Vệ sinh chén hứng mủ bằng máy khoan mini hiệu quả và tiết kiệm thời gian

CSVN – Sau khi kết thúc vụ thu hoạch mủ, công nhân thu chén hứng mủ và tiến hành ngâm trong nước có hóa chất để vệ sinh chén, công đoạn này gây nhiều tác hại đến da tay và mất nhiều thời gian. Anh Puih Yẽn – Công nhân NT Mo Rai I, Cao su Chư Mom Ray đã khắc phục được điều này bằng chiếc máy khoan mini.

Anh Puih Yẽn (đội mũ) đang thao tác vệ sinh chén hứng mủ bằng máy khoan mini cải tiến
Sáng tạo từ trong lao động

Trong chuyến công tác đến NT Mo Rai I, Cao su Chư Mom Ray, chúng tôi được chứng kiến những người công nhân nơi đây vệ sinh chén hứng mủ với một phương pháp hoàn toàn mới. Tò mò và thích thú, chúng tôi tìm đến với người nghĩ ra cách rửa chén này để hiểu kỹ hơn. Qua trao đổi, được biết sáng kiến cải tiến này do anh Puih Yẽn (dân tộc Jarai), vào làm công nhân ở Tổ 3, NT Mo Rai I được hơn 2 năm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Puih Yẽn cho hay: “Mấy năm trước, khi hết mùa cạo thu chén về mình thấy nhiều anh em công nhân mang chén ngâm trong nước có hóa chất để rửa cho dễ, khi làm phải mang găng tay và mất nhiều thời gian, lại dễ bị hóa chất ăn da tay nếu không cẩn thận. Mình suy nghĩ phải làm sao để thay đổi công việc này…”.

Từng phục vụ trong quân ngũ bộ đội địa phương, Puih Yẽn được tiếp xúc với nhiều người, cách làm mới và tác phong quân nhân nên rất có tính kỷ luật, trong lao động và học tập, nghiên cứu sáng tạo.

Puih Yẽn đi học hỏi khắp nơi, qua nhiều kênh thông tin đại chúng. Anh kể, “Trong một lần mình xem được trên mạng xã hội thấy người ta vệ sinh chén bằng máy, nhưng dùng bộ phận “bùi nhùi” để vệ sinh, mình cho rằng dùng vật này vệ sinh chén sẽ làm chén nhanh hư, mất lớp men, đối với chén nhựa dễ bị trầy xước, do vậy mình đã dùng săm xe máy cắt ra từng miếng nhỏ gắn vào đầu chiếc máy khoan mini”.

Với phương pháp này, chỉ cần ngâm chén trong nước bình thường và đào cái hố nhỏ bằng đúng cái chén hứng mủ để cố định nó, sau đó vệ sinh bằng cách khởi động máy khoan, máy quay với tốc độ nhanh làm cho mủ dính trong chén bị văng ra ngoài, sợi săm xe máy không làm xước chén hứng mủ.

Tiết kiệm thời gian và không ảnh hưởng sức khỏe

Anh Puih Yẽn cho biết: “Từ khi có cái máy này, mỗi ngày mình có thể vệ sinh được trên 800 cái chén, có ngày được nhiều hơn. Với tổng số cây mình được giao khoán khoảng 2.100 cây thì việc vệ sinh phần của mình chỉ mất khoảng 3 ngày. Trong khi những người khác làm theo phương pháp cũ có thể mất từ một tuần đến 10 ngày”. Ngoài ra, theo cách làm này người công nhân không cần thiết phải mang găng tay cao su chống chất tẩy rửa khi tiếp xúc với nước và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với hóa chất.

Theo ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ Cao su Chư Mom Ray: “Với phương pháp cải tiến theo chiều tích cực của anh Puih Yẽn thì thời gian tới chúng tôi yêu cầu các NT chỉ đạo các tổ, trực tiếp đến từng người công nhân thực hiện theo cách này vừa nhanh gọn, hiệu quả mà lại tiết kiệm được nhiều thời gian, giúp công nhân trang bị vườn cây xong sớm, có thời gian làm thêm việc nhà”.

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh Yẽn thực chất chỉ là thay đổi một chi tiết trong nhiều cách mà NLĐ ngành cao su đã thực hiện. Tuy nhiên, cách này có những ưu việt và phù hợp với công nhân, giúp người công nhân chủ động trong việc vệ sinh chén hứng mủ, tiết kiệm được thời gian và không ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình vệ sinh chén hứng mủ.

GIA LINH