Hành trình 40 năm “gà mẹ đẻ gà con”

CSVN – Thấm thoát đã 40 năm trôi qua. Đọng lại sau chặng đường đầy cam go, thử thách để phát triển cây cao su lên Tây Nguyên từ một vùng đất hoang sơ đã thay bằng tấm áo mới là những cánh rừng cao su bạt ngàn, những khu dân cư nhộn nhịp, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Lãnh đạo VRG trao bức trướng cho đại diện lãnh đạo Cao su Kon Tum tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty, vào ngày 15/8
Từ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương V

Trước tình hình ngành cao su có những chuyển biến mạnh mẽ, vào đầu năm 1983 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương phát triển cây cao su lên các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Đây là một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa sâu sắc, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và đời sống người dân trên địa bàn Tây Nguyên. Để thực hiện chủ trương này, Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là VRG) đã giao nhiệm vụ cho các công ty ở miền Đông Nam bộ thành lập từ 1 – 2 công ty mới trên Tây Nguyên. Cụ thể, Tổng cục đã giao Công ty Cao su Đồng Nai giúp thành lập Công ty Cao su Ea H’leo; Công ty Cao su Dầu Tiếng giúp Công ty Cao su Krông Buk và Chư Sê; Công ty Cao su Phước Hòa giúp Công ty Cao su Mang Yang và Kon Tum. Từ đó, các Công ty Cao su Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê, Mang Yang và Kon Tum được thành lập ngay trong năm 1984.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V và Chỉ thị số 40/CT-HĐBT, ngày 04/05/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục Cao su đã cử nhiều đoàn cán bộ lên làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân 2 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai – Kon Tum để bàn kế hoạch cụ thể. Sau đó, lãnh đạo của 2 tỉnh này đã đến làm việc với Tổng cục và trực tiếp tham quan các vùng chuyên canh cây cao su ở miền Đông Nam bộ, lãnh đạo 2 bên đã nhất trí chủ trương phát triển cây cao su lên Tây Nguyên, tạo sự chuyển biến cao về nhận thức cho người dân.

Nhận nhiệm vụ của Tổng cục Cao su giao, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã nhanh chóng bàn kế hoạch thực hiện, các công ty đã khẩn trương quán triệt tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục trong việc sắp xếp lại lực lượng lao động và bố trí người chi viện cho Tây Nguyên để thành lập các bộ khung lãnh đạo ở các công ty và nông trường mới. Do đó, đến cuối năm 1983, ngành cao su ở Tây Nguyên đã có 4 bộ khung công ty, 11 nông trường, 4 đội sản xuất.

Ngày ấy, cây cao su khá xa lạ với bà con ở Tây Nguyên, nên công tác tuyển dụng lao động rất khó khăn. Việc khai hoang, trồng mới chủ yếu bằng phương pháp thủ công, vì thế tốc độ phát triển cây cao su không nhanh, hầu như đều dựa vào kinh nghiệm để phát triển cây giống, vườn ươm. Mặt khác, họ phải tích cực phát triển cây trồng, vật nuôi ngắn ngày để tạo lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống.

Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước đến phương châm “Gà mẹ đẻ gà con” của lãnh đạo VRG, đến nay, các công ty ở Tây Nguyên đang đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương ở vùng nông thôn, vùng biên giới. Nhất là giải quyết được việc làm cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch CĐ CSVN tặng bức trướng cho Công đoàn Cao su Chư Sê tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập công ty, vào ngày 16/8
Đến thay đổi cuộc sống người dân Tây Nguyên

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình không chỉ trong lòng NLĐ mà còn với địa phương bằng nhiều việc làm, công trình an sinh xã hội cụ thể, phục vụ đắc lực cho đời sống người dân trên địa bàn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an ninh – quốc phòng trên địa bàn đứng chân.

Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên, VRG có 14 đơn vị thành viên thuộc địa bàn 5 tỉnh, bao gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su, trồng rừng và thủy điện bao gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Kon Tum, Chư Mom Ray; Công ty CP Cao su Sa Thầy; Bảo Lâm; Phước Hòa – Đắk Lắk; Nông trường Cao su Đồng Phú – Đắk Nông, VRG Bảo Lộc, VRG Đắk Nông… các đơn vị này có tổng diện tích trên 64 ngàn ha. Từ khi bén rễ trên vùng đất đỏ bazan, cây cao su đã khẳng định được chỗ đứng trong đời sống và làm thay đổi từ nhận thức đến đời sống vật chất của người dân Tây Nguyên; các đơn vị đã giải quyết việc làm cho 13.124 lao động, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 63% với thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng, hàng năm nộp ngân sách cho địa phương khoảng 274 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các công ty còn luôn quan tâm thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ đối với NLĐ như: BHYT, BHXH, bồi dưỡng độc hại, chế độ ăn ca, tập huấn an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý và NLĐ. Hàng năm, Công đoàn đều tổ chức đối thoại với công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đồng thời giải quyết những tồn tại, kiến nghị nếu có, tổ chức gặp mặt, tuyên dương khen thưởng con cán bộ công nhân đạt thành tích cao trong học tập.

Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được các công ty duy trì và phát huy, các giải thể thao truyền thống được tổ chức đều đặn. Báo chí được cấp phát đến tận tổ, đội sản xuất, nhằm tăng cường kiến thức và phong phú đời sống tinh thần cho người lao động. Các tổ chức đoàn thể luôn phát huy vai trò chủ động trong hoạt động phong trào thi đua đã góp phần xây dựng mối đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thời gian trôi đi như dòng nhựa trắng chảy không ngừng, thấm thoát nhìn lại đã 40 năm trôi qua. Đọng lại sau chặng đường đầy cam go, thử thách là từ một vùng đất hoang sơ được thay bằng tấm áo mới là những cánh rừng cao su bạt ngàn. 40 năm đồng hành cùng cây cao su, qua bao thăng trầm, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ cảm giác ngờ vực thuở ban đầu về cây giảm nghèo, thì nay lớp lớp công nhân cao su là người đồng bào rất đỗi tự hào khi khoác lên mình màu áo xanh, chung tay khai thác dòng nhựa trắng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu đẹp vùng cao nguyên.

Giờ đây, đi qua những con đường trong các cánh rừng cao su trên vùng đất Tây Nguyên, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin… phủ khắp các thôn, làng mới thấy ý nghĩa, vai trò dẫn dắt và tiếp sức của các dự án cao su trên mảnh đất nghèo bom cày, đạn xới thuở xưa. Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên có quyền tự hào đã chung tay kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc…

VĂN VĨNH