(tiếp theo kỳ trước)
Thiết lập kinh tế thời chiến
CSVN – Khi chiến tranh Đông Dương bước sang năm thứ hai, không bên nào đạt được tiến triển rõ rệt. Lực lượng công nhân cao su và Việt Minh đã áp dụng một loạt chiến lược trong bối cảnh chính trị và quân sự phức tạp này, bao gồm chiếm giữ các trạm phát thanh, hất đổ mủ cao su, đập vỡ chén hứng mủ, và đồng loạt trốn khỏi đồn điền.
Các cuộc phản đối của công nhân kết hợp với nhiều chiến thuật đa dạng
Những hành động này có hiệu quả hơn việc đơn thuần chặt phá cây cao su vì nó làm giảm lợi nhuận của công ty nhưng không hủy hoại tiềm năng sản xuất trong tương lai. Tuy nhiên, những hoạt động khác lại không chuyên biệt như vậy, chỉ là cố gắng phá hoại các đồn điền khi có thể, cùng những cuộc phản đối của công nhân thường kết hợp với nhiều chiến thuật đa dạng. Ví dụ, vào ngày 28/1/1948, công nhân ở đồn điền An Viễng và Bình Sơn (thuộc công ty Đồn điền Đất Đỏ) đã đốt các phương tiện của đồn điền và chạy đến vùng giải phóng Những vụ phá hoại do Việt Minh tổ chức có tác dụng duy trì nhuệ khí chống thực dân hơn là làm đình trệ hoạt động kinh tế của người Pháp, và các lãnh đạo Việt Minh bắt đầu phối hợp việc phá cây cao su với những hoạt động chống thực dân khác. Vào năm 1948, Chi đội 1 trở thành thành Trung đoàn 301 và Chi đội 10 trở thành Trung đoàn 310 vì lãnh đạo Việt Minh nỗ lực kết hợp những hoạt động đấu tranh rời rạc, cục bộ thành một cấu trúc quy mô hơn. Đồn điền đã nuôi sống những đơn vị này bởi vì công nhân cao su chiếm phần lớn lực lượng của Trung đoàn 310 và là một lực lượng đáng kể trong các Trung đoàn 300, 301, 309, 311 và 312. Bằng cách kéo công nhân rời khỏi nền công nghiệp, cuộc kháng chiến đã làm dấy lên mối đe dọa thực sự với các đồn điền vì phải đối diện với sự khan hiếm nhân công nghiêm trọng. Theo cuốn Cuộc chiến của công nhân đồn điền cao su, 8.000 thành viên của nghiệp đoàn xuất thân từ hàng ngũ công nhân cao su, một tỷ lệ cao so với tổng số 24.000 công nhân cao su trên toàn miền Nam.
Vào tháng 1/1949, 17 đại diện của các lực lượng Việt Minh ở miền Nam đã có buổi họp mặt để đánh giá lại những hoạt động trong năm 1948 của Mặt trận Cao su chiến. Thành công của lực lượng Việt Minh có sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh, tuy vậy biên bản cuộc họp đã ghi lại nhiều thành tựu, trong đó có vụ phá hủy nhà máy Vên Vên. Lực lượng nòng cốt ở Thủ Dầu Một, tỉnh ở gần Sài Gòn nhất, đã phá hủy hầu hết cây cao su trong nửa đầu năm 1948 và tấn công những khu vực đồn điền trọng yếu khác, bao gồm cả các nhà máy.
Sau khi lực lượng nòng cốt ở Biên Hòa thành lập một Đại đội Cao su vào tháng 5, tỉnh này đã ghi nhận tỷ lệ triệt phá cây ở mức cao nhất. Đại đội Cao su của Biên Hòa phối hợp nhuần nhuyễn với Trung đoàn 310 – trung đoàn vũ trang của tỉnh. Ở Bà Rịa và Tây Ninh, con số này khá thấp trong suốt năm 1948 bởi hoạt động rời rạc của Mặt trận Cao su chiến. Ở Bà Rịa, Trung đoàn 307 đã hỗ trợ các hoạt động triệt hạ cây cao su và hỗ trợ các dân tộc thiểu số.
Người Pháp thúc đẩy những nỗ lực quân sự mạnh mẽ nhằm hoàn tất những bước tiến về mặt chính trị và ổn định tình hình ở Nam Kỳ. Chương trình “bình định” này do Tướng Piere-Georges Boyer de la Tour du Moulin chỉ huy. Các tháp canh mang tên “de la Tour” là biểu tượng cho nỗ lực nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam, bao gồm các thôn làng, ruộng lúa, những khu rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đồn điền.
Lực lượng nòng cốt của Việt Minh cố gắng vô hiệu hóa những tháp canh đó, và những cuộc tấn công vào những vị trí này đặc biệt nổi bật trong huyền thoại về các chiến dịch quân sự của họ. Vào mùa thu năm 1949, người Pháp đã xây dựng khoảng 3.000 đồn quân sự với 70.000 quân lính bảo vệ, biến khu vực Đông Nam Bộ thành vùng được kiểm soát chặt chẽ đầy hiệu quả. Sau một loạt thất bại, Việt Minh buộc phải thay đổi chiến thuật quân sự, và những lãnh đạo ở miền Bắc đã gửi những chỉ thị cho Nguyễn Bình để chuẩn bị cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Pháp. Vào ngày 18/8, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị chuyển từ du kích chiến sang vận động chiến. Để hưởng ứng, Xứ ủy Nam Bộ bắt đầu chuẩn bị tổng phản công.
Thay đổi chiến lược đấu tranh
Những kế hoạch của Việt Minh trong năm 1949 bao gồm ba hoạt động chính ở đồn điền: tổ chức, phòng thủ và tấn công. Việt Minh cũng nhắc lại sự cần thiết của việc triệt hạ cây cao su, và phân phát dao để chặt cây. Tuy nhiên, vào ngày 17/11, ông Lê Duẩn, lúc này là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã ban hành các chỉ thị mới cho phong trào đấu tranh ở Nam Bộ. Những chỉ thị này bao gồm một mệnh lệnh phá hủy những nguồn lợi của Pháp nhưng không được động đến cây cao su. Quyết định này được đưa ra một phần là để tránh việc phu đồn điền xa lánh lực lượng Việt Minh, đồng thời ông Lê Duẩn cũng khẳng định rằng đồn điền cao su là một phần tạo nên sự thịnh vượng của đất nước trong tương lai.
“Cây cao su”, ông nói, “là nguồn lợi lớn của Tổ quốc, chúng ta phải chăm sóc, bảo vệ và không được chặt phá”. Vì việc chuyển chỉ thị đến lực lượng thực thi khó khăn nên hoạt động bảo tồn lẫn chặt phá vẫn tiếp tục diễn ra mãi đến sau năm 1949, nhưng lời kêu gọi của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đánh dấu một sự thay đổi lâu dài mang tính chiến lược. Kể từ đó, lãnh đạo Việt Minh bắt đầu xem các đồn điền cao su là nguồn cung cấp tiền và nhu yếu phẩm trực tiếp, như là một nguồn lợi tự nhiên sẽ còn lại sau khi người Pháp ra đi. Kết quả là họ đã làm theo những phương pháp được điều chỉnh tốt hơn để bảo tồn cây cao su và thâu nhận nguồn tài nguyên cùng nhân lực từ ngành công nghiệp này. Trong sáu tháng đầu năm 1950, công nhân đồn điền An Lộc đã phóng hỏa 2.100 tấn cao su và phá hủy 6 xe tải, gây ra thiệt hại đến 2.000 đồng Đông Dương, nhưng vẫn cẩn thận tránh tàn phá cây cao su. Công nhân ở Trảng Bom đốt cháy 34.000 kg cao su và 28 phương tiện vận tải trị giá 600.000 đồng Đông Dương, nhưng họ cũng không hủy hoại cây cao su. Mặc dù cuộc chiến ở Campuchia không lan rộng như ở Nam Kỳ, nhưng ở đó vẫn có chỗ cho những nỗ lực chống thực dân. Năm 1949 đã chứng kiến sự thành lập của Nhà nước Campuchia và ra đời của Hiệp hội Công nhân Cao su Campuchia do Thanh Sơn cùng những người khác sáng lập. Tổ chức này ra đời cuối năm 1949, đã ủng hộ “cuộc đấu tranh cải thiện mức sống cho công nhân, phá hủy đồn điền, và ủng hộ bộ đội (Việt Minh) trong vùng.
Để bảo tồn những nguồn lực có giới hạn trong khi chiến đấu với những nhóm như vậy, quân đội Pháp đã nỗ lực thành lập những lực lượng “tự vệ”, một số cá nhân ở các đồn điền còn gia nhập cái gọi là Quân Tình nguyện Giải phóng, hoạt động như lính địa phương. Nhưng nhiều chủ đồn điền người châu Âu không mấy nhiệt tình với kế hoạch này, nhận ra sự hẻo lánh ở khu vực của họ và tính bất khả thi của việc tuần tra mạng lưới những con đường mênh mông trong đồn điền. Hơn nữa, vì gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân công lành nghề cho việc sản xuất cao su nên các điền chủ chỉ dành rất ít nhân lực cho các bổn phận về quân sự. Cuối cùng, các quản lý đồn điền đành đi tới một thỏa ước tạm thời với lực lượng chống thực dân, trong đó dòng chảy nguyên liệu ra, vô từ đồn điền vẫn sẽ được tiếp tục. Đổi lại, các đồn điền sẽ phải trích ra một phần lương thực thực phẩm, tiền mặt, và những nhu yếu phẩm khác.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm được hưởng lương hưu
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Chủ trương mới về nhân công đồn điền
- Không phai trong ký ức
- Sài Gòn hàng rong
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- 8 đơn vị tham gia Hội diễn Khu vực I
- Đồ bảo hộ lao động nên được cấp đúng số!
- Tác giả nữ trẻ và những chuyến đi
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019