CSVN – Sàn giao dịch cao su đang được Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) và VRG phối hợp hoàn thiện các quy trình, quy định. Dự kiến, quý IV năm nay, mặt hàng cao su sẽ chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn này. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó TGĐ MXV đã có buổi chia sẻ cùng Cao su Việt Nam về mô hình hoạt động, cách thức vận hành sàn giao dịch cao su.
– Thưa ông, sàn giao dịch cao su hoạt động cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Thực chất, đây là việc MXV niêm yết và giao dịch tập trung các sản phẩm cao su của Việt Nam. Hoạt động mua bán cao su sẽ được tiến hành theo hai phương thức chính là giao dịch chào giá và giao dịch thỏa thuận. Dưới hình thức hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn, các bên tham gia có thể linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức giao dịch phù hợp với nhu cầu của mình.
Giao dịch chào giá cho phép bên mua và bên bán đưa ra các mức giá chào khác nhau và giao dịch sẽ được thực hiện khi có sự đồng thuận về giá và các điều kiện giao dịch khác. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận cho phép các bên tự thỏa thuận trực tiếp với nhau về các điều kiện giao dịch như giá, khối lượng, chủng loại, quy cách đóng gói… rồi thực hiện thao tác nhập lệnh trên hệ thống.
Bằng cách mã hóa, các bên tham gia dễ dàng nhận diện và truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm niêm yết trên sàn sẽ được kiểm định kỹ càng về chất lượng, quy cách và tiêu chuẩn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để được giao dịch.
– Việc niêm yết qua sàn mang lại vai trò gì trong hoạt động mua bán sản phẩm cao su, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, việc niêm yết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bên bán và bên mua trong việc tìm đối tác có nhu cầu phù hợp. Các bên tham gia thị trường có thể chủ động kết nối và tiến hành giao dịch một cách dễ dàng.
Thứ hai, các thông tin về giao dịch và giá cả cao su trên thị trường được công khai và cập nhật liên tục thông qua sàn giao dịch. Các bên tham gia có góc nhìn toàn diện về thị trường, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư và kinh doanh kịp thời.
Thứ ba, việc chuẩn hóa quy trình giao dịch giúp các bên tiết kiệm thời gian và công sức. Sản phẩm đưa vào giao dịch được kiểm định chất lượng, thông qua các quy trình rõ ràng và xử lý một cách có hệ thống. Nhờ đó, các rủi ro liên quan đến thanh toán, chất lượng sản phẩm sẽ giảm thiểu đáng kể. Với phương thức giao dịch điện tử hiện đại, các mua bán diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn.
– Những khác biệt, tiện ích của sàn giao dịch so với kênh truyền thống là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Về bản chất, phương thức giao dịch mới này kế thừa và tích hợp những tiện ích của hình thức giao dịch điện tử, áp dụng mô hình tổ chức, cách vận hành và hạ tầng công nghệ tiên tiến trong giao dịch.
Sàn giúp các bên dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường và thực hiện đặt lệnh giao dịch ngay trên chiếc điện thoại của mình theo thời gian thực. Việc này giúp cho các bên có thể nắm bắt và phản ứng nhanh chóng đối với biến động của thị trường, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Phương thức này cho phép các bên dễ dàng theo dõi trạng thái hợp đồng và tình trạng hàng hóa. Thông qua các nền tảng giao dịch điện tử, họ có thể đặt lệnh, quản lý tài sản, đánh giá hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, việc xác nhận thanh toán và giao nhận sẽ đơn giản hơn trên phần mềm giao dịch này.
– Để vận hành sàn này, theo ông cần những yếu tố gì?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Để vận hành sàn giao dịch cao su hiệu quả, tôi nghĩ hệ thống phần mềm giao dịch cần được thiết kế và phát triển với công nghệ tiên tiến. Hệ thống này phải đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, đảm bảo tính ổn định và bảo mật cao, đồng thời có khả năng xử lý khối lượng lớn giao dịch một cách nhanh chóng và chính xác.
Hệ thống quản trị, bao gồm quy chế và quy trình đóng, cũng đóng vai trò quan trọng. Điều này đảm bảo rằng mọi hoạt động trên sàn diễn ra theo các quy định đã thiết lập, tạo ra một môi trường giao dịch công bằng và an toàn cho tất cả các bên tham gia.
Ngoài ra, nhân sự vận hành sàn cần được đào tạo chuyên sâu và bài bản về lĩnh vực cao su, cũng như quy trình giao dịch, kỹ năng vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và xử lý sự cố. Đào tạo nhân sự không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn phải chú trọng đến việc cập nhật các xu hướng và thay đổi trong ngành để luôn giữ vững vị thế cạnh tranh. Đây là yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động liên tục và ổn định của sàn giao dịch.
Sự hỗ trợ từ các đối tác trong ngành cũng là yếu tố quyết định thành công của sàn giao dịch cao su. Những đối tác này bao gồm VRG, các doanh nghiệp lớn trong ngành và đơn vị phụ trợ liên quan như kho bãi, vận tải, ngân hàng… Sự hợp tác này giúp tạo ra một hệ sinh thái toàn diện và hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo rằng các khâu từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến kiểm định và thanh toán đều được thực hiện một cách trơn tru và hiệu quả.
– Vai trò của MXV, VRG và các đơn vị có liên quan như thế nào trên sàn này?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Về phía MXV, với kinh nghiệm đang tổ chức một thị trường có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, MXV sẽ cung cấp một nền tảng giao dịch cao su với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Về phía VRG, Tập đoàn sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tư vấn, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Hệ thống phòng kiểm tra chất lượng của VRG sẽ kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi được niêm yết trên sàn cho cả thị trường Việt Nam.
MXV và VRG sẽ phối hợp chặt chẽ để thiết kế các đặc tả hợp đồng sản phẩm, ban hành các quy trình, quy chế liên quan để niêm yết giao dịch cao su hiệu quả. Đồng thời, hai bên sẽ tổ chức các buổi tập huấn và hội thảo cho các nhà môi giới, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp trong ngành cao su, để tất cả các bên có góc nhìn toàn diện về thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý kho và ngân hàng thương mại sẽ thực hiện các dịch vụ liên quan như lưu kho, bảo quản, logistics, thanh toán trong nước và quốc tế… để quy trình giao dịch được vận hành một cách hiệu quả.
– Ông kỳ vọng gì về sàn giao dịch cao su khi hoạt động?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo kế hoạch, trong quý III, MXV và VRG sẽ phối hợp hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ việc giao dịch sản phẩm Cao su Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang triển khai vận hành thử nghiệm việc niêm yết và giao dịch sản phẩm, nhằm đảm bảo rằng mọi khâu từ kỹ thuật đến quản lý đều được vận hành trơn tru khi chính thức ra mắt. Dự kiến, vào quý IV năm nay, mặt hàng cao su sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch.
Chúng tôi hy vọng rằng với sự ra mắt của sàn, các doanh nghiệp cao su tại Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với những công nghệ và quy trình giao dịch tiên tiến nhất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế và thương mại của đất nước, giúp Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG Trần Công Kha thăm làm việc với các công ty cao su tỉnh Lai Châu
- Tự tin, quyết tâm hoàn thành sản lượng
- Ngành cao su tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19
- Giá nguyên liệu giảm, doanh nghiệp săm lốp lãi tăng mạnh
- Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Gỗ Thuận An quảng bá thương hiệu tại Hội chợ VIFA – EXPO năm 2017
- Cao su Yokohama hỗ trợ nông dân trồng cao su tại Thái Lan
- Thái Lan giữ vị trí nước xuất khẩu bao cao su hàng đầu thế giới
- Bà Lý Thiện Nữ tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cao su Dầu Tiếng
- Cơ khí Cao su: Nhiều sáng kiến nâng cao năng suất lao động