Phát triển lĩnh vực khu công nghiệp theo hướng hiện đại và tập trung

CSVN – VRG vừa thành lập Ban Phát triển và Quản lý Khu công nghiệp (KCN) và xây dựng Đề án phát triển KCN trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ trên đất cây cao su chuyển đổi theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại từng địa phương, nhằm đạt mục tiêu của Tập đoàn đến năm 2035 cơ cấu nâng tỷ trọng doanh thu các hoạt động SXKD lên 95% và lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN chiếm khoảng 70 – 80%.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (thứ 2 từ trái sang) nghe lãnh đạo VRG giới thiệu về các dự án của Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, vào ngày 30/8/2023. Ảnh: Đào Phong
Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi phát huy hiệu quả sử dụng đất

Ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG, cho biết: “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu cơ sở hạ tầng KCN trên đất trồng cao su của Tập đoàn chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của   địa   phương   là   một   trong những ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn đã được Thủ tướng  Chính  phủ  phê  duyệt.  Và đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất của Tập đoàn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị theo nhiệm vụ được giao, tích cực trong thu hút vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và lợi ích của Nhà nước”.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN trên đất cao su chuyển đổi của Tập đoàn góp phần tạo việc làm cho người dân của các địa phương và vùng lân cận. Đồng thời, trong quá trình hoạt động cùng   chính   quyền   địa   phương đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự xã hội tại KCN do các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn đầu tư và kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, các KCN do Tập đoàn góp vốn đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng giá trị khoảng 4.600 tỷ đồng, thu hút hơn 744 doanh nghiệp với vốn đầu tư hơn 11 tỷ USD, tạo ra khoảng 200.000 việc làm. Với tỷ lệ lấp đầy đất thương phẩm của các KCN là 82% diện tích đất xây dựng nhà xưởng (tỷ lệ lấp đầy này đã tính đất thương phẩm của 2 KCN đang đầu tư, nhưng chưa kinh doanh là KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, KCN Nam Pleiku).

“Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN là lĩnh vực chịu sự chi phối bởi nhiều quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, nguồn lực lao động, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… Do đó các giai đoạn thực hiện KCN từ xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến thành lập, thuê đất, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật của KCN, công tác thu hút đầu tư, cho thuê lại đất, vận hành đều phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật có liên quan và tùy cơ chế tại từng địa phương đầu tư dự án” – ông Đỗ Hữu Phước, cho biết.

Hiện nay, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN với tổng diện tích theo dự án được duyệt hơn 4.100 ha, nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hải Dương, Gia Lai và Công ty mẹ Tập đoàn đang thực hiện thủ tục đầu tư KCN Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh… Để mở rộng hoạt động kinh doanh với nguồn khách hàng sẵn có và khách hàng đang có nhu cầu đầu tư mới. Trong thời gian vừa qua Tập đoàn và các đơn vị thành viên thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN thành lập mới/mở rộng theo quy hoạch được phê duyệt ở từng địa phương từ năm 2018 đến nay. Ngày 22/12/2023 Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có Văn bản số 2833/UBQLV-NN về việc thông qua Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025; trong đó Tập đoàn đăng ký xin được làm chủ đầu tư KCN trên một phần diện tích các KCN ở những địa phương đã quy hoạch trên đất cao su do các đơn vị thành viên Tập đoàn đang quản lý. Và  đặc  biệt,  Thủ  tướng  Chính  phủ  đã  phê  duyệt Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hiệp Thạnh – giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 01/03/2024 cho Tập đoàn làm chủ đầu tư.

Bản đồ KCN Hiệp Thạnh – giai đoạn 1 tỉnh Tây Ninh do Công ty mẹ Tập đoàn đang thực hiện thủ tục đầu tư
Sẽ thành lập Chi nhánh Khu công nghiệp VRG

Về định hướng phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ đã được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của  Bộ  Chính  trị  về  phát  triển  kinh  tế  xã  hội  và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới. Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định định hướng phát triển vùng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động. Phát triển các khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị hiện đại và các khu công nghiệp…

Với quy mô, vị trí và số lượng các KCN được quy hoạch trước đây chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN, cần phải có bộ máy tổ chức quản lý vận hành tự chủ xuyên suốt trong quá trình từ đầu tư xây dựng đến việc kinh doanh thu hút nhà đầu tư và hậu mãi trong thời gian hoạt động của nhà đầu tư trong KCN. Đồng thời gắn với phát triển thương hiệu của Tập đoàn, tăng cường đổi mới mô hình quản lý, quản trị hiện đại trong công tác đầu tư, tổ chức và hoạt động kinh doanh lĩnh vực KCN trong thời gian tới của Công ty mẹ Tập đoàn, Tập đoàn sẽ thành lập Chi nhánh KCN VRG tại từng địa phương mà Tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận làm chủ đầu tư.

“Việc thành lập Chi nhánh KCN VRG tại từng địa phương và trước mắt là Chi nhánh VRG Tây Ninh phù hợp với chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc rà soát, đổi mới và hiện đại hóa công tác quản lý, quản trị, mô hình đầu tư xây dựng và kinh doanh KCN, CCN theo hướng hiện đại và tập trung để huy động nguồn lực trong công tác xúc tiến đầu tư và quản trị hệ thống; phù hợp với Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025, chiến lược phát triển và Kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Ủy ban chấp thuận” – ông Đỗ Hữu Phước, nhận định.

MINH TRÍ