CSVN – Cao su Việt Nam đã có buổi trao đổi với TS. Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sau chuyến công tác của ông tại Hội nghị Đại hội đồng Hệ thống quản lý Chứng chỉ rừng bền vững PEFC ngày 15/5 vừa qua tại Paris, Pháp. PEFC đã điều chỉnh bộ tiêu chuẩn PEFC FM cho phù hợp với yêu cầu của EUDR và đã được thông qua trong hội nghị này.
– Xin ông chia sẻ các yêu cầu của Quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu mà các công ty thành viên VRG phải thực hiện để thích ứng với EUDR?
TS. Trần Lâm Đồng: Ngày 31/5/2023, Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành Quy định EU số 2023/1115 xây dựng dựa trên mở rộng phạm vi của Quy định gỗ hợp pháp (EUTR 995/2010) quy định về quản lý việc xuất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu, gọi tắt là EUDR. Quy định bao gồm 9 Chương, 39 Điều với các nội dung quy định 7 ngành hàng, bao gồm: thịt gia súc, ca cao, cà phê, cọ dầu, cao su, đậu tương và sản phẩm từ gỗ, được thương mại tại EU sẽ bị kiểm soát nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi sản xuất
và cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng. Quy định có hiệu lực từ 29/6/2023, bắt đầu áp dụng từ 01/01/2025 đối với các bên cung ứng và từ 30/6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ thành lập từ 31/12/2020. Đối với Việt Nam, 3 ngành hàng là cà phê, cao su và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ chịu tác động đáng kể từ quy định của EUDR.
Quy định đối với các hàng hóa trên để được thương mại tại EU phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Điều 3 trong EUDR, cụ thể là: Hàng hóa, sản phẩm liên quan đưa ra thị trường, xuất khẩu phải đảm bảo không gây mất rừng; được sản xuất phù hợp với pháp luật có liên quan của quốc gia sản xuất; và có báo cáo trách nhiệm giải trình.
Đối với yêu cầu đảm bảo không gây mất rừng, hàng hóa phải được chứng minh không gây mất và suy thoái rừng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng kể từ sau ngày 31/12/2020. Mất rừng được EUDR định nghĩa là “phá rừng” để chuyển đổi sang sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp và “suy thoái rừng” là chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng trồng hoặc đất rừng khác. Để chứng minh, chủ hàng hóa phải cung cấp tọa độ địa lý dạng điểm với diện tích sản xuất dưới 4 ha hoặc ranh giới địa lý vùng sản xuất đối với diện tích trên 4 ha và tọa độ, ranh giới địa lý các hạ tầng phục vụ sản xuất (kho bãi, nhà xưởng,…) ở thời điểm trước ngày 31/12/2020. Các dữ liệu đảm bảo minh bạch, tin cậy và có thể truy xuất được.
Đối với yêu cầu hàng hóa được sản xuất phù hợp với pháp luật có liên quan của quốc gia sản xuất, EUDR quy định phải cung cấp dữ liệu minh chứng về quyền sử dụng đất; bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định liên quan đến rừng, bao gồm quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đối với các khu vực có khai thác gỗ; quyền của các bên thứ ba; các quyền về lao động; các quyền con người được bảo vệ theo pháp luật quốc tế; sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC) của người địa phương; tuân thủ các quy định về thuế, chống tham nhũng, thương mại và hải quan.
Đối với yêu cầu có báo cáo trách nhiệm giải trình, hàng hóa phải được đánh giá thông qua hệ thống trách nhiệm giải trình (gọi tắt là DDS) bao gồm thu thập toàn bộ thông tin theo các yêu cầu của EUDR, đánh giá rủi ro và có giải pháp giảm thiểu rủi ro. Việc đánh giá rủi ro có thể bao gồm rủi ro ở tầm quốc gia do EUDR đánh giá với 3 cấp độ rủi ro cao, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro thấp. Các quốc gia rủi ro cao là các quốc gia quản trị rừng yếu và có tốc độ gây mất rừng và suy thoái rừng cao. Các quốc gia này sẽ chịu tỷ lệ kiểm tra nhà nhập khẩu tối thiểu 9% và tỷ lệ kiểm tra hàng hóa tối thiểu 9%. Các quốc gia có mức độ rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro thấp sẽ chịu tỷ lệ kiểm tra nhà nhập khẩu tối thiểu lần lượt là 3% và 1%, và không phải kiểm tra hàng hóa.
Như vậy, nhìn chung để đáp ứng được các quy định của EUDR, đối với nhà sản xuất và cung ứng cần đảm bảo toàn bộ quá trình sản xuất và cung ứng tuân thủ theo quy định của EUDR và phải xây dựng được hệ thống DDS đảm bảo cung cấp báo cáo giải trình với đầy đủ các thông tin của hàng hóa được sản xuất theo quy định của EUDR. Đối với quốc gia, cần cung cấp dữ liệu ở tầm quốc gia đảm bảo minh chứng được mức độ rủi ro tiêu chuẩn hoặc rủi ro thấp để giảm thiểu các mức độ kiểm tra của EU đối với hàng hóa của quốc gia đó khi xuất khẩu vào EU.
– Theo ông, thuận lợi và khó khăn của VRG trong thích ứng với EUDR cụ thể như thế nào?
TS. Trần Lâm Đồng: VRG là tập đoàn sản xuất các sản phẩm mủ và gỗ cao su có phạm vi lớn, cả ở Việt Nam, Campuchia và Lào, các sản phẩm có quy mô thương mại toàn cầu. Do đó, các quy định EUDR có tác động rất lớn tới toàn bộ quá trình sản xuất và thương mại các sản phẩm của VRG. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và cá nhân tôi có may mắn được chứng kiến cũng như tham gia vào Chương trình phát triển bền vững của VRG thông qua các hoạt động tư vấn về quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng cho các công ty thành viên của VRG ở cả Việt Nam, Campuchia và Lào nên tôi có thể thấy một số thuận lợi và khó khăn của VRG trong thích ứng với EUDR. Về thuận lợi, kể từ khi triển khai chương trình phát triển bền vững năm 2019, VRG đã triển khai mạnh mẽ về thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng PEFC/ VFCS FM, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC, bao gồm cả xây dựng hệ thống DDS theo yêu cầu kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu của PEFC CoC. Thông qua đó, VRG cũng như các công ty thành viên có một số thuận lợi khi thực hiện EUDR như sau:
- Có nhận thức, năng lực, kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật liên quan đến EUDR như thu thập và lưu trữ các thông tin, dữ liệu và bản đồ theo yêu cầu của EUDR; xây dựng và vận hành hệ thống DDS.
- Các công ty thực hiện chứng chỉ rừng PEFC/ VFCS FM và CoC đã có hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến EUDR khá đầy đủ, nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu của EUDR như bản đồ kỹ thuật số vùng trồng, các dữ liệu minh chứng sản xuất phù hợp với yêu cầu pháp luật có liên quan và có báo cáo trách nhiệm giải trình hàng năm.
- Các công ty có chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC, trong đó đã xây dựng và vận hành hệ thống PEFC CoC DDS. Do đó, khi thực hiện EUDR chỉ cần bổ sung thêm các yêu cầu của EUDR vào trong hệ thống DDS đang vận hành là có thể đáp ứng được yêu cầu của EUDR. Hiện tại, PEFC đã xây dựng bộ tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS, vừa kết thúc tham vấn rộng rãi ngày 07/5/2024 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành sớm. Khi đó các công ty có PEFC CoC có thể đăng ký thêm chứng nhận PEFC EUDR.
Về khó khăn, thách thức có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:
- Đối với các công ty trực thuộc VRG chưa thực hiện chứng chỉ rừng PEFC/VFCS FM và CoC chưa có kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến yêu cầu của EUDR như bản đồ vùng trồng, các thông tin và dữ liệu minh chứng tuân thủ pháp luật về quản lý rừng, xây dựng và vận hành và hệ thống DDS…
- Chuỗi cung nguyên liệu từ cao su tiểu điền và thương lái, bao gồm ở cả Campuchia và Lào, chiếm tỷ lệ khá cao trong toàn bộ chuỗi sản xuất của các công ty trực thuộc VRG. EUDR yêu cầu toàn bộ nguyên liệu phải được cung cấp đầy đủ thông tin, đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Hiện tại, trong chuỗi sản xuất của các công ty có chứng chỉ PEFC CoC đang tách phần sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu thu mua từ cao su tiểu điền ra ngoài phạm vi chứng nhận PEFC CoC. Tuy nhiên, nếu áp dụng tương tự cách làm này cho EUDR sẽ không chứng minh được việc giảm thiểu rủi ro trong toàn bộ chuỗi sản xuất, cũng như VRG sẽ chịu điều tiếng không hỗ trợ cho cao su tiểu điền. Do đó, cần phải mở rộng đánh giá và giảm thiểu rủi ro cho cả các nguồn nguyên liệu mua từ cao su từ cao su tiểu điền và các nguồn khác.
– VRG và các công ty thành viên cần có các giải pháp gì thích ứng với EUDR, thưa ông?
TS. Trần Lâm Đồng: Để chuẩn bị và thực hiện sản xuất mủ và gỗ cao su đáp ứng yêu cầu của EUDR, VRG cân nhắc thực hiện một số nội dung và giải pháp sau:
- Đối với các công ty đã có chứng chỉ PEFC/VFCS FM và CoC cần tiếp tục duy trì thực hiện và bổ sung thêm EUDR DDS khi PEFC ban hành tiêu chuẩn yêu cầu thực hiện PEFC EUDR DDS để cấp chứng chỉ PEFC EUDR như đã nói trên. Hơn nữa, PEFC cũng vừa điều chỉnh bộ tiêu chuẩn PEFC FM cho phù hợp với yêu cầu của EUDR và đã được thông qua trong Hội nghị Đại hội đồng PEFC ngày 15/5/2024 vừa qua tại Paris, Pháp. Sau khi thông qua, các hệ thống quốc gia thành viên, bao gồm cả VFCS của Việt Nam, sẽ điều chỉnh bộ tiêu chuẩn của mình và trình PEFC phê chuẩn. Như vậy, sau này các sản phẩm có chứng nhận PEFC/VFCS FM và CoC sẽ được EUDR công nhận.
- Đối với các công ty trực thuộc VRG ở Việt Nam chưa thực hiện chứng chỉ rừng và chuỗi hành trình sản phẩm CoC cần nhanh chóng triển khai thực hiện để vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện QLRBV và EUDR.
- Đối với các công ty trực thuộc VRG tại Campuchia và Lào có thể thực hiện ngay chứng chỉ PEFC CoC, trong đó xây dựng hệ thống DDS cho cả PEFC CoC và PEFC EUDR, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu theo yêu cầu của EUDR. Hiện tại, các quốc gia này đang xây dựng hệ thống chứng chỉ quốc gia, có thể sẽ vận hành trong một vài năm tới. Do đó, các công ty thực hiện trước chứng chỉ PEFC CoC và EUDR sẽ được nâng cao năng lực, có thể sẵn sàng được cấp chứng chỉ PEFC FM theo các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia khi được vận hành.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Đoàn Thanh niên VRG đã có nhiều dấu ấn tốt đẹp trong năm 2020
- “Các tác phẩm dự thi góp phần lan tỏa hình ảnh, thông điệp đẹp về ngành cao su”
- Cao su Tân Biên khen thưởng công nhân vượt kế hoạch sản lượng
- Lãnh đạo VRG dâng hương tượng đài Phú Riềng Đỏ nhân ngày Thương binh Liệt sỹ
- Hết hạn nhận ảnh dự thi
- 4 công ty cao su và Bộ Chỉ huy Quân sự Gia Lai: Thực hiện tốt 5 nội dung phối hợp
- Cây cao su về bản
- VRG có 18 công ty trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2023
- Trung tâm Y tế ngành cao su: Nỗ lực đóng góp vào thắng lợi của VRG
- Cần chủ động phương án xấu nhất để ứng phó dịch Covid-19