CSVN – Một nhóm tác giả quốc tế do Thilo Hofmann từ Khoa Khoa học Địa chất Môi trường tại Đại học Vienna dẫn đầu đã nghiên cứu những lợi ích và rủi ro của việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp và xác định các giải pháp đảm bảo việc sử dụng bền vững.
Hơn 12 triệu tấn nhựa được sử dụng trong nông nghiệp mỗi năm
Từng được coi là biểu tượng của sự đổi mới hiện đại, nhựa giờ đây vừa là một vật liệu được ưa chuộng và cũng gây ra những thách thức lớn. Nhựa có mặt ở mọi lĩnh vực và nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Nền nông nghiệp hiện đại, vốn gây ra gần một phần ba lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và là nguồn tiêu hao lớn tài nguyên của hành tinh, có mối liên hệ chặt chẽ với nhựa. Nghiên cứu mới của Đại học Vienna cho thấy nhựa đóng vai trò đa diện: từ màng phủ bảo vệ thực vật đến hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, nhựa có vai trò sâu sắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp của thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hơn 12 triệu tấn nhựa được đưa vào quy trình nông nghiệp mỗi năm. Từ việc bảo vệ cây trồng bằng kẹp cho đến bảo vệ bằng lưới, nhựa đã tìm được chỗ đứng trong mọi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Không thể phủ nhận việc sử dụng nhựa trong nông nghiệp sẽ bảo tồn các nguồn tài nguyên quan trọng. Dẫn đầu là màng phủ, chiếm khoảng 50% tổng lượng nhựa nông nghiệp. Màng phủ không chỉ kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh mà còn bảo vệ độ ẩm của đất, điều hòa nhiệt độ và cải thiện sự hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó giúp giảm dấu chân sinh thái của nông nghiệp. Ở Trung Quốc, việc không sử dụng màng phủ dẫn tới việc cần thêm 3,9 triệu ha đất trồng trọt để duy trì hiện trạng sản xuất.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều nhựa trong nông nghiệp cũng có những mặt trái: độ phì nhiêu của đất bị suy giảm, năng suất cây trồng giảm sút và nguy cơ đáng lo ngại là các chất phụ gia độc hại sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Nhựa thông thường vẫn tồn tại trong môi trường, với các chất cặn bã tích tụ trong đất. Các hạt nhựa nhỏ có thể được thực vật hấp thu. Mặc dù nghiên cứu về sự hấp thụ của nhựa nano vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy nhựa có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta thông qua nông nghiệp.
Thay thế chất phụ gia độc hại trong nhựa
Trong nghiên cứu mới, các tác giả cho biết, khi giải quyết những thách thức của nhựa trong nông nghiệp, trọng tâm tập trung vào chiến lược sử dụng hợp lý nhựa, thu gom hiệu quả sau sử dụng và đổi mới các phương pháp tái chế tiên tiến. Thilo Hofmann giải thích: “Trong trường hợp nhựa vẫn tồn tại trong môi trường, thiết kế của chúng phải đảm bảo phân hủy sinh học hoàn toàn. Hơn nữa, điều quan trọng là các chất phụ gia nhựa độc hại phải được thay thế bằng các chất thay thế an toàn hơn”.
Mặc dù các vật liệu dựa trên sinh học là một giải pháp thay thế hấp dẫn nhưng chúng không phải là không có những lưu ý. Việc chuyển hướng vội vã sang những vật liệu như vậy mà không xem xét đầy đủ đến vòng đời của chúng có thể vô tình gây thêm căng thẳng cho hệ sinh thái và mạng lưới thực phẩm của chúng ta.
Các biện pháp do các tác giả đề xuất phù hợp với các sáng kiến toàn cầu như Hiệp ước Nhựa của Liên hợp quốc (UNEA 5.2). Theo các nhà khoa học, việc áp dụng những thực hành này sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhựa bền vững hơn trong nông nghiệp. Mặc dù hiện tại việc thay thế hoàn toàn nhựa là không thể thực hiện được, nhưng việc sử dụng hợp lý các chất thay thế với tác động môi trường tối thiểu dường như là một hướng đi đầy hứa hẹn. Với sự giám sát bắt buộc, tiến bộ công nghệ và các sáng kiến giáo dục, việc giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào nhựa và các tác động tiêu cực đến môi trường là điều có thể thực hiện được.
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Theo Chemeurope.com)
Related posts:
- Các khu công nghiệp VRG: Không ngừng mở rộng quy mô
- Các công ty sản xuất công nghiệp tập trung phát triển bứt phá
- Vỏ xe ★★★ VRG: Sản phẩm ý nghĩa của người lao động ngành cao su
- Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1 (Tây Ninh)
- Cao su Bình Thuận cần quan tâm phát triển lĩnh vực khu công nghiệp trên đất cao su
- Cao su Bến Thành: Cải tiến công nghệ và chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động
- Công nhân cao su khó trụ nổi ở các khu công nghiệp
- Nỗ lực phục hồi sau đại dịch
- Gỗ MDF VRG Quảng Trị phấn đấu sản xuất trên 204.000 m³
- Khẳng định thương hiệu Gỗ Thuận An qua 15 năm