CSVN – Đầu năm 1983, ngành cao su có những chuyển biến mạnh mẽ. Trên cơ sở thành tựu đạt được, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương đẩy nhanh quá trình khai hoang và mở rộng diện tích cây cao su. Trong đó, ở miền Đông Nam bộ mục tiêu đặt ra là đạt 40 vạn ha, ở Tây Nguyên và Trị Thiên khoảng 80 vạn vào năm 1985.
Từ chủ trương này, Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là VRG) đã giao nhiệm vụ cho các công ty ở miền Đông Nam bộ thành lập từ 1 – 2 công ty mới trên Tây Nguyên nhằm thực hiện bằng được việc phát triển cây cao su lên địa bàn Tây Nguyên. Chủ trương này được lãnh đạo VRG gọi là “Gà mẹ đẻ gà con”. Từ đây, hàng loạt công ty trên địa bàn Tây Nguyên bao gồm Cao su Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê, Mang Yang và Kon Tum lần lượt được thành lập vào năm 1984.
Cây cao su bấy giờ khá xa lạ với bà con ở Tây Nguyên, nên công tác tuyển dụng lao động trở nên khó khăn, vất vả. Công việc khai hoang, trồng mới chủ yếu bằng phương pháp thủ công, vì thế tốc độ phát triển cây cao su không nhanh. Những ngày đầu xây dựng, các công ty phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức như cơ sở hạ tầng thiếu thốn; kinh tế còn lạc hậu; giao thông hạn chế; dân cư thưa thớt; lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí thấp; dịch bệnh hoành hành; an ninh trật tự phức tạp…
Quá trình phát triển, cây cao su đã khẳng định được chỗ đứng trong đời sống và làm thay đổi từ nhận thức đến đời sống vật chất của người dân Tây Nguyên. Các công ty này đã giải quyết việc làm cho 13.124 lao động, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 63%, thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng, hàng năm nộp ngân sách cho địa phương khoảng 274 tỷ đồng.
Nhìn lại 40 năm qua, có thể thấy được tầm nhìn chiến lược của Chính phủ, của lãnh đạo ngành cao su lúc bấy giờ. Đến nay, sau 40 năm kể từ ngày đặt cây cao su đầu tiên trên vùng đất đỏ bazan, các công ty ở Tây Nguyên tuy không to lớn như “gà mẹ”, nhưng vẫn đang “đẻ trứng vàng” đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương ở vùng nông thôn, vùng biên giới. Nhất là đã giải quyết được việc làm hàng ngàn lao động đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Bà Trương Thị Huế Minh giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai
- Ăn giữa ca: nét đẹp của công nhân cao su
- Cao su Hòa Bình hướng đến mục tiêu thành tích cao tại hội thi cấp ngành
- Hoạt động sản xuất kinh doanh cao su tại Campuchia năm 2024 nhiều triển vọng
- VRG có 2 công ty thuộc top 10 Doanh nghiệp bền vững 2020
- Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ cho các đơn vị thành viên
- Cao su Bắc Trung Bộ 2020: Nhiều biến động nhưng vẫn khởi sắc
- Trồng xen cà phê với cao su: Đa dạng nguồn thu
- Đoàn công tác Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào
- Cao su Bà Rịa: thi đua vượt kế hoạch năm 2024