“Cồng chiêng cuối tuần” – nét đẹp văn hóa ở phố núi Pleiku

CSVN – Vào mỗi tối thứ 7 và sáng chủ nhật hàng tuần, người dân phố núi Pleiku và khách du lịch đến Gia Lai đều háo hức đón chờ chương trình biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của các đoàn nghệ nhân đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh. Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước.

Các nghệ nhân Banah ở huyện Kbang biểu diễn cồng chiêng, múa xoang kết hợp với hát dân ca.
Thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống

“Cồng chiêng cuối tuần” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 01/5/2022, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đến với chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – thưởng thức và trải nghiệm” các nghệ nhân được tự nhiên thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, với các tiết mục như: Trình tấu cồng chiêng kết hợp múa xoang truyền thống, hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, khách tham gia có thể giao lưu chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tìm hiểu về văn hóa truyền thống; tham gia trải nghiệm về múa hay đánh chiêng cùng thưởng thức rượu ghè, gà nướng do các đoàn nghệ nhân chuẩn bị.

Để “Cồng chiêng cuối tuần” luôn đổi mới và hấp dẫn người xem, ban tổ chức chương trình sắp xếp mỗi đội không biểu diễn quá một lần trong tháng và xây dựng chương trình theo hướng đa dạng, tăng cường tương tác với khán giả, du khách. Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần” đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, cơ bản không có yếu tố hiện đại, cách tân. Hoạt động diễn ra trong một không gian tự nhiên thoáng đãng trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, không sân khấu hóa. Các đoàn nghệ nhân tham gia với tâm thế tự do, thoải mái thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Anh Ksor Hơn, nghệ nhân đội cồng chiêng huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai hồ hởi cho biết: “Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần” là dịp để những nghệ sĩ buôn làng có không gian để trải mình với văn hóa truyền thống bản địa. Tụi mình vui lắm vì được mang văn hóa đặc trưng của dân tộc mình biểu diễn cho mọi người xem và thưởng thức. Để tạo sự hấp dẫn đội cồng chiêng và múa xoang của huyện mình đã đầu tư mua sắm trang phục, trang sức, tạo tác đạo cụ, chỉnh sửa cồng chiêng và luyện tập thêm nhiều bài để thu hút người xem”.

Phát huy hiệu quả di sản Không gian văn hóa cồng chiêng

Ông Trần Ngọc Nhung – GĐ Sở VHTT&DL Gia Lai cho biết: “Cồng chiêng cuối tuần” đã bước đầu gặt hái những thành công trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mỗi đêm diễn ra, “Cồng chiêng cuối tuần” thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước, nước ngoài và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng xoang cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai. Các du khách đến với “Cồng chiêng cuối tuần” đều sử dụng các trang mạng xã hội, nhờ đó, những hình ảnh, video về văn hóa cồng chiêng càng được lan tỏa rộng rãi. Điều quan trọng nhất là các nghệ nhân đã khơi dậy lòng tự hào văn hóa truyền thống của họ để tạo nên những hiệu ứng tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn”.

Hiện nay, việc gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả di sản Không gian văn hóa cồng chiêng là điều cấp thiết nhằm góp phần bảo tồn bản sắc của dân tộc Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngoài nỗ lực nội tại của chủ thể văn hóa là các dân tộc bản địa, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thông qua đề án nói trên là rất cần thiết.

HÀ ĐỨC THÀNH