Sản xuất mủ Mix, hướng đi chiến lược của Cao su Kon Tum

CSVN – Trong tình hình tiêu thụ các sản phẩm truyền thống gặp nhiều khó khăn, để đáp ứng nhu cầu của thị trường mới, Cao su Kon Tum đã nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất, chế biến chủng loại Mix. Đây là hướng đi mang tính chiến lược, đón đầu xu hướng.

Công nhân chế biến mủ SVR 10 Mix
Những “bước đi” đầu tiên

Qua thời gian khảo sát, Ban Thị trường kinh doanh, Ban Công nghiệp VRG đã chỉ ra khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng gần đây liên tục đề nghị VRG cung cấp sản phẩm cao su hỗn hợp (SVR 10 Mix, SVR 3L Mix) với số lượng lớn. Trước nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và nhiều thị trường mới, VRG đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành chuyển hướng sang sản xuất, chế biến các sản phẩm cao su hỗn hợp như SVR 10 Mix và SVR 3L Mix để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ công ty cho biết: “Để đa dạng hóa các dòng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như các thị trường mới, cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo VRG, sự hỗ trợ của các ban chuyên môn VRG, công ty đã tiến hành chế biến, sản xuất dòng sản phẩm mới. Dù vậy, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên để công ty tiến tới sản xuất số lượng lớn”.

Năm 2023, sau khi được VRG giao kế hoạch sản xuất sản phẩm SVR 3L Mix và SVR 10 Mix, công ty đã tiến hành sản xuất cùng lúc 2 dòng sản phẩm mới này với số lượng 900 tấn SVR 3L Mix và 913 tấn SVR 10 Mix và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, mặc dù vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Tuy nhiên, theo ông Mân: “Do mới tiếp cận sản xuất, chưa có kinh nghiệm nên chi phí sản xuất chưa ổn định, giá thành vẫn còn cao gây khó khăn trong công tác sản xuất. Đồng thời, do hoàn toàn mới với thị trường của dòng sản phẩm này nên sản lượng còn hạn chế; công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa lan tỏa nhiều”.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng đối với dòng sản phẩm mới, và những vấn đề rút ra sau một năm triển khai sản xuất, chế biến cao su hỗn hợp, theo ông Mân: “Ban lãnh đạo công ty liên tục đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng từ vườn cây đến công tác chế biến và lắng nghe ý kiến khách hàng. Bên cạnh đó, công ty luôn bám sát chỉ đạo của VRG về việc phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay”.

Để làm tốt việc này, Cao su Kon Tum đã áp dụng triệt để tiêu chuẩn cơ sở TCCS 111:2023 về quy định quản lý thu gom, bảo quản, vận chuyển và nghiệm thu nguyên liệu mủ; thực hiện nghiêm chất lượng nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo ngay từ vườn cây.

Năm 2024 công ty được VRG giao sản xuất 1.500 tấn SVR 3L Mix trong tổng sản lượng kế hoạch giao 9.500 tấn. Trên cơ sở dây chuyền chế biến hiện hữu, công ty dự kiến đầu tư thêm một số các thiết bị như máy cắt, máy băm, băng tải trục vít để phục vụ công tác sản xuất mủ SVR 3L Mix và SVR 10 Mix tại Nhà máy chế biến mủ cao su Ngọc Hồi và thực hiện theo tiêu chuẩn TCCS 117, TCCS 119 – Quy trình công nghệ chế biến cao su hỗn hợp từ cao su thiên nhiên SVR 10, SVR 3L và cao su tổng hợp SBR 1502 mà VRG đã ban hành.

Ngoài ra, ông Mân cũng cho biết: “Công ty đang tích cực và nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá thương hiệu, giúp khách hàng có thể nhanh chóng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo quản lý minh bạch, cập nhật nhanh, có tính kết nối. Giới thiệu, tuyên truyền với các bạn hàng về sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG, có sự khác biệt và vượt trội về chất lượng, nhất là sản phẩm cao su SVR 10 Mix và SVR 3L Mix của công ty”.

VĂN VĨNH