“Mong muốn trở thành người Đảng viên phục vụ lâu dài cho nông trường, công ty”

CSVN – Đó là tâm sự của Hờ Bá Tủa – một chàng trai giàu nghị lực, khao khát được cống hiến con chữ, mong muốn đưa con em lao động đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đến lập nghiệp nơi miền quê mới, gắn bó và xây dựng Nông trường Cao su 12/9, Công ty CP đầu tư phát triển Cao su Nghệ An ngày càng phát triển lớn mạnh.

Niềm vui của 2 vợ chồng khi vào làm công nhân khai thác
Muốn làm được việc ý nghĩa nơi miền quê mới

Hờ Bá Tủa sinh ngày 23/01/1989 tại Bản Mường Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên nơi miền đất khó, nhưng với lòng quyết tâm ham học và học giỏi, anh đã thi đậu và tốt nghiệp Khoa Toán Tin Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh năm 2011. Sau khi tốt nghiệp anh đã tình nguyện trở về quê hương dạy học, mong muốn đưa con chữ, con số, các phép tính số học…, đạo đức nhân cách con người đến với con em địa phương mình.

Với địa bàn khó khăn nơi Trường Trung học cơ sở Keng Đu xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, thầy giáo trẻ Hờ Bá Tủa ngày đêm bám lớp bám trường, đi đến từng vùng xa xôi khó khăn nhất để vận động các bạn học sinh và phụ huynh cho con em mình tới trường để học tập.

Khi được tin Công ty CP đầu tư phát triển Cao su Nghệ An có đoàn công tác về các bản, các xã trong huyện Kỳ Sơn để tuyển dụng công nhân khai thác mủ vào làm việc tại các nông trường, anh quyết tâm thử sức mình với mong muốn sẽ làm được một việc gì đó có ý nghĩa nơi miền quê mới. Trước là nuôi bản thân, gia đình và người thân sau nữa là đưa lao động chưa có việc làm ở quê mình đi lập nghiệp nơi miền quê mới… Năm 2022 anh đã tình nguyện vào làm công nhân khai thác mủ tại đội 2, Nông trường 12/9 – Cao su Nghệ An. Khi mới vào nghề anh cũng bỡ ngỡ, tay cầm dao cạo phải học đi học lại bao lần, nhờ sự chỉ bảo của các anh chị cán bộ kỹ thuật tại nông trường, sau thời gian ngắn anh đã thành thạo kỹ thuật tốt, sản lượng mủ hàng tháng của anh rất cao, đi đầu trong đội sản xuất, thu nhập hàng tháng cao nhất trong đội.

Vận động lao động địa phương vào làm công nhân

Thấy công việc thuận lợi, anh đưa vợ là Vừ Y Hùa vào làm công nhân, năm 2023 với thu nhập bình quân của 2 vợ chồng gần 15 triệu đồng/tháng, cuối năm vợ chồng anh còn dành dụm được trên 90 triệu đồng. Theo anh so với lao động khác thì chưa cao, nhưng đối với người công nhân cạo mủ, lao động vùng cao vậy là tốt rồi vì ở quê đất dốc, không có đất sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn…

Bằng sự nỗ lực trong công việc, anh được nông trường, công ty và Công đoàn Cao su Việt Nam tặng giấy khen. Niềm vui nhân đôi, đầu năm 2024 Hờ Bá Tủa được công ty bổ nhiệm đội phó, phụ trách sản xuất đội 2, Nông trường 12/9.

Trên cương vị công tác mới anh đã say mê tìm hiểu về kỹ thuật, chăm sóc, khai thác mủ sao cho có hiệu quả, bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển bền vững của vườn cây. Anh đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, truyền đạt nội quy, quy chế, các chế độ chính sách của công ty, Nhà nước cho người lao động. Động viên họ lúc khó khăn, anh là cầu nối quan trọng trong công tác quản lý công nhân với lãnh đạo nông trường, công ty.

Sản lượng khai thác mủ 6 tháng đầu năm 2024 của đội anh dẫn đầu nông trường, vượt hơn 25% sản lượng công ty giao. Đặc biệt lao động trong đội duy trì ổn định không có biến động, ngoài ra anh còn vận động nhiều lao động người địa phương vào làm công nhân tại các nông trường trong toàn công ty. Với mong muốn trở thành người đảng viên, người quản lý, gắn bó lâu dài phục vụ nông trường, công ty – đó là tâm sự của anh với chúng tôi, khi được hỏi về nguyện vọng của mình.

TRẦN HOÀI

(Cao su Nghệ An)