Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

Duy trì lợi nhuận, duy trì phản kháng

CSVN – Dưới những cuộc nổi dậy của công nhân cao su để đòi quyền lợi, tư bản Pháp và các đồn điền đã có những thay đổi về chế độ chính sách cho công nhân. Tuy nhiên, những thay đổi này không đáng kể bởi các đồn điền vận hành vì lợi nhuận của chính bản thân nó.

Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp.
Chủ đồn điền có rất ít hành động nhằm cải thiện điều kiện lao động

Một số điền chủ hiểu được sự cần thiết của việc buộc phải thích nghi với nền chính trị thuộc địa đang thay đổi. Trả lời về những vụ đánh đập công nhân của những quản lý người Pháp, Thống đốc Nam Kỳ đã viết về “đầu óc phong kiến đáng tiếc” của các điền chủ. Ông cũng chỉ ra rằng những dự án hỗ trợ cải thiện điều kiện ở các đồn điền phần lớn vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch, như được mô tả bởi ảnh chụp những ngôi làng trong thực tế của công ty Đồn điền Cao su Đất Đỏ. Trong khi những ngôi nhà trong các bức ảnh thực sự tách biệt thì những con đường đất đã biến thành bùn lầy trong cơn mưa, còn vật liệu xây dựng chỉ toàn gỗ và rơm rạ.

Trong thực tế, các chủ đồn điền vẫn có rất ít hành động nhằm cải thiện điều kiện lao động. Những kết quả điều tra của Ủy ban Guernut đã cho thấy thất bại của đế quốc Pháp trong việc đối phó với những cuộc đình công thường xuyên của công nhân đồn điền và tình trạng bất ổn chung trong dân chúng ở Đông Dương. Trước chuyến thăm của Godart, giới trí thức người Việt đã đề xuất một loạt cải cách. Nhưng cuối cùng, chuyến thăm của ông đã tạo ra nhiều hy vọng hơn là sự thực thi, và đã gây ra nhiều nỗi thất vọng. Thất bại của Chính phủ Pháp trong việc tiến hành những cải cách thực sự có ý nghĩa chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà hoạt động chính trị chống lại chế độ thực dân và giúp dẫn đường cho chủ nghĩa dân tộc cách mạng nắm lấy thời cơ.

Công nhân tiếp tục thúc giục thay đổi điều kiện làm việc ở các đồn điền. Một ví dụ là sự thành lập và hoạt động của Hiệp hội Tương trợ Nông nghiệp Nam Kỳ. Được sự chấp thuận của chính quyền, hiệp hội này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 18 tháng 5 năm 1935 tại Trường Nông nghiệp Thực hành ở Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Mục tiêu của hiệp hội là giúp đỡ người lao động bị mất việc làm và hỗ trợ gia đình của những thành viên bị túng thiếu. Lệ phí của hiệp hội ban đầu là 3 đồng Đông Dương, về sau là 50 xu mỗi tháng. Hơn một thập niên đấu tranh của công nhân đã đặt ba đồn điền của công ty Michelin, đặc biệt là đồn điền ở Dầu Tiếng và Phú Riềng, nằm trong số những mục tiêu của cải cách. Tình trạng náo động trong công nhân khiến thanh tra lao động đệ trình một báo cáo dài 85 trang lên Toàn quyền Đông Dương vào ngày 19/6/1937 về cuộc sống của người lao động ở đồn điền Dầu Tiếng.

Chủ Tây sử dụng lao động nữ người dân tộc.
Giới trí thức ủng hộ cải thiện điều kiện làm việc ở các đồn điền

Giới trí thức người Việt, bao gồm các bác sĩ và nhà báo, cũng ủng hộ việc cải thiện những điều kiện ở đồn điền bằng cách thúc giục sự cải cách rộng rãi về y tế ở nông thôn. Nhiều hội đoàn chống lại các bệnh cụ thể như bệnh lao đã được thành lập. Hội đoàn Ánh sáng đã có những nỗ lực để xây dựng nhà ở sạch sẽ cho người nghèo, trong khi Hội Lạc Thiện và Hợp Thiện được thành lập để cung cấp sự trợ giúp công cộng lần lượt ở Huế và Bắc Kỳ. Báo chí từ lâu đã là một lực lượng thúc đẩy sự thay đổi. Vũ Đình Dy – người điều hành tờ LEffort indochinois liên tục đăng những bài viết về các cuộc điều tra tình hình ở vùng nông thôn, công luận quan tâm nhiều hơn đến tình hình ở đồn điền thông qua loạt bài của ông vào cuối những năm 1920 viết về các đồn điền ở Nam Kỳ và Campuchia.

Tờ LEffort indochinois đã đăng nhiều bài viết về cảnh ngộ của những người nông dân. Loạt bài này xuất hiện vào tháng 11/1937, đã đặt ra câu hỏi về những ưu tiên mang tính chính trị của chính quyền khi phê duyệt khoản vay 90 triệu đồng Đông Dương cho các đồn điền trong khi lại phân bổ rất ít cho hoạt động cứu trợ thảm họa. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, những cuộc tấn công trực diện của báo chí vào các điều kiện ở đồn điền vẫn gặp phải rủi ro. Ngày 13/12/1938, Nguyễn Văn Mai, quản lý của tờ Dân Mới, đã bị Tòa đại hình Sài Gòn tuyên án ba tháng tù, buộc đóng phạt 1.000 franc và bồi thường thiệt hại 100 đồng Đông Dương cho công ty Đồn điền Cao su Đông Dương vì đăng tải một bài viết tiêu cực về công ty này. Năm 1939, vào thời kỳ cuối của Mặt trận Bình dân, chế độ kiểm duyệt gắt gao mới được thiết lập đã khiến cho việc thảo luận cởi mở về sự cải cách liên đến công nhân gặp nhiều khó khăn hơn. Không lâu sau đó, những hình thức quyết liệt hơn của sự bất đồng quan điểm đã xuất hiện. Từ 1936 đến 1939, Nguyễn Văn Bát đã thành lập Hội phụ nữ tại Suối Tre, Biên Hòa. Ông đã dùng câu tục ngữ “bà con xa không bằng láng giềng gần” để thuyết phục công nhân thành lập và gia nhập hội. Tổ chức này dựa trên mối quan hệ vùng miền và cố gắng làm thấm nhuần tình yêu quê hương trong các hội viên. Ông cũng thảo luận về chủ nghĩa cộng sản và thế giới đại đồng với cha và những người anh của Lê Sắc Nghi – người sau này sẽ trở thành một đảng viên cộng sản. Theo ông Nghi, sau khi hiệp hội của những người đồng hương này được thành lập, những khác biệt về tôn giáo, kinh tế và xã hội không còn tiếp tục chia rẽ những người lao động.

Vô số những cuộc biểu tình của công nhân đã gây áp lực lên giới chủ trong việc cải thiện các điều kiện ở đồn điền và trở thành một lực lượng cho công cuộc cải cách. Hầu hết các cuộc biểu tình tập trung vào yêu cầu đòi được trả lương cao hơn mức lương hiện tại – vốn đã bị giảm xuống mức tối thiểu trong cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1930. Nhưng các chủ đồn điền thường đáp lại những hành động của công nhân, theo lối khoa trương, bằng việc nhấn mạnh các dự án cho nhà thờ, trường học, sân bóng và bệnh viện.

…Trong trường hợp của Đông Dương thuộc Pháp, các đồn điền – cũng giống như những vườn thực vật, trạm thực nghiệm nông nghiệp, bệnh viện, các trại dành cho người mắc bệnh phong và các phòng thí nghiệm – được thiết kế để vận hành dựa trên cả môi trường và con người. Những không gian này cung cấp kiến thức về thực vật, về những nguyên nhân gây bệnh trong khung cảnh lao động, và là minh chứng về những gì có thể được thực hiện với tự nhiên dựa trên cơ sở khoa học. Nói cách khác, các đồn điền vận hành dựa trên môi trường và chính bản thân nó, vì lợi nhuận.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)(Xem tiếp kỳ sau)