CSVN – Đến NT Ya Chim, Cao su Kon Tum, hỏi chị Nguyễn Thị Tám ai cũng biết và yêu mến. Đặc biệt thành tích trong khai thác mủ cao su là điều mọi người ai cũng ấn tượng về chị. Không chỉ là điển hình trong SXKD, mà chị còn là gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Mới đây chị vinh dự được Công đoàn CSVN vinh danh “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú”.
Đam mê với nghề
Năm 2004 khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tám nộp đơn xin làm công nhân cao su. Khi được nhận vào làm công nhân khai thác của NT Ya Chim, Tám rất vui vì mình được chọn đúng cái nghề mà mình đã đam mê gắn bó. Vì vậy mà chị luôn luôn nỗ lực và cố gắng hết mình. Chị tranh thủ thời gian rảnh đến gặp gỡ các anh chị đồng nghiệp có kinh nghiệm trong nghề để học hỏi, bên cạnh đó lên mạng Internet tìm hiểu các quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như khai thác mủ cao su như thế nào để đạt hiệu quả. Những lúc rảnh rỗi chị tìm tài liệu đọc để hiểu hơn về cây cao su, đồng thời theo các anh chị có kinh nghiệm xem thực hành trên cây cao su.
Với sự đam mê nghề nên chỉ trong thời gian ngắn chị đã quen với công việc hàng ngày. Với nhiệm vụ được giao là chăm sóc và khai thác mủ cao su, chị nhận thấy việc rèn luyện để nâng cao tay nghề là yếu tố quyết định đến việc khai thác vườn cây đúng kỹ thuật, duy trì ổn định hết chu kỳ khai thác và sản lượng mủ đạt chất lượng cao. Nhờ vậy mà liên tục nhiều năm liền chị luôn hoàn thành vượt mức sản lượng được giao. Trao đổi với chúng tôi, ông A Thảo – Tổ trưởng Tổ 9, NT Ya Chim cho biết: “Là công nhân nữ nhưng chị Tám đã có nhiều sự nỗ lực và quyết tâm, cộng với lòng yêu nghề nên năm nào chị cũng dẫn đầu cả tổ về sản lượng, chất lượng vườn cây luôn đạt tốt, tay nghề luôn ổn định, không chỉ luyện tay nghề cho bản thân, chị còn giúp các công nhân trong tổ luyện tay nghề, nhất là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh sản xuất giỏi, Tám còn là một điển hình trong phát triển kinh tế gia đình”.
Nhiều sáng kiến trong sản xuất
Bên cạnh hoàn thành xuất sắc công việc của bản thân, Chị Tám còn mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo NT triển khai đồng loạt các giải pháp trong sản xuất để nâng cao vườn cây khai thác nhằm nâng cao năng suất vườn cây của mình, như: cải tiến mái che mặt cạo, tấm che chén trên vườn cây khai thác để hạn chế tối đa hiện tượng nước mưa chảy vào chén hứng mủ vào mùa mưa, bón phân theo chuẩn nghiệm dinh dưỡng, xen kẽ vô cơ và hữu cơ; đào hố giữ màu đa năng để tạo độ mùn cần thiết cho cây hấp thu dinh dưỡng; phát hiện bệnh trên vườn cây và có phương án phòng trị hiệu quả, làm tốt công tác khai thác, vệ sinh, bôi phòng mặt cạo, tận thu sản phẩm, thường xuyên rèn luyện tay nghề nâng cao hệ số kỹ thuật khai thác… vì vậy năng suất và sản lượng vườn cây tăng lên rõ rệt. Bản thân chị cũng đã có 2 sáng kiến kinh nghiệm trong việc nâng cao năng suất vườn cây tận thu và các giải pháp trong công tác quản lý để giữ vững là thành viên CLB 2 tấn.
Không chỉ là công nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, Tám còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ thời gian nghỉ cạo chị về nhà chăm sóc vườn cao su và vườn cà phê. Nhờ vậy mà mỗi năm từ kinh tế phụ chị đã tạo thêm thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng.
Giàu nhiệt huyết cống hiến, trưởng thành qua sự rèn luyện, học tập, nỗ lực không ngừng của bản thân, từ những nền tảng Nguyễn Thị Tám đã xây dựng, tích lũy được hôm nay, tin tưởng rằng chị sẽ có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển chung của ngành cao su.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Nhà truyền thống công nhân cao su: Nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử ngành cao su
- Ông Phạm Bá Phong: Một trong những cán bộ khung góp phần xây dựng công ty cao su Chư Sê
- Đón nhận công việc bằng niềm say mê
- Tự hào truyền thống, vững bước vươn xa
- Nhận thưởng hàng chục triệu đồng nhờ vượt sản lượng cao nhất
- “Bông hồng” miền biên viễn
- Đảng viên trẻ Rơ Lan H’Anh: Gương sáng tận hiến, xứng danh “Công nhân trẻ tiêu biểu”, “Người thợ trẻ...
- Anh – người thủ lĩnh công nhân cao su
- Tự tin phát huy tay nghề
- "Càng khó khăn, càng phải đoàn kết"