Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

CAO SU CHIẾN
Công nhân cao su nghe cán bộ Việt Minh diễn thuyết
Công nhân cao su tham gia bãi công ngày 3-2-1930.

Điệp Liên Anh lưu ý rằng “đồn điền cao su trở thành mục tiêu chính trong kế hoạch tấn công của Việt Minh ở khu vực miền Đông [Đông Nam Việt Nam] để làm suy yếu nền kinh tế của Pháp và làm giảm sức mạnh của lực lượng viễn chinh Pháp. Nhà sử học Pierre Brocheux đã chỉ ra rằng những tài liệu của Việt Minh đầy những cụm từ “tiêu thổ, phong tỏa và chiến tranh kinh tế” khi mà “kinh tế… đã trở thành một vấn đề, một mặt trận, và là một vũ khí. Các mục tiêu “tàn phá nền kinh tế của kẻ địch”, “đóng góp vào xây dựng nền tảng kinh tế cho cuộc kháng chiến” luôn thôi thúc, và những nơi như đồn điền có thể phục vụ cho cả hai mục tiêu trên».

Những lập luận này thuyết phục được nhiều phu đồn điền cao su đang tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn đồng ý gia nhập Việt Minh. Một số công nhân đã tham gia vào các cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra hồi tháng 8, và sau đó nhiều người đứng vào hàng ngũ các đơn vị vũ trang như Chi đội 1 thành lập vào năm 1945, Chi đội 10 thành lập vào năm 1946. Kiên định với những khẩu hiệu mô tả cây cao su được bón bằng xác những người công nhân, hầu hết các chiến dịch thuở ban đầu đều nỗ lực phá hủy cả dụng cụ sản xuất lẫn cây cao su. Theo một tài liệu lịch sử về phong trào công

nhân đồn điền cao su thì “tất cả các cuộc đấu tranh của công nhân trong suốt thời kỳ kháng chiến chỉ có mục tiêu duy nhất là phá hủy”. Những nỗ lực ban đầu chống lại thực dân Pháp xâm lược, tuy vậy, đã vấp phải khó khăn đáng kể. Vào tháng 2/1946, lực lượng Anh và Pháp đã tái chiếm đóng hầu hết các khu vực đồn điền. Đối mặt với bước lùi này, Việt Minh nỗ lực hình thành một nền kinh tế song song, và vào mùa xuân năm 1946, họ đã phát hành tiền đồng để cạnh tranh với đồng Đông Dương.

Chính quyền thực dân có lý do để ngày càng quan ngại về việc lực lượng lao động dễ dàng bị Việt Minh chiêu mộ; một tài liệu lịch sử của Việt Nam tuyên bố rằng có 34.000 trong số 55.000 lao động tham gia cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, những nhà lãnh đạo nhận thức rõ về khả năng phải đối đầu bằng bạo lực. Mark Lawrence đã thảo luận về những nỗ lực để tránh xung đột, bao gồm hiệp ước Pháp – Việt Minh được ký kết vào ngày 6/3 giữa các đại diện của chính phủ Pháp và Việt Minh. Một số người cho rằng cuộc thương thảo này đã đi ngược lại mục tiêu chống thực dân, nhưng thật ra hiệp ước này đã tạo cơ hội để Việt Minh chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Các truyền đơn và báo chí phát hành định kỳ được lưu hành trong giới công nhân cao su, thay thế cho những đài phát thanh phụ của Pháp. Những phương tiện truyền thông này tuyên truyền về đường lối hành động chung và cổ vũ cho cuộc kháng chiến thông qua hàng loạt các tác phẩm thơ và văn xuôi mang âm hưởng anh hùng ca. Một trong những ấn phẩm của Việt Minh là tờ báo Công đoàn, sau này đổi tên thành báo Cảm tử, có số lượng phát hành đáng tự hào là 4.000 bản. Tờ Công đoàn chủ yếu được lưu hành ở phía Nam, nhưng sau khi Việt Minh thành lập những tổ chức cấp tỉnh, mỗi địa phương đã tự xuất bản báo của mình. Vào giữa năm 1946, Ty Thông tin của Biên Hòa ra mắt tờ Đồng Nai, đặt theo tên của tỉnh xuất bản. Tờ báo này chỉ gồm hai trang, với khoảng 300 đến 500 bản mỗi kỳ. Về sau, các thành viên của Chi đội 10 chịu trách nhiệm viết nội dung cho tờ báo. Số lượng phát hành rất hạn chế so với báo Công đoàn, và vào năm 1947 báo Đồng Nai lại thiếu trầm trọng nguyên vật liệu để in ấn, đến nỗi có những số báo phải in bằng mực làm từ tảo biển. Công đoàn Cao su đầu tiên, được thành lập ở Biên Hòa vào tháng 9/1946, với 4.000 thành viên, đã cho ra đời ấn bản của riêng mình là tờ Sinh lực (một cái tên phù hợp đối với một tờ báo hướng đến phu cao su).

Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra rải rác ở miền Nam kể từ khi người Pháp xâm lược trở lại, thì cuộc tấn công từ ngày 19 đến ngày 20/12/1946 làm rúng động Hà Nội và các tỉnh khác của Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra, đồng thời chính thức đánh dấu cho sự khởi đầu của Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Chiến tranh bùng nổ khiến các lực lượng nòng cốt ở miền Nam ngày càng được tập trung mạnh hơn, vào ngày 20/12, Công đoàn Cao su Tây Ninh được thành lập với 2.533 thành viên. Mười ngày sau, Công đoàn Cao su Thủ Dầu Một được thành lập với 1.635 thành viên trên tổng số 12.000 công nhân. Cả hai Công đoàn này đều xuất bản tờ báo riêng của mình, Cao su và Cần lao.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)