CSVN – Công trình sáng tạo kỹ thuật Mô hình dạy lái xe tại chỗ thuộc Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su của nhóm tác giả Lê Văn Kích, Nguyễn Hữu Ninh, Bùi Đình Ninh và cộng sự Bùi Văn Nghiệp, Nguyễn Văn Lực đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng kiến, sáng tạo toàn quốc lần thứ 17.
Để tạo điều kiện cho học viên học lái xe tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe hạng B1, B2, C học tốt phần tập lái xe tại chỗ không nổ máy và tập lái xe tại chỗ có nổ máy, nhóm tác giả đã nghiên cứu, xây dựng Mô hình học lái xe tại chỗ, giúp học viên thực hiện và thành thạo các kỹ năng cơ bản nhất, làm quen với cabin mô phỏng theo thông tư 37 2020/TT/ BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2020.
Các thao tác điều khiển mô hình này hoàn toàn giống với xe thực tế hiện nay, mô hình có đầy đủ các phần điều khiển ly hợp, gas, hộp số, các tín hiệu cảnh báo, đèn tín hiệu, chiếu sáng, thắng… Vì vậy khi học viên thao tác, số đèn led sẽ hiển thị các số thực tế, nhanh chóng nắm bắt được quy trình mà mình thao tác, kể cả khi động cơ không hoạt động hay hoạt động.
Mô hình được thiết kế trên hệ thống lái, hộp số, trục bánh xe, hệ thống phanh và một phần hệ thống điện chuyển đổi từ xe Honda Accord và xe KIA CD5 cũ, được gắn động cơ điện 1 chiều, hệ thống sạc bằng điện lưới và năng lượng mặt trời, vận hành hoạt động thực tiễn giống như các loại xe thông thường.
Chi phí hoàn thiện mô hình dưới 40 triệu đồng nhưng tính ứng dụng vào thực tiễn dạy và học là rất cao. Mô hình không những hỗ trợ tốt cho giáo viên có phương tiện giảng dạy hữu hiệu, mà còn giúp học viên tiếp thu nhanh kiến thức, bài học lý thuyết về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, các mô đun thực hành. Mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đào tạo các lớp học lái xe ô tô, các khóa đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng ngành Công nghệ ô tô tại trường. Hỗ
trợ việc giảng dạy các lớp xa trường, giúp học sinh, sinh viên bước đầu tiếp cận với động cơ Hibrid (xe sử dụng cùng lúc động cơ xăng và động cơ điện) – một trong những xu hướng tương lai của ngành công nghiệp ô tô.
Theo thầy Nguyễn Hữu Ninh – Phó khoa Công nghệ ô tô (thành viên nhóm tác giả) của trường cho biết: “Qua thực tiễn đưa vào giảng dạy tại trường, mô hình đã giúp giáo viên hướng dẫn thao tác nhanh, an toàn, tiết kiệm được nhiên liệu (dùng pin năng lượng mặt trời) với xe thông thường. Đáp ứng rất tốt trong việc giảng dạy nhất là các bài cấu tạo, nguyên lý hoạt động của động cơ và các mô đun (mô hình có 6 mô đun), thao tác nhanh thực hành sửa chữa ô tô. Qua áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, các học viên – sinh viên rất hào hứng, tiếp thu rất nhanh các bài học, rút ngắn thời gian đào tạo”.
Khi học xong các môn cơ sở qua thực tiễn đào tạo trên mô hình này của trường, học viên thi dễ dàng đậu sát hạch lấy bằng lái xe. Sinh viên đi thực tập cuối khóa tại các gara, các hãng bảo trì, lắp ráp xe ô tô đều nắm bắt rất nhanh và được đánh giá cao về năng lực. Đa phần sinh viên, học viên sau khi ra trường đều có việc làm ổn định ở các cơ sở, các hãng xe lớn trong cả nước. Với việc áp dụng các sáng kiến sáng tạo, cập nhật những kiến thức mới, hiện ngành công nghệ ô tô của trường đang thu hút rất đông sinh viên học sinh thi đầu vào.
VŨ PHONG
Related posts:
- Ứng dụng hiệu quả máng che mủ cao su mùa mưa
- Vệ sinh chén hứng mủ bằng máy khoan mini hiệu quả và tiết kiệm thời gian
- Chú trọng nâng cao vai trò cán bộ chuyên quản
- Cải tiến van xả áp trên bình phun phòng trị bệnh cao su góp phần tăng năng suất lao động
- Cao su Việt Lào: Mô hình kiểu mẫu tại nước ngoài của VRG (Kỳ 2)
- “Sáng kiến dù nhỏ nhưng đó là sự đóng góp đáng trân trọng”
- Độc đáo mô hình học lái xe tại chỗ
- Sáng kiến trang bị cửa lò xông sấy làm lợi trên 300 triệu đồng/năm
- Xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas
- Gởi tình yêu vào đất...