CSVN – Nối tiếp truyền thống gia đình, anh Nguyễn Toàn Thắng – Nhân viên Bảo vệ Xí nghiệp chế biến TCT Cao su Đồng Nai đã chọn làm việc trong ngành cao su. Ba thế hệ gắn bó với ngành qua nhiều thập kỷ luôn là điều mà gia đình anh thấy tự hào mỗi khi nhắc đến.
Ông bà và cha mẹ là tấm gương noi theo
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thắng cho biết ông bà và cha mẹ anh đã gieo những hạt mầm đầu tiên, tạo nền móng vững chắc cho thế hệ tiếp theo mong muốn tiếp nối sự nghiệp, thúc đẩy anh gắn bó với nghề cao su. Anh Thắng tâm sự: “Ông nội tôi là ông Nguyễn Văn Khấn vốn là công nhân công tra thuộc Công ty Cao su Đông Dương (Société Indochinoise Des Plantations d’ Hévéas, gọi tắc là SIPH) từ Nam Định vào làm công nhân cao su bên Campuchia. Năm 1972, sau cuộc đảo chính Lonnol gia đình ông bà nội tôi trở về Việt Nam tiếp tục làm công nhân cao su trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho đến sau năm 1975. Suốt những năm tháng công tác, ông bà nội tôi đã cần cù, chịu khó và tâm huyết với nghề. Những giá trị tốt đẹp ấy đã được cha mẹ tôi và chúng tôi tiếp nối, trở thành niềm tự hào và động lực để tiếp tục phát triển ngành cao su trên quê hương Đồng Nai. Mẹ tôi là bà Nguyễn Xuân Duyên – Phó Chánh Văn phòng TCT, cha tôi là ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Phòng Thanh tra bảo vệ quân sự TCT. Năm 1991, ba mẹ tôi chuyển công tác từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai về làm tại Công ty Cao su Đồng Nai cho đến ngày hôm nay. Trong cuộc sống gia đình là vợ chồng, là con, trong cơ quan, đơn vị họ là đồng nghiệp. Chính vì vậy luôn có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và động viên, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bà Duyên (mẹ anh Thắng) chia sẻ: “Thời đó cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen trong công việc. Nhưng đáng nhớ nhất là giai đoạn tôi làm chủ tịch Công đoàn cơ sở Cơ quan, đây cũng là thời kỳ các hoạt động và phong trào của TCT rất phát triển, nhất là thể thao, các cuộc thi kiến thức, văn nghệ, với vai trò chủ tịch Công đoàn tôi luôn vận động mọi người tham gia những lúc dầm mưa, dãi nắng đi theo đội bóng đá, bóng chuyền, rồi các cuộc thi kiến thức, đêm hôm theo đội văn nghệ dù cực nhưng rất vui”.
“Về những khó khăn đã trải qua đó là những năm giá mủ xuống thấp không tiêu thụ được, khi đó gia đình mới chuyển về TCT. Lương khi đó thấp lại chậm, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, có lẽ đó là giai đoạn khó khăn nhất. Lúc đó vợ chồng tôi phải làm đủ thứ nghề để sống, trước những khó khăn đó, thật sự mà nói tâm mình cũng không được vững vàng trước những tác động bên ngoài, nhưng cũng nhờ có sự yêu nghề, yêu công việc, cùng sự quan tâm của ban lãnh đạo, đồng nghiệp cũng như là truyền thống gia đình gắn bó với cây cao su, nên dù gặp nhiều khó khăn chúng tôi vẫn bám trụ với nghề” – bà Duyên nói thêm.
Tự hào là thế hệ thứ 3 tiếp nối truyền thống gia đình
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề cao su, anh Thắng không chỉ thừa hưởng những kinh nghiệm, kỹ năng mà còn kế thừa cả những giá trị tinh thần, truyền thống và tình yêu nghề của ông cha. Những người đi trước đã vượt qua bao khó khăn, thách thức để gìn giữ và phát triển nghề này, và giờ anh Thắng lại có cơ hội tiếp nối, góp phần xây dựng và bảo tồn di sản gia đình.
Hiện tại anh Thắng đang là nhân viên bảo vệ Văn phòng Xí nghiệp chế biến, Tổ trưởng Công đoàn Tổ Văn phòng. Năm 2003, anh Thắng trúng tuyển vào làm nhân viên Phòng Thanh tra – Bảo vệ – Quân sự TCT, đến tháng 9/2020 anh đã chuyển về làm nhân viên bảo vệ Xí nghiệp Chế biến, tính đến nay cũng đã được 21 năm gắn bó với nghề cao su.
Được hỏi vì sao anh lựa chọn ngành cao su để gắn bó mà không phải là nghề khác? Nếu được chọn lại anh có chọn ngành khác không? Với nụ cười tự hào, anh Thắng đáp: “Tôi chọn gắn bó với nghề cao su không phải một sự lựa chọn ngẫu nhiên, mà là một điều mà tôi đã suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là niềm vinh dự lớn lao của tôi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã gắn bó với mảnh đất cao su, khi các cô dì trong dòng họ cũng đang làm việc trong ngành này. Gia đình tôi cũng là những người gắn bó lâu năm với công việc sản xuất, chế biến cao su. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực hết mình trong công việc, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, để góp phần vào sự phát triển của Tổng Công ty nói riêng và ngành cao su nói chung. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn quyết định gắn bó với ngành cao su, vì đây là quê hương, là nơi đã nuôi dưỡng và cho tôi một cuộc sống ổn định, thịnh vượng. Nghề cao su không chỉ là công việc, mà còn là niềm tự hào, là truyền thống của gia đình tôi. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ trước đã gây dựng, để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của gia đình và đóng góp vào sự phát triển của ngành cao su quê hương”.
Trong quá trình làm việc tại công ty, anh Thắng luôn là một nhân viên tiêu biểu. Anh đã được lãnh đạo ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, với những đóng góp xuất sắc của anh. Anh vinh dự nhận danh hiệu Công nhân ưu tú Cao su Đồng Nai năm 2023 và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.
HẰNG NY
Related posts:
- Thế hệ trẻ phải biết lấy mục tiêu để phấn đấu
- Các đồn điền cao su mở rộng diện tích
- Dành cả thanh xuân cho cây cao su
- Lê Thị Thương: Nhiều lần đạt giải cao tại hội thi bàn tay vàng các cấp
- Những tháng ngày không quên
- "Con người là nhân tố quan trọng và then chốt"
- 12 năm tận tụy với nghề
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành
- Tự tin phát huy tay nghề
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su