Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)

(Tiếp theo kỳ trước)

TRÁCH NHIỆM BỊ LÀM CHỆCH HƯỚNG

CSVN – Vào những năm 1930, một số đồn điền cho phu công tra có không gian để tự trồng rau, giúp đồn điền tiết giảm chi phí. Không phải tất cả nhân công đều là phu cạo mủ đến từ miền Bắc và một số ít, nhưng giữ vai trò quan trọng, là những lao động lành nghề. Các đồn điền sẽ cung cấp cho họ những cơ hội việc làm khác, có một số ít người Việt làm lái xe, thợ kim khí, đốc công, thợ mộc, thư ký, y tá và thợ máy. Có khoảng 200 lao động “chuyên môn hóa” là người Việt và Trung Quốc ở đồn điền của Hiệp hội Nông nghiệp và Công nghiệp Cẩm Tiên có thể kiếm được 3 đồng Đông Dương mỗi ngày.

Sự trỗi dậy của Chính phủ Mặt trận Bình dân ở Pháp năm 1936 đã mang lại những động lực cho công cuộc cải cách lao động ở các thuộc địa.
Điền chủ né tránh thực hiện chính sách lao động

Những vụ bê bối mà báo chí nêu lên về những điều kiện khốn khổ ở một số đồn điền đã thúc đẩy chính quyền thông qua một cuộc cải cách sâu rộng các quy định về lao động vào tháng 10/1927 và điều này có ích hơn cho sức khỏe của người lao động”. Tuy nhiên, các đồn điền lại né tránh cải cách đầy ý nghĩa đó, khiến những người chỉ trích buộc tội chính quyền đã thực hiện kiểm soát không hiệu quả đối với tư bản xuyên quốc gia. Trần Tử Bình nhớ lại trong hồi ức, “điền chủ không e sợ các thanh tra lao động. Chính quyền là chính quyền của họ, và mọi thứ vẫn tốt đẹp miễn là họ giữ các vấn đề trong im lặng”.

Mặc dù vậy, một số thanh tra lao động thừa nhận rằng chỉ có ít đồn điền đã thay đổi, và họ đổ trách nhiệm cho các điền chủ.

Trong chuyến đi thu hút nhiều sự chú ý của Bùi Bằng Đoàn về phía Nam vào năm 1928, ông dừng chân tại đồn điền Phú Riềng của công ty Michelin, nơi một trợ lý người Pháp đã bị giết vào tháng 9 năm trước. Đoàn đã đưa ra những câu hỏi hóc búa và ghi chép lại những lời chỉ trích của công nhân; tuy nhiên, chuyến đi của ông không dẫn tới những thay đổi tức thì. Mặc dù Bình có thể không hiểu hết mối quan hệ giữa thanh tra của chính quyền và các đồn điền, nhưng ông đã nhận định chính xác rằng chẳng có gì xảy ra trong những chuyến thanh tra”.

Những doanh nghiệp lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Những quy định ban hành năm 1918 có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt liên quan đến nhà ở, nhưng các điền chủ cho rằng chúng không phù hợp với thực tế. Tháng 2/1927, nhà tài phiệt Octave Homberg cho rằng các quy định liên quan đến những công trình xây dựng ở đồn điền là đáng ngưỡng mộ về mặt lý thuyết, song việc áp dụng một cách nghiêm ngặt trong thực tế lại đưa đến những kết quả trái ngược với mong đợi. Quy định yêu cầu nhà ở phải được xây bằng xi măng để tránh các loài bò sát và động vật hoang dã nhưng thực tế thì chỉ làm nhà rơm, nhà đất để thể đốt đi sau 2 đến 3 năm sử dụng – như cách những “người Mọi” trong vùng đã làm. Ông nói rằng những “cu li” thường thích những chiếc giường bằng tre hơn là những tấm ván gỗ”.

Ủy ban Đông Dương đã chỉ trích gay gắt rằng những quy định về lao động năm 1927 là quá khắc nghiệt đối với người sử dụng lao động. Cơ quan này ủng hộ các chủ đồn điền và đã chỉ trích những quy định về lao động ban hành năm 1927 trên quy mô lớn như một cuộc tấn công vào những văn bản của chính quyền về bảo vệ sức khỏe. Ủy ban đã trích dẫn con số 300 bác sĩ/20 triệu dân ở Đông Dương so với 20.000 bác sĩ cho 40 triệu dân ở Pháp, và chỉ ra tình trạng thiếu bệnh viện ở các tỉnh. Thêm nữa, ủy ban này còn buộc tội chính quyền đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng chết đói ở Đồng bằng Sông Hồng – điều đó có nghĩa là người Việt Nam bị thiếu dinh dưỡng và có sức khỏe yếu từ trước khi họ đến đồn điền.

Sự trỗi dậy của Chính phủ Mặt trận Bình dân ở Pháp năm 1936 đã mang lại những động lực cho công cuộc cải cách lao động ở các thuộc địa. Những quy định được ban hành năm 1927 bảo vệ những công nhân có ký kết hợp đồng lao động, vì vậy những cải cách trong thập niên 1930 tập trung vào lao động “tự do” – là những người chưa có bất kỳ hình thức bảo vệ nào. Những điều chỉnh ban đầu giải quyết vấn đề điều kiện làm việc cho phụ nữ và trẻ em, số giờ làm việc trong ngày, điều kiện vệ sinh cho công nhân và vai trò của thanh tra lao động.

Vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp, một vài trong số đó được giải quyết bởi những quy định về lao động được thông qua vào ngày 30/12/1936. Theo đánh giá của thanh tra lao động vào thời điểm đó, những quy định này đã xây dựng nền tảng của “một hiến chương lao động thực sự rõ ràng và đầy đủ”. Ông ghi nhận rằng một số “người cực đoan” chỉ trích những quy định này vì không đi đến cùng trong việc bảo vệ các quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng những quy định đó đã tạo ra những thay đổi thực sự trong khi “không dẫn tới những sự phá vỡ quá đột ngột cấu trúc kinh tế và xã hội của vùng đất này”.

Trước khi nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa và là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Justin Godart đến Đông Dương vào mùa xuân năm 1937, các giải pháp về chuyên môn có giới hạn lúc ban đầu liên quan đến sức khỏe của người lao động đã biến thành những ảo tưởng phát triển toàn diện hơn. Godart được Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp cử đến để thanh tra tình hình ở các thuộc địa của Pháp như một sự hồi đáp trước những cuộc đình công liên tiếp và tình trạng bất ổn trong dân chúng ở thuộc địa. Trong chuyến đi của ông có hai ngày tới khu vực trồng cao su của Đông Dương và đến những đồn điền thuộc sở hữu của người Pháp và người Việt.

Trong chuyến thăm ngắn ngủi của mình, Godart đã nhận thấy cái mà ông gọi là sự tàn bạo và ngu ngốc của xã hội thuộc địa Pháp. Ông có sự sáng suốt của một người ngoài cuộc có hiểu biết, ở vị trí thuận lợi và thường có tinh thần phản biện khi nhìn nhận tình hình ở thuộc địa. Trong báo cáo của mình, ông nhấn mạnh những thay đổi có lợi mà sản xuất cao su đã mang lại cho khu vực. Ông viết về “sự quản lý xuất sắc… và công việc khai phá quan trọng” đã được thực hiện ở các đồn điền mà ông ghé thăm, trong đó có đồn điền của công ty Michelin. Tuy nhiên, ông cũng cảm nhận được “vẻ buồn thảm của những người sống trong các ngôi nhà của công ty”, và so sánh các đồn điền với “một khu rừng không có chim chóc”. Hình ảnh về một khu rừng không có chim chóc đã truyền tải cảm giác kỳ lạ của Godart khi ông đi bộ quanh “bản sao chép khung cảnh thiên nhiên” được tìm thấy nơi bối cảnh làm việc của các đồn điền. Và mặc dù thừa nhận những nỗ lực của người quản lý đồn điền nhằm cải thiện sức khỏe của người lao động, ông cũng ghi nhận sự nghèo nàn về mặt sinh thái và xã hội của khung cảnh ở các đồn điền.

HÀ KHUÊ

(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)

(Xem tiếp kỳ sau)