Anh Đức Trung kính mến!
Hai vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng, thuộc một công ty trong ngành cao su. Nhà chồng ở huyện rất xa. Nhà ba má tôi ở ngay thị xã, rộng, chỉ có ba má và 2 người em tôi ở. Cưới nhau xong chúng tôi thuê nhà ở riêng.
Tôi 27, chồng 32 tuổi, có con trai 3 tuổi, lương chồng 12 triệu, tôi 10 triệu đồng. Chúng tôi đang thuê căn nhà cấp bốn, năm triệu đồng mỗi tháng, ở ngay thị xã, nơi công ty đứng chân. Tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền học và nuôi con, mỗi tháng tiết kiệm lắm thì cũng chỉ dư được hai hoặc ba triệu. Thời gian qua, nhà nhỏ, nắng nóng con bệnh liên tục, ba tôi đến thăm và nói đưa chồng con về nhà ba ở.
Tôi mừng lắm, về sống với ba má sẽ đỡ mất tiền thuê nhà, con cái được ở mát mẻ nhưng chồng không muốn về. Anh có tư tưởng đi ở rể, sống nhờ nhà vợ, làm đàn ông làm chồng kém cỏi nọ kia. Tôi thuyết phục mãi, cuối cùng anh cũng về nhưng không được vui. Ba má tôi vẫn còn làm việc, sống đơn giản, thương con cháu.
Tuy về ở với ba má, biết tính chồng, tôi nấu ăn riêng để tránh chồng chung đụng nhiều. Mọi sinh hoạt đều riêng rẽ, cả nhà buổi tối mới gặp mặt đông đủ. Mỗi tháng tôi đưa má 5 triệu đồng tiền điện, nước, gas, mắm muối, bột giặt… Cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái hẳn. Tôi khoe với chồng từ khi về ở nhà ba má, mỗi tháng dư hơn 10 triệu đồng. Anh bĩu môi nói “độc lập, tự do mới hạnh phúc”. Tính anh hiền, chịu khó, làm lương đưa cho vợ, thương con nhưng hay tự ái, giận lẫy và bất cần. Tôi biết tính chồng nên cố gắng dung hòa nhà mình với anh.
Nhà có cả thảy 6 chiếc xe máy, buổi tối về để ngoài sân. Ba tôi tính cẩn thận, về là ông để ngay ngắn, gọn gàng cho người sau còn để, còn chồng tôi về hay để ngang dọc, chắn lối xe sau, ba hay xếp gọn lại. Nhiều lần ba làm nên tối đó gọi anh nói việc để xe. Ba nói nhẹ nhàng “Nhà nhỏ, mình biết cách sắp xếp cũng thành rộng nha con”. Chồng tôi ngồi ngay cầu thang nói xuống “Đời con cần hai mét là đủ rồi ba, cần gì rộng, đi cả ngày tối về nằm hai mét là đủ, tham chi to”.Ba biết anh đang tự ái khi bị nhắc nên trả lời “Muốn có hai mét cũng phải có đất rồi xây lên, phải có chỗ tắm rửa đi vệ sinh chứ, mà để có nó, có người làm cả đời không có đó con”. Ba nói vậy, chồng tôi nghĩ đang chê anh bất tài, từ đó anh tránh mặt ba dù vẫn ở chung. Rồi thì anh luôn tìm cớ khục khặc, cáu bẳn với tôi và đòi đi thuê nhà đưa vợ con ra ở riêng. Tôi nên làm gì bây giờ, thưa anh Đức Trung?
EM GÁI
Em gái thân mến!
Phải nói ngay rằng: Phụ nữ không thích đi làm dâu thì đàn ông không thích đi ở rể là bình thường. Và, em cũng có thể biết người xưa có câu nói về phận ở rể như “chó chui gầm chạn” (!?)
Xưa, rất nhiều gia đình mấy thế hệ con, cháu, chắt… đều quây quần sống chung trong một mái nhà. Nay, cái “tứ đại đồng đường” ấy dần biến mất, để các thành viên, các gia đình nhỏ được thực sự tự do, riêng tư, họ đã tìm đủ mọi cách tách ra khỏi sự chung đụng đó. Và, đó là đòi hỏi chính đáng, là lẽ tự nhiên, trong cuộc sống hiện nay.
Trường hợp của em gái: Ba, má em đã sống rất đúng nghĩa, đúng chuẩn mực và đúng trách nhiệm làm cha, mẹ, ông, bà. Đó cũng chính là niềm hạnh phúc của ba má em, của rất nhiều người, thuộc thế hệ của ba má em. Ba em đã rất nhẹ nhàng tế nhị chỉ dạy, không chỉ với riêng con rể, mà với tất cả mọi người trong nhà, từ đó, mỗi người tự cố gắng, tự điều chỉnh để hoàn thiện, để sống có trách nhiệm hơn với mọi người.
Chồng em có cái tôi quá lớn và tính tự ái quá cao, mắc bệnh sĩ trầm trọng, thiếu sự cầu tiến, thiếu tôn trọng mọi người khi sống chung trong đại gia đình. Em cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, không bênh vực ai, tôn trọng cảm xúc và mong muốn của chồng… đưa ra được giải pháp trước mắt – lâu dài, để chồng em hiểu rõ vấn đề, nhằm thay đổi thái độ, hành vi ứng xử, giao tiếp với ba má, em út trong gia đình cho chuẩn mực.
Theo anh Đức Trung, tính khí của chồng em như vậy, nên em phải khéo léo, coi chừng tan nát gia đình. Về lâu dài, tốt nhất vợ chồng em nên ở riêng, tự chịu trách nhiệm và cố gắng vì gia đình nhỏ của mình. Khó khăn nhờ ba má 2 bên phụ giúp. Nói chung em nên cân nhắc kỹ. Chúc em sáng suốt và thành công.
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Thư cảm ơn
- Hãy để con tự quyết định
- Trao 28 suất quà cho công nhân lao động khó khăn tại Cao su Ea H’Leo
- Đừng tự làm khổ mình, khổ người
- Phải dứt khoát gác lại mối tình xưa
- "Dân làng mình đã no cái bụng"
- Đề nghị bổ sung công nhân tại các doanh nghiệp vào nhóm đối tượng sớm tiêm vắc-xin
- Mối quan hệ ấy không thể tồn tại
- Khi những người bạn ngành cao su “biến” thành “thợ lò”
- Nhiệm kỳ 2017 – 2023 Công đoàn cao su Chư Prông phát triển được 1.112 đoàn viên