CSVNO – Ngày 18/10, VRG cùng tổ chức Oxfam Campuchia đã tổ chức Hội thảo hoạch định các kế hoạch thực hiện bình đẳng giới của Tập đoàn trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh (TTX) và phát triển bền vững (PTBV).
Dự Hội thảo có ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, Phó Ban Chỉ đạo phát triển bền vững Tập đoàn; bà Shophoan Phean – GĐ Oxfam Campuchia; ông Phạm Quang Tú – Phó GĐ Oxfam Việt Nam, các chuyên gia tư vấn độc lập và đại diện 55 đơn vị thành viên tập đoàn tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo xoay quanh các nội dung: trình bày kết quả triển khai khảo sát tại một số cộng ty thành viên VRG về việc lồng ghép giới trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các khuyến nghị chung nhằm đảm bảo tính đáp ứng giới trong văn bản chiến lược, lập kế hoạch và triển khai có hiệu quả của Tập đoàn cũng như các công ty tại Việt Nam, Lào, Campuchia; các đề xuất, khuyến nghị nhằm hoàn thiện các nội dung về bình đẳng giới trong chiến lược phát triển xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến 2050 do Tập đoàn ban hành đồng thời trình bày các khuyến nghị phù hợp với kế hoạch TTX và PTBV của Tập đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung cho biết, Tập đoàn là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, trong khu vực về hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn nhận định sẽ có những đóng góp quan trọng việc hoạch định về chiến lược phát triển của ngành cao su, về phát triển rừng bền vững. Đồng thời hoạt động của Tập đoàn cũng có sự ảnh hưởng đến đời sống, môi trường và xã hội của cộng đồng dân cư trên các vùng dự án cao su.
Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 289/QĐ-HĐQTCSVN ngày 25/9/2023 của Hội đồng quản trị VRG về việc ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh (TTX&PTBV) và phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 4 mục tiêu chính: giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa chuỗi cung ứng, xanh hóa quy trình sản xuất, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu.
“Mục tiêu thứ 4 là một trong những nội dung quan trọng mà tập đoàn đang tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của NLĐ và người dân quanh vùng dự án, đảm bảo NLĐ có điều kiện, cơ hội phát triển và thu hưởng thành quả của sự phát triển, xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng, hòa nhập trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh”, phó TGĐ Trương Minh Trung chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức Oxfam, đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm trong chuỗi giá trị cao su. Oxfam sẽ hỗ trợ Tập đoàn tăng cường hiệu quả các chính sách và thực hành về kết nối cộng đồng, bình đẳng giới, an ninh lao động và các vấn đề về xã hội môi trường. Đồng thời hỗ trợ chiến lược TTX và PTBV của Tập đoàn.
Tập đoàn xác định chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội, kết nối cộng đồng và bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những yếu tố then chốt giúp Tập đoàn có thể tiếp cận sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn các hoạt động xã hội nhằm đảm bảo các cam kết của doanh nghiệp trong kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường về trách nhiệm xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Shophoan Phean – GĐ Oxfam Campuchia đánh giá cao sự hợp tác, nỗ lực hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đối với chương trình nghiên cứu của Oxfam Việt Nam và Campuchia để có những hoạt động, lập kế hoạch đưa bình đẳng giới vào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của ngành cao su.
“Chúng tôi thấy được sự quyết tâm với những cam kết của lãnh đạo Tập đoàn trong tìm hiểu, đánh giá thực trạng việc triển khai chính sách và chiến lược thực tế triển khai tại các đơn vị thành viên. Hội thảo lần này Oxfam sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến các đơn vị thành viên sau khi các chuyên gia chia sẻ kết quả đánh giá để có kế hoạch hành động sát hơn với thực tế để lồng ghép vào chiến lược phát triển giới, bình đẳng giới của Tập đoàn” – bà Shophoan Phean chia sẻ.
Qua 4 năm hợp tác với VRG, chúng tôi thấy rằng sự tham gia và vai trò của Tập đoàn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là liên quan đến tăng trưởng xanh trong chuỗi cung ứng cao su rất là quan trọng. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác và kết quả chiến lược hợp tác giữa Tập đoàn và Oxfam sẽ được triển khai một cách hiệu quả.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn độc lập của Oxfam Campuchia đã chia sẻ nhiều giải pháp cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan xoay quanh chiến lược bình đẳng giới trong TTX và PTBV như: tăng cường thực hiện kết nối cộng đồng và bình đẳng giới nơi làm việc; các biện pháp, hoạt động cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới; tăng quyền năng để phụ nữ tham gia tích cực trong thực hiện Chiến lược TTX & PTBV; nâng cao vai trò của Ban VSTBPN và Công đoàn trong đảm bảo BĐG khi thực hiện Chiến lược TTX & PTBV…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó TGĐ, Phó Ban Chỉ đạo phát triển bền vững VRG Trương Minh Trung gởi lời cảm ơn tổ chức Oxfam Campuchia, Oxfam Việt Nam, các chuyên gia tư vấn độc lập, đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế trong quá trình thực hiện để Tập đoàn có cơ sở bổ sung, hoàn thiện chiến lược cũng như kế hoạch hành động của mình. Nhờ sự giúp đỡ của Oxfam, Tập đoàn sẽ có chương trình hành động cụ thể và tổ chức đánh giá sự thay đổi, hướng đến việc đạt được mục tiêu của mình.
Ông Trương Minh Trung cũng yêu cầu các đơn vị phải cùng đồng hành với Tập đoàn trong việc lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong thực hiện chiến lược TTX và PTBV.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Nhiều đề tài khoa học gắn với thực tiễn
- Kiên định hoàn thành mục tiêu kép
- Cao su Chư Sê – Kampong Thom phấn đấu vượt từ 5-10% kế hoạch
- Bế giảng lớp cao cấp chính trị C2
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Lào phải bằng tư duy đi cùng nhau
- Khen thưởng 2 tổ sản xuất Cao su Bình Long
- Tập trung nâng cao chất lượng, năng suất và sản lượng vườn cây
- VRG ưu tiên bàn giao đất xây dựng công trình an sinh xã hội
- Bình Dương cần trên 1.800 ha đất cao su để phát triển kinh tế xã hội