Quy chế Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV – năm 2024

CSVN – VRG vừa ban hành Nội quy – Quy chế Hội thi và đăng ký tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV năm 2024

Thí sinh thi thực hành Hội thi Bàn tay vàng cụm nông trường số 1 Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Đào Phong
1.  Đăng ký – số báo danh
  • Thí sinh tham dự Hội thi đều phải được các đơn vị đăng ký trực tuyến với Ban Tổ chức Hội thi đúng thời gian quy định từ 01/11 – 15/11/2024; Trong danh sách đăng ký phải ghi rõ: họ tên (theo đúng CCCD), ngày cấp, ngày sinh, giới tính, dân tộc; thâm niên tay nghề, trình độ học vấn (theo hợp đồng lao động) và gửi hình thí sinh kèm theo hồ sơ đăng ký có xác nhận của đơn vị.
  • Trong buổi họp đầu tiên tại Hội thi, các đoàn tham dự được Ban Giám khảo hướng dẫn bốc thăm xác nhận số báo danh sử dụng trong suốt thời gian chính thức của Hội thi.
  • Số báo danh – thể hiện trên thẻ thí sinh có hình, được thí sinh sử dụng khi tham gia tất cả các nội dung thi, kể cả số phần cây thi thực hành.
2.  Sửa phần cây
  • Mỗi thí sinh dự thi sẽ được phép sửa phần cây thi thực hành cạo mủ theo số báo danh của mình, thời gian sửa phần cây tối đa là 120 phút. Trong khi thí sinh sửa phần cây, các cá nhân không có nhiệm vụ tuyệt đối không được vào trường thi.
  • Nội dung sửa phần cây: thí sinh kiểm tra, nhận xét mặt cạo thật kỹ trước khi sửa và chỉ được sửa tối đa 2 lát dao/cây cạo.

+ Sửa miệng cạo, có lòng máng, chỉnh lại ranh tiền – ranh hậu vuông góc.

+ Chỉnh lại mương dẫn mủ, máng hứng mủ, buộc kiềng và đặt chén hứng mủ sao cho việc thao tác cạo và mủ chảy vào chén thuận lợi.

+ Trong quá trình sửa phần cây, lưu ý kiểm tra số thứ tự đã được dán trên cây, Trưởng đoàn có trách nhiệm báo ngay cho Ban Giám khảo sau khi kết thúc thời gian sửa phần cây về các trường hợp có sai sót: thiếu – thừa cây cạo, thiếu máng, thiếu – bể chén hứng mủ… (có vị trí, số lượng cụ thể rõ ràng).

3.  Nội dung thi: thí sinh dự thi 3 phần chính: lý thuyết, dụng cụ, thực hành cạo mủ
3.1. Thi lý thuyết:

– Hình thức thi trắc nghiệm: mỗi thí sinh sẽ trả lời 60 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút, bằng cách đánh dấu vào câu trả lời đúng nhất trong 4 câu trả lời a, b, c, d của từng câu hỏi (câu hỏi được đảo vị trí và chọn ngẫu nhiên trong Bộ đề thi lý thuyết chính thức đã ban hành, cùng một số câu hỏi bên ngoài của Ban Giám khảo).

– Ban Giám khảo sẽ phát đề thi và bảng trả lời cho các thí sinh; bộ đề thi có 60 câu hỏi trắc nghiệm, ở bảng trả lời từng câu có sẵn 4 câu trả lời a, b, c, d; thí sinh chọn câu trả lời đúng nhất và khoanh vòng (O) vào mẫu tự a hoặc b, c, d trong bảng trả lời.Khi đã khoanh tròn câu trả lời rồi, nếu thấy sai cần chọn câu trả lời khác thì thí sinh sẽ gạch chéo (X) chồng lên vòng khoanh tròn câu trả lời đó và khoanh tròn câu trả lời chọn đúng nhất của mình; nếu sau đó thí sinh muốn chọn lại câu đã gạch chéo thì đóng khung vuông (□) cả vòng tròn khoanh câu trả lời đó và gạch chéo chồng lên vòng khoanh tròn câu trả lời vừa chọn trước. Chỉ có 01 câu trả lời khoanh vòng hoặc đóng khung vuông mới được chấm điểm, trong trường hợp thí sinh khoanh vòng hoặc đóng khung vuông 02 câu trả lời trở lên thì xem như sai và câu đó không có điểm.

(như vậy câu a sẽ được coi là câu trả lời cuối cùng câu hỏi số 12)

– Điểm tối đa cho phần thi lý thuyết là 30 điểm, mỗi câu trả lời sai bị trừ 0,5 điểm.

– Trong khi thi lý thuyết thí sinh phải ngồi đúng chỗ do Ban Giám khảo quy định, không được mang tài liệu vào phòng thi, không trao đổi với nhau trong lúc làm bài thi. Nếu gian lận trong khi thi, không tuân thủ hoặc vi phạm quy chế thi lý thuyết tùy mức độ sẽ được nhắc nhở hoặc đưa ra khỏi phòng thi.

– Khi thi xong thí sinh kiểm tra ghi tên và số báo danh đầy đủ vào bảng trả lời do Ban Giám khảo phát (có chữ ký của giám thị); sau đó nộp bài, ký tên và rời khỏi phòng thi theo hướng dẫn của Ban Giám khảo.

3.2 Thi dụng cụ:

– Ban Giám khảo chấm trên 10 dụng cụ dự thi bao gồm: 01 dụng cụ để thu hoạch mủ nguyên liệu (là thùng trút mủ đối với thu mủ nước hoặc dụng cụ chứa đựng mủ đông đối với thu mủ đông), 02 dao cạo miệng ngửa, 01 giỏ hoặc thùng đeo đựng mủ tạp, 01 vét mủ, 01 nạo vỏ làm vệ sinh miệng cạo, 02 viên đá mài phân biệt được với nhau rõ ràng và đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể mài dao đảm bảo kỹ thuật (01 nhám, 01 bùn), 01 tuýp mỡ bôi cây (vaselin), 01 giẻ lau chất liệu phù hợp (kích thước mỗi cạnh > 50cm, vải không được sử dụng loại có sợi pp và bảo đảm sợi vải không rớt – dính chén mủ). (Lưu ý: Khuyến cáo sử dụng thi bằng dụng cụ đang được sử dụng trong sản xuất).

– Tổng điểm thi dụng cụ là 5 điểm, mỗi dụng cụ là 0,5 điểm; Yêu cầu: đủ dụng cụ, dụng cụ phải đạt quy cách kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, vệ sinh sạch.

– Thí sinh để dụng cụ đúng nơi quy định tại khu vực chấm thi dụng cụ, theo hướng dẫn của Ban Giám khảo.

3.3. Thi thực hành:

Kiềng, chén và máng hứng mủ được Ban Tổ chức thay mới trước ngày thi thực hành. Mỗi thí sinh sẽ được phát một cờ vàng và một cờ đỏ (cờ hiệu).

a) Số cây cạo/thí sinh và thời gian thi:

– Mỗi thí sinh thi cạo: 100 cây;

– Thời gian thi thực hành: 22 phút;

– Thời gian tính cờ vàng: 15 phút sau khi phát hiệu lệnh xuất phát.

b) Hiệu lệnh thi:

– Hiệu lệnh: có 03 hiệu lệnh: bắt đầu cạo, hiệu lệnh thả cờ vàng và kết thúc cạo. Nếu thí sinh cạo trước hiệu lệnh cho phép hoặc cố tình tiếp tục cạo khi đã có hiệu lệnh kết thúc là vi phạm nội quy trường thi.

– Khi có hiệu lệnh xuất phát, mới được cạo. Trước khi bắt đầu cạo thí sinh phải hạ cờ hiệu xuống, khi cạo xong, thí sinh cắm đứng cờ hiệu và ra khỏi trường thi (giám biên sẽ tính giờ kết thúc tại thời điểm này)

– Sau 15 phút cạo, khi có hiệu lệnh thả cờ vàng, thí sinh bỏ cờ vàng xuống ngay vị trí cây vừa cạo xong (điểm cờ vàng là mốc xác định cuối cùng để phân hạng trong trường hợp đồng điểm).

c) Điểm tốc độ: Điểm tối đa phần thi tốc độ là 5 điểm, tối thiểu 0 điểm.

– Thí sinh bắt buộc phải thực hiện phần thi thực hành trên cây có dán số thứ tự từ cây số 001 đến 100 (bố trí trên 2 hàng cây). Quy định thời gian tối đa cạo 100 cây là 22 phút.

– Khi vi phạm các lỗi sau đây thì bị trừ tổng điểm tưong ứng đến khi hết điểm:

+ Hết thời gian thi, nếu còn cây chưa cạo thì mỗi cây trừ 0,5 điểm. (Cây chưa cạo: là cây thí sinh chưa cạo đến khi đã hết thời gian thi).

+ Đối với cây cạo sót mỗi cây trừ 02 điểm. (Cây cạo sót: là cây thí sinh bỏ qua không cạo theo đúng thứ tự quy định).

+ Cạo cây số 01 khi chưa có hiệu lệnh bắt đầu: trừ 02 điểm. Hết giờ còn tiếp tục cạo: trừ 03 điểm. Thí sinh đã cắm cờ hiệu lên và ra khỏi phần cây dự thi, nếu tự ý trở vào trường thi: trừ 02 điểm.

d) Điểm kỹ thuật:

– Quy định kiểm tra 5 cây trong 100 cây (bốc thăm 05 cây bất kỳ), nếu trúng cây dị hình, thực sinh thì Ban Giám khảo sẽ đổi sang cây phía trên kế tiếp. Tổng số điểm thi thực hành cạo mủ là 60 điểm.

– Các chỉ tiêu kiểm tra kỹ thuật bao gồm: độ sâu, mức độ hao dăm. Lưu ý khi cạo thí sinh phải để dăm ở gốc cây, trường hợp cây kiểm tra bị mất dăm sẽ bị trừ 05 điểm; Ghi nhận các lỗi kỹ thuật: miệng cạo lượn sóng; góc tiền – hậu không vuông; vệ sinh và tận thu mủ.

– Tại cây kiểm tra, Giám khảo xét các lỗi kỹ thuật tại 03 điểm đót trên đường cạo: 02 điểm cách tiền hậu 2-3 cm và 01 điểm giữa đường cạo; riêng lỗi phạm gỗ và độ dày dăm tính trên toàn nhát cạo.

– Điểm trừ do lỗi kỹ thuật được tính như sau:

Lỗi kỹ thuậtNội dung (tiêu chuẩn kỹ thuật)Điểm trừ
. Phạm nhẹVết phạm có chiều dài < 5mm1
. Phạm nặngVết phạm có chiều dài > 5mm3
. Cạn nhẹĐót độ sâu cách tượng tầng từ > 1,3 – l,8mm2
. Cạn nặngĐót độ sâu còn cách tượng tầng > l,8mm4
. Dày dăm nhẹĐộ dày dăm cạo từ 1,6 – 2mm3
. Dày dăm nặngĐộ dày dăm cạo > 2mm5
. Mất dămKhông tìm thấy dăm ở gần gốc cây cạo5
. Mỏng dămĐộ dày dăm cạo < lmm2
+ Miệng cạo gợn sóng 2
+ Không vuông tiền – vuông hậu 2
+ Vệ sinhTrừ điểm lỗi vệ sinh khi dăm cạo, mủ dây rơi vào chén hứng mủ hoặc dính trên đường cạo1
+ Tận thuĐặt chén hứng mủ lệch, để dòng mủ chảy lan ra ngoài chén hoặc chảy lan xuống thân cây1

Tổng số điểm thi cá nhân của mỗi thí sinh tối đa là 100 điểm. Căn cứ vào tổng số điểm sau khi đã trừ các điểm lỗi để xếp hạng cá nhân và đồng đội.

CSVN