấm gương xuất sắc khác.

Kế thừa bản lĩnh của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam, và nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trí thông minh, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của công nhân Đồng Nai đã được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là điều mà ngành cao su hết sức tự hào, trân trọng và vun đắp.

Xây dựng đội ngũ công nhân cao su

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều này không chỉ đúng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn đúng trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất và từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và thành tựu bước đầu trong hơn 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chuẩn bị cơ sở nền tảng cho công cuộc đổi mới, hội nhập cho phép Đảng bộ và công nhân cao su Đồng Nai khẳng định điều này.

Trong hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ Công ty Cao su luôn chú trọng xây dựng, phát triển Đảng trong các nông trường, nhà máy. Đội ngũ cán bộ, đảng viên từ 6 đồng chí của Chi bộ Ban Cao su và 40 đồng chí của các nông trường khi mới thành lập, đến năm 1985 đã lên đến 446 đồng chí, chiếm tỷ lệ 1,17% so với tổng số công nhân, viên chức, trong đó có 89/3.510 đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trưởng thành được kết nạp vào Đảng, chứng tỏ sự quan tâm của Đảng bộ công ty về đội ngũ dự bị cho Đảng.

Về tổ chức Công đoàn, sau 10 năm, toàn Công ty có 28.000 đoàn viên Công đoàn, chiếm gần 74% so với tổng số cán bộ, công nhân, viên chức của công ty. Số lượng tổ chức các cơ sở Công đoàn và đoàn viên Công đoàn như vậy là phát triển tương đối nhanh. Cán bộ Công đoàn ngày càng nắm vững về lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Bộ luật lao động để có thể bảo vệ thiết thực quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho công nhân. Ngoài ra, để có thể bảo đảm sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, Công ty đã có cơ chế tạo điều kiện cho công nhân được học tập lý luận chính trị, văn hóa; xây dựng những thiết chế văn hóa cho công nhân, tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa người sử dụng lao động với công nhân trong đơn vị, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra giữa hai thành phần này và khi xảy ra đã giải quyết kịp thời, hiệu quả, có lý, có tình.

Giai cấp công nhân ở Đồng Nai nói chung và công nhân cao su nói riêng trong 80 năm hình thành và phát triển (1906 – 1986), đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thể hiện rõ bản chất tiên tiến, hiện đại của giai cấp công nhân Việt Nam, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, đang trong quá trình vươn lên trở thành giai cấp “công nhân trí thức” để xứng đáng là giai cấp lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và hội nhập năm 1986 – được xem là mốc khởi đầu, nhằm hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mang “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ công nhân cao su Đồng Nai đã hiến dâng tất cả sức lực, trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và xương máu cho đất nước, quê hương, cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc của nhân dân. Không phân biệt già trẻ, gái trai, người Kinh, người dân tộc thiểu số, lương hay giáo…, họ đã sống, chiến đấu, xây dựng và chiến thắng hết sức vẻ vang trên vùng đất cao su anh hùng, trong cuộc đấu tranh cho chính nghĩa và công lý.

Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ trong các phong trào của công nhân cao su Đồng Nai, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần cách mạng sắt son, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phong trào như các đồng chí Đinh Quang Ân, Phạm Văn Hy, Trần Việt Trung, Trần Văn Kiểu, Trương Văn Lịch, Nguyễn Văn Lắm, Nguyễn Thị Ngời, Lê Sắc Nghi, Nguyễn Việt Trân… cũng như trên các lĩnh vực khác của Công ty Cao su và các nông trường, nhà máy của các thế hệ công nhân. Trên cơ sở đó, đã xây dựng nên một đội ngũ đảng viên trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và các danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước, ngành cao su, các tổ chức chính trị – xã hội.

MINH NHIÊN

(Trích Công ty Cao su Đồng Nai – Hành trình xuyên thế kỷ – Những dấu ấn và giá trị trường tồn (1906 – 1986)

Kỳ tới: Những tên đất – Địa danh đi vào lịch sử