CSVN – Với mục tiêu mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội, Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú phấn đấu trở thành một khu công nghiệp xanh với những dự án phát triển bền vững. Đặc biệt với môi trường sản xuất sạch nhiều cây xanh, đã và đang làm hài lòng nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực trong và ngoài nước.
KCN bền vững thúc đẩy tăng trưởng xanh
Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú kinh doanh hạ tầng 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú với tổng diện tích là 258 ha. Hiện nay, KCN Nam Đồng Phú đã lấp đầy 100% diện tích, KCN Bắc Đồng Phú lấp đầy 98% diện tích. Công ty đang triển khai mở rộng KCN Bắc Đồng Phú giai đoạn 2 (317 ha) và KCN Nam Đồng Phú giai đoạn 2 (480 ha). Tổng diện tích 2 KCN này sau khi mở rộng là 1.055 ha.
Ông Phan Văn Trinh – Phó TGĐ Công ty CP KCN Bắc Đồng Phú, cho biết, KCN bền vững thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhìn nhận ở cả 3 trụ cột: Đối với kinh tế, phát triển KCN bền vững tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương và cả nước, đặc biệt là thúc đẩy phát triển công nghệ phụ trợ, nâng cao ứng dụng công nghệ. Đối với xã hội, KCN bền vững thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đối với môi trường, KCN bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường, giảm chất thải công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, sử dụng nguyên liệu, năng lượng tái tạo.
Việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển còn nhiều khó khăn do nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.
Chuyển đổi mô hình KCN sinh thái
KCN Bắc Đồng Phú chú trọng vào hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy phương pháp sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và qua đó giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm thiểu phát sinh chất thải thông qua các nguyên tắc tái chế và kinh tế tuần hoàn.
“Đối với các KCN hiện hữu, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chuyển đổi sang các hình thức đầu tư và sản xuất “xanh” hơn, sử dụng tốt hơn các nguồn nguyên nhiên vật liệu đã có… Đối với KCN mới, định hướng và làm tốt ngay từ khâu lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường cho tới triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư; ưu tiên cho những ngành nghề sử dụng công nghệ cao, ít lao động, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, áp dụng hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, sử dụng nguyên liệu, năng lượng tái tạo…” – ông Phan Văn Trinh, chia sẻ.
Việc chuyển hướng sang KCN sinh thái còn không ít thách thức, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp trong KCN phải có năng lực quản trị và dự báo tốt, thêm vào đó cần có nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư trang thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại, nhất là hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tạo ra trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN bền vững, điều này đã tạo ra rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN bền vững.
PHƯƠNG NGHI
Related posts:
- Trường Cao đẳng Miền Đông đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực
- Khu công nghiệp Tân Bình: Mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội
- Gỗ cao su đóng góp 10,7% lượng gỗ sử dụng trong nước
- Trường Cao đẳng Miền Đông khai giảng năm học 2024-2025
- Sức hút từ khu công nghiệp Rạch Bắp
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
- Sản phẩm công nghiệp cao su: Đóng góp đáng kể vào sự phát triển của VRG
- MDF VRG Quảng Trị: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm đạt 99,5% kế hoạch
- Phát triển bền vững ngành gỗ sau đại dịch Covid-19
- Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan