CSVN – Chuyến công tác của tôi lên bản Thăn Hộc, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, gặp gỡ bà con đồng bào dân tộc H’Mông, nghe ai nấy đều trầm trồ: “Vợ chồng Lỳ Xìa Dìa đi làm công nhân cao su, cửa nhà khang trang, con cái được học hành giỏi giang, đồng bào bản ta mến phục vợ chồng hắn lắm lắm”.
Khá giả nhờ làm công nhân cao su
Trưởng bản Lỳ Chư Vả cho biết: “Cuộc sống của gia đình Lỳ Xìa Dìa trước đây khổ lắm nhưng sau khi cả hai vợ chồng vào làm công nhân tại NT Thanh niên xung phong 12/9, Cao su Nghệ An kinh tế gia đình phát triển, con cái đều được học hành đến nơi đến chốn”.
Sau thông tin từ trưởng bản, tôi băng rừng tìm đến gặp vợ chồng Lỳ Xìa Dìa đang miệt mài cạo mủ giữa bạt ngàn cao su. Sau khi xếp gọn dụng cụ sản xuất, chỉnh sửa lại mấy cái máng đựng mủ Lỳ Xìa Dìa kể: “Năm 2000 – 2002 em xuống Vinh theo học lớp Trung cấp Y tế tỉnh Nghệ An, sau đó về làm cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe trong dân bản. Đến năm 2016 vợ chồng đưa con cái vào miền Nam, xin làm công nhân cao su tại tỉnh Bình Phước. Sau 4 năm gắn bó với nghề cạo mủ, tuy xa nhà nhưng cuộc sống có được công ăn việc làm khá thuận lợi. Tuy thế nhưng sau một thời gian xa nhà, nhớ bản, cùng lúc này nhận được thông tin ở Nghệ An công ty cao su cần tuyển công nhân cạo mủ, thế là 2 vợ chồng cùng con cái trở về để đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành cao su trên quê hương Bác Hồ”.
Khi công ty chấp nhận cho vào làm công nhân, cả hai vợ chồng được biên chế về Đội 1, NT 12/9, được nhận khoán 20 ha cao su. Mặc dầu cuộc sống bước đầu còn gặp không ít khó khăn nhưng nhờ có tay nghề khá dày dạn kinh nghiệm, bên cạnh được sự quan tâm đặc biệt của đơn vị cũng như anh em trong đơn vị nên cuộc sống vợ chồng, con cái dần đi vào ổn định.
Cũng theo Lỳ Xìa Dìa, khi mới nhập cuộc, thấy cây cao su ở Nghệ An so với cây cao su ở Nam Trung bộ năng suất, chất lượng có chênh lệch nhau, vì thế NLĐ phải chấp hành nghiêm túc quy trình kỹ thuật như: thường xuyên phải luyện tay nghề, bảo đảm cạo dăm, độ sâu của nhát cạo, mặt cạo phẳng, nghiêng 45 độ, không vượt ranh tiền, ranh hậu, nhát cạo không lượn sóng… Lúc đầu, mức thu nhập chỉ nhận được từ 3-5 triệu/tháng, khi đi vào ổn định đồng lương được nâng dần lên, cho đến nay lương tháng bình quân trên 10 triệu đồng tháng/người. Tính cả hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập trên 20 triệu đồng. Cuộc sống vợ chồng có của ăn của để, nhà cửa, các phương tiện được mua sắm đầy đủ khang trang. Đến nay vợ chồng Lỳ Xìa Dìa đã vận động được 72 gia đình dân bản vào làm công nhân công ty, ai cũng phấn khởi có việc làm ổn định, có của ăn của để cả bản ta ai cũng vui.
Gia đình văn hóa tiêu biểu
Lỳ Xìa Dìa khoe với tôi rằng: “Nhờ vào làm công nhân cao su, mà nhà em có tiền nuôi các con ăn học. Đến nay hai đứa con gái đều học tại hai trường Đại học Y khoa Thái Nguyên và Đại học quân Y Hà Nội. Cháu đầu là Lỳ Y Ua, từng là sinh viên Đại học Y Dược Thái Nguyên, nay tốt nghiệp ra trường, được nhận vào công tác tại một bệnh viện danh tiếng ở Hà Nội. Còn cháu thứ hai Lỳ Bả Chả, sinh viên năm 4 Học viện Quân Y Hà Nội. Còn con út Lỳ Cung Vinh đang học Tiểu học”.
Cả gia đình Lỳ Xìa Dìa được dân bản công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Riêng về bản thân anh được nhận nhiều danh hiệu của Tập đoàn, của Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An, trong đó có danh hiệu “Công nhân ưu tú xuất sắc” liên tục nhiều năm, được đi tham dự các lần đại hội công nhân tiêu biểu các cấp.
ANH BÌNH
Related posts:
- “Mong lớp trẻ hiểu được lợi ích lâu dài khi làm công nhân cao su”
- “Thanh niên ngành cao su đã có cuộc đối thoại bổ ích với các cấp lãnh đạo"
- "Xuân này anh không về"
- Đổi đời khi vào vùng cao su lập nghiệp
- "Đi đâu cũng không bằng làm công nhân cao su"
- Thạch Thông - công nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu
- Thành tích xóa "điểm nóng" của người đội trưởng bảo vệ
- Tổ đầu tiên ở Cao su Ea H'Leo cán đích sản lượng
- Giải nhất Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị: "Sẽ nỗ lực đạt giải tại hội thi cấp ngành"
- Nàng Châu Long thời hiện đại