Cao su Phước Hòa: Chăm lo tốt đời sống công nhân đồng bào dân tộc thiểu số

CSVN – Với mong ước kiếm thu nhập ổn định, gầy dựng cuộc sống đủ đầy ở quê hương, những năm gần đây, nhiều lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã vượt hàng nghìn cây số vào Nam, lựa chọn làm việc và gắn bó lâu dài với các đơn vị cao su miền Đông Nam Bộ. Hành trang của họ không gì nhiều hơn là ý chí thoát nghèo, mưu cầu cuộc sống ấm no hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Phước Hòa thăm hỏi công nhân đồng bào tại NT Bố Lá
Đời sống cải thiện nhờ làm công nhân cao su

Những năm qua, để giải quyết bài toán thiếu lao động, các đơn vị thành viên Tập đoàn khu vực miền Đông Nam Bộ đã đến các tỉnh miền núi phía Bắc để tuyển dụng công nhân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Để thu hút và giữ chân lâu dài nhóm lao động này, các công ty đề ra nhiều chính sách ưu đãi, như về thu nhập ổn định, tạo điều kiện nơi ở, nhiều đãi ngộ phúc lợi khác mà chỉ riêng công nhân dân tộc mới có.

Là một trong những đơn vị thành công trong thu hút và giữ chân NLĐ đồng bào, Cao su Phước Hòa từ nhiều năm nay được đánh giá là nơi có số lượng lớn công nhân đồng bào dân tộc đến từ miền núi phía Bắc, đồng thời tỷ lệ lao động gắn bó với công ty cao. Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, tổng lao động của công ty là hơn 2.000 người, trong đó hơn 50 người là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở NT Bố Lá.

Theo ông Phạm Minh Thuận – GĐ NT Bố Lá, công nhân khai thác của NT là 181 người, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc chiếm 47 người. Đánh giá chất lượng của thế hệ công nhân người đồng bào, ông Thuận cho biết, họ rất siêng năng, chịu khó, tay nghề tốt.

Lãnh đạo NT cho biết, xác định NLĐ là yếu tố quan trọng, đặc biệt công nhân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng được NT ưu tiên, tạo điều kiện trong sản xuất, ổn định cuộc sống. Vì vậy, nông trường trong nhiều năm nay đề ra loạt chính sách nhằm hỗ trợ, từ đó tạo tiền đề xây dựng cầu nối vững chắc giữa công ty, NT với công nhân.

Như nhiều đơn vị cao su miền Đông khác, Cao su Phước Hòa tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân Hà Giang đến làm việc. Đầu tiên, khi lao động vừa vào làm, công ty sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, khai thác sản xuất. Công ty cũng xây dựng nhà tiền chế giúp lao động có nơi sinh hoạt. Hiện NT xây dựng ba dãy nhà ở tạm với 18 phòng, cùng 21 phòng cải tạo từ nhà đội cho công nhân ở. Ngoài ra, đoàn thể công ty thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên công nhân hăng hái làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị. Mỗi tháng, công ty hỗ trợ mỗi hộ gia đình 100.000 đồng tiền điện sinh hoạt, định kỳ tặng gạo, gia vị cho công nhân.

Hai năm làm việc tại Cao su Phước Hòa, anh Sùng Chính Mão – dân tộc Mông, quê huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, xúc động nói nhờ công việc này đã giúp gia đình ở quê thoát nghèo. Theo đó, năm 2021, anh và vợ xuôi Nam vào làm ở một công ty ở Bình Dương, song thấy lương không ổn định, công việc không phù hợp nên xin sang làm cao su ở Phước Hòa vào năm 2022. Lương trung bình mỗi tháng của anh hiện tại từ 8-9 triệu đồng.

Nhớ lại khoảng thời gian ở quê, anh Mão nói trên đó không có công việc gì để làm, gia đình thuộc diện nghèo, chỉ có một ít nương, ruộng bậc thang nhưng năng suất canh tác thấp, cuộc sống nhiều thiếu thốn. “Từ khi vào làm công nhân tại Cao su Phước Hòa, mỗi năm hai vợ chồng dư khoảng 200 triệu đồng. Số tiền đó chúng tôi tích cóp, đem gửi ngân hàng, sau này có cần thì dùng” – nam công nhân chia sẻ.

Ông Vũ Nam Khánh – Đội phó Đội 2, NT Bố Lá nhận xét anh Mão có ý thức rèn luyện tay nghề tốt, tận thu mủ hiệu quả, năng suất khai thác thuộc tốp cao tại đơn vị. Ông Khánh đánh giá cao về ý thức tổ chức, chấp hành quy chế, tinh thần học hỏi, trách nhiệm của đội ngũ lao động là người đồng bào đến từ Hà Giang.

Anh Sùng Chính Mão – Công nhân người Mông, cạo phần cây trên NT Bố Lá
Xây dựng cầu nối vững chắc

Một trong những yếu tố quan trọng giúp nhiều đơn vị xây dựng cầu nối vững chắc với lao động người đồng bào là các đơn vị nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời bất cập. Lãnh đạo NT Bố Lá chia sẻ, tranh thủ sự lãnh đạo của công ty, các cấp quản lý và sự đồng thuận, chia sẻ của công nhân địa phương, nông trường thành công trong việc thu tuyển NLĐ đồng bào về đơn vị và gắn bó lâu dài. Mỗi dịp cuối năm, đơn vị tổ chức gặp mặt công nhân người Hà Giang, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó chia sẻ, hỗ trợ kịp thời.

Ngoài chăm lo vật chất, NT còn quan tâm đời sống tinh thần công nhân dân tộc. Như vừa qua, đơn vị tổ chức hội thi múa sạp, trình diễn thời trang sắc màu núi rừng Tây Bắc để lao động đồng bào thiểu số tham gia, qua đó vừa hun đúc tình yêu quê hương, vừa tạo sự gần gũi, gắn kết giữa NT và NLĐ.

Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội, tạo các nhóm trò chuyện cho cộng đồng công nhân đồng bào dân tộc. Có công cụ lan tỏa, nhiều lao động bảo ban người quen, dòng họ ở quê vào cao su làm. Kết quả, tại NT Bố Lá, nhờ kết nối mạng xã hội, công nhân đồng bào tại nông trường tăng từ 11 người năm 2023 lên 47 người năm 2024.

Sau thời gian dài trực tiếp làm việc cùng lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo Cao su Phước Hòa và NT Bố Lá cho rằng, để tạo dựng môi trường làm việc gắn kết, công nhân đồng bào an tâm làm việc, các cá nhân cần tôn trọng văn hóa, khác biệt, đề cao sự sẻ chia.

Thoăn thoắt đôi tay trút từng chén mủ, anh Mão kể chúng tôi nghe một ngày làm việc của mình, cùng những thú vị trong công việc. Nhắc đến lãnh đạo công ty, NT, nam công nhân cười, nói cảm ơn vì đã tạo nhiều điều kiện, không chỉ cho anh mà rất nhiều lớp người đồng bào Hà Giang từ khi vừa vào làm. “Đến nay, lãnh đạo NT vẫn tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi, như giúp đóng tiền điện sinh hoạt, cho gạo, mì định kỳ. Các anh chị lãnh đạo rất thương chúng tôi” – anh Mão tâm sự.

HOÀNG KHẢI