Sức sống mới ở nông trường Ia Glai

CSVNO – Từng phải đối diện với vấn đề công nhân xin nghỉ hàng loạt do vườn cây thanh lý, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ý thức lao động và tác phong làm việc còn kém, nhưng nay Nông trường Ia Glai, Cao su Chư Sê đã có một diện mạo mới với sức sống mới.

Việc trồng xen đã cải thiện rất nhiều đời sống người dân trên địa bàn của nông trường đứng chân
Nhiều giải pháp vượt khó

Tay bắt, mặt mừng đón tiếp chúng tôi, anh Kpă Blông – Thôn trưởng làng Del cho biết: “Đoạn đường các anh vừa đi có chiều dài 1,7 km, được làm xong cách đây vài ngày, đây là một trong số các tiêu chí của làng nông thôn kiểu mẫu, trong làng gần như đã được phủ bởi đường bê tông rồi, giờ đi lại không lo lầy lội, hố gà, ổ voi nữa đâu”.

Còn nhớ, thời điểm vào những năm 2008 – 2010, NT Ia Glai là đơn vị luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng và từng là thành viên CLB 2 tấn/ha 5 năm liên tục, nhưng cơn bão số 9 và 11 năm 2009 đã càn quét, tàn phá vườn cây. Số lượng cây cạo thấp, dẫn đến năng suất lao động cũng thấp, rồi vài năm sau đó giá cao su bắt đầu tụt giảm, nên công ty quyết định thanh lý hàng loạt vườn cây, trong đó có phần nhiều thuộc NT Ia Glai. Đây chính là lý do nhiều công nhân của NT bỏ việc, xin nghỉ. Từ đó làm cho NT từ một đơn vị dẫn đầu trở thành đơn vị luôn phải bám đuổi các NT khác cả về năng suất, sản lượng và thu nhập của NLĐ, đến các phong trào thi đua.

Để củng cố lại tinh thần, kỷ luật lao động và giữ chân NLĐ, NT đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo công ty. Một trong số đó là ưu tiên cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nhận đất trồng xen canh, đề xuất tăng đơn giá cho vườn cây cạo trên cao. Cùng với đó là sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể với việc phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, hình thức thưởng đa dạng, phong phú về nội dung hoạt động đã nhanh chóng sốc lại tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất của công nhân.

Một diện mạo hoàn toàn mới

Ngày nay, NT đã đề xuất với công ty ưu tiên tuyển dụng những lao động trong các gia đình nghèo, gia đình khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số trong các bản làng có cao su của NT đứng chân. Cách làm này đã nhận được sự tán thưởng lớn của chính quyền địa phương, người dân và lãnh đạo công ty. Qua đó đã củng cố nguồn lực lao động cho NT, tạo ra nguồn lực lao động dồi dào, gắn bó, nhiệt huyết.

Rời khỏi buổi khởi công xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, trên đoạn đường bê tông ngắn ngủi, rực sắc đỏ màu cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2/9, anh Vương Đức Thông – Chủ tịch Công đoàn công ty nói với chúng tôi: “Bà con ở đây giờ đã khác xưa rất nhiều, khác ngay từ trong tư suy, suy nghĩ, trong lề lối làm việc, tác phong lao động đến ý thức xây dựng quê hương làng bản.

Ngày nay, chúng tôi không còn phải vào tận từng nhà để kêu gọi bà con đi cạo mủ, mà thay vào đó là ý thức tự giác cao, dù mưa hay nắng bà con vẫn thực hiện nội quy lao động, khi phát động phong trào nào đó, bà con đều tham gia đầy đủ và nhiệt tình”.

Nhìn những căn nhà kiên cố, khang trang, tươi mới xây dựng san sát nhau rất khó để phân biệt đâu là nhà của công nhân cao su, đâu là nhà của những thương lái, cán bộ công chức hay lão nông trong làng. Tất cả đều thể hiện một diện mạo mới, làng Del đã được cải thiện rất nhiều, xứng đáng làm làng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Ia Glai.

VĂN VĨNH