CSVN – Từ chỗ người dân lạ lẫm, chưa biết gì về cây cao su. Đến nay, sau 40 năm kể từ ngày Công ty Cao su Kon Tum thành lập, đời sống người dân nơi cây cao su công ty đứng chân đã khấm khá, nếp nghĩ và cách làm kinh tế đã thay đổi, diện mạo nông thôn đã được cải thiện đáng kể.
40 năm một hành trình vượt khó khẳng định vị thế
Vào giữa tháng 8, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, trong những ngày này công ty đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến sự kiện quan trọng của công ty trong năm 2024 như hội thao TDTT, hội thi dân vũ, tổ chức ra quân Tháng Công nhân kết hợp phát động các phong trào thi đua lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập thành tích mừng công ty tròn 40 tuổi.
Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ cho biết: “Năm 2024, ngành cao su có nhiều sự kiện nổi bật như kỷ niệm 95 năm ngày truyền thống ngành, hội thi Bàn tay vàng, riêng công ty có sự kiện quan trọng là kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Do đó, các hoạt động của công ty đều hướng về những sự kiện này”. Nhìn lại lịch sử hình thành công ty qua 40 năm, từ mô hình “Gà mẹ đẻ gà con”, Công ty CP Cao su Phước Hòa được Tổng Cục cao su giao nhiệm vụ hình thành một công ty mới để đưa cây cao su lên Tây Nguyên. Do đó, một bộ khung gồm 38 người, do ông Vũ Ngọc An – Phó Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa làm trưởng đoàn được cử lên thị xã Kon Tum, chuẩn bị cơ sở vật chất để thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum hôm nay.
Vì thế, đến ngày 13/8/1984 Công ty Cao su Kon Tum được thành lập theo quyết định số 84/TCCB- QĐ của Tổng cục Cao su Việt Nam. Đến năm 1993, công ty được thành lập lại theo Nghị định 388/CP của Chính phủ. Đến 31/5/2010, công ty được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum theo Quyết định số 115/QĐ- HĐQT CSVN, ngày 4/5/2010 của HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Với nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng, từng bước nâng cao đời sống người lao động, góp phần cùng địa phương nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo và củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn. Trong suốt chiều dài lịch sử 40 năm xây dựng và trưởng thành, Cao su Kon Tum đã làm rất tốt phần việc được giao.
Ngày đó, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ, kiếm sống nhọc nhằn theo phương thức chọc trỉa và du canh trên những đồi trọc. Trình độ dân trí thấp, an ninh trật tự xã hội chưa ổn định, người dân còn khá lạ lẫm với cây cao su, khí hậu khắc nghiệt nên 38 con người đầu tiên ấy đã hết sức vất vả để thuyết phục chính quyền, nhân dân lao động mới có thể đặt nền móng cho cây cao su bén rễ trên vùng cực Bắc của Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hữu Lợi – TGĐ công ty cho biết: “Đặc thù công ty đứng chân trên địa bàn biên giới, nên công ty xác định nhiệm vụ chính trị là phát triển SXKD đạt hiệu quả cao, gắn liền với đảm bảo quốc phòng an ninh vững mạnh, công ty luôn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với địa phương và ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ. Cây cao su đã từng xa lạ với bà con, nhưng công ty đã nhanh chóng khẳng định được vai trò, vị thế của mình không chỉ trong lòng người lao động mà còn với địa phương bằng nhiều việc làm, công trình an sinh xã hội cụ thể, phục vụ đắc lực cho đời sống người dân trên địa bàn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương”.
Đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Đến nay, sau 40 năm hình thành công ty đã định hình được một vùng cao su rộng lớn ở 7/10 huyện, TP. Kon Tum. Tổng diện tích vườn cây đến thời điểm 29/7/2024 là 9.357,549 ha, trong đó kinh doanh 6.488,659 ha, KTCB 1.697,766 ha, tái canh: 624,423 ha. Diện tích chưa tái canh được trong 2024 là 455,315 ha, diện tích chờ trả địa phương là 90,899 ha. Công ty quản lý theo đặc thù 3 mô hình sản xuất là: Mô hình công nhân, hộ nhận khoán và hộ liên kết, công ty đã và đang giải quyết việc làm cho trên 5.727 cán bộ, công nhân và NLĐ. Trong đó, CB.CNV LĐ là 1.347 người; hộ nhận khoán, hộ liên kết 4.380 hộ, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 71% tổng lao động toàn công ty.
Công ty đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Đó là, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10.000 lao động tại chỗ và gia thuộc với mức thu nhập bình quân hàng tháng trên 10 triệu đồng/người; góp phần cùng với địa phương xóa đói giảm nghèo trên địa bàn cây cao su công ty đứng chân. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, công ty đã vận động cán bộ công nhân và trích quỹ phúc lợi trực tiếp đầu tư và ủng hộ các chương trình xã hội, nhân đạo tại địa phương với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ công ty: “Những năm qua, công ty luôn gắn nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo ở trong và ngoài tỉnh như ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Bảo trợ xã hội, Quỹ Khuyến học; tặng quà, hỗ trợ xây nhà tình thương cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nhiều chương trình hỗ trợ khác với tổng số tiền hơn 115,3 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những năm đại dịch Covid – 19 bùng phát, công ty đã ủng hộ 300 triệu đồng vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh; hỗ trợ 100 triệu đồng cho 4 chốt kiểm soát dịch; vận động NLĐ quyên góp 2,5 tấn rau, củ, quả ủng hộ công nhân, lao động tỉnh Bình Dương. Vận động NLĐ đóng góp một ngày lương ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của VRG với tổng kinh phí là trên 2,2 tỷ đồng…”
Cùng với việc phát triển kinh tế, công ty luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động. Các chế độ, chính sách và quyền lợi của NLĐ luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời như BHYT, BHXH, BHTN, bảo hộ lao động, ăn giữa ca, phụ cấp, khám bệnh định kỳ, tham quan du lịch… các phong trào VHVN, TDTT luôn được lãnh đạo công ty quan tâm và duy trì. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện tốt việc giữ vững chính trị, ổn định an ninh trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn công ty đứng chân. Từ đó, vị thế và uy tín của công ty ngày càng được khẳng định.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Nông trường Bắc Trà My hoàn thành vượt kế hoạch quý I
- Cao su Phước Hòa: Sôi nổi thi đua nước rút và phát huy sáng kiến hoàn thành nhiệm vụ
- Cao su Chư Prông quyết tâm đạt thành tích cao nhất
- Dân vận khéo ở nông trường xã gào
- Đơn vị điển hình trong Câu lạc bộ 2 tấn
- Cao su Chư Mom Ray: Kết hợp 3 giải pháp để duy trì năng suất cao
- Dấu ấn màu áo lính nơi biên cương
- Cao su Krông Buk nỗ lực chuyển mình
- Nhìn lại người dân chặt cao su: Hậu quả của phát triển "nóng"
- Nỗ lực hoàn thành sản lượng giữa nỗi lo Covid