CSVN – Những năm gần đây, kinh tế thế giới với nhiều biến động phức tạp khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bóng thể thao của Geru Star bị thu hẹp. Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại các hoạt động sản xuất, tăng cường cải tiến kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cơ cấu lại hoạt động sản xuất
Ông Trần Văn Hạnh – TGĐ Geru Star cho biết: “Công ty đã chuyển bộ phận quấn chỉ và in logo ở bộ phận bóng dán, sáp nhập chung với bộ phận quấn chỉ, in logo bóng cao su. Sắp xếp, bố trí một số lao động từ bộ phận sản xuất bóng cao su sang sản xuất bóng dán. Tổ chức sản xuất hợp lý, tập trung nghiên cứu, sản xuất bóng lõi vải nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng in nhãn sản phẩm bóng da hàng loạt trên bàn in nhằm tăng năng suất lao động”. Chú trọng hơn nữa đến thị trường nội địa, mở rộng hệ thống bán hàng, phân phối sản phẩm, hoàn thiện việc mở kênh bán hàng thương mại điện tử trên các sàn thương mại Lazada, Shopee… Song song đó, thực hiện việc kích cầu tiêu dùng thông qua tăng chiết khấu bán hàng và tài trợ các giải thi đấu thể thao phong trào, chuyên nghiệp nhằm giúp thương hiệu, hình ảnh đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm bóng của công ty chủ yếu xuất khẩu qua các nước như: Mỹ, Nam Phi, Nhật, Ả Rập, Đài Loan, Bangladesh, Đức, Bồ Đào Nha. Hiện các thị trường này mức tiêu thụ đang có xu hướng giảm mạnh, do đó công ty đang tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cải tiến kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm mới
Theo ông Trần Văn Hạnh: “Mục tiêu của công ty là giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chúng tôi nhận thấy hàng trăm năm qua người chơi bóng đá trong nước đã sử dụng quả bóng với công nghệ khâu tay truyền thống. Trong khi để sản xuất một quả bóng này phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả sản xuất không cao. Từ thực tiễn này, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để tìm ra phương pháp sản xuất trái bóng thay thế công nghệ khâu tay”.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm bóng thể thao, đội ngũ kỹ thuật công ty đã nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để sản xuất trái bóng đá dán, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa công nghệ sản xuất bóng đúc, bóng dán và bóng khâu truyền thống. Sau nhiều năm sản xuất thực nghiệm công ty đã cho ra đời sản phẩm trái bóng đá dán theo tiêu chuẩn FIFA, với kỹ thuật sản xuất tương tự các hãng thể thao nổi tiếng thế giới (Nike, Adidas…).
“Với công nghệ này, năng suất sản lượng của NLĐ công ty đã tăng lên gấp nhiều lần so với sản xuất trái bóng khâu truyền thống. Trước kia, để làm được 1 quả bóng khâu tay, NLĐ phải mất một ngày công, nay sản xuất bóng dán họ có thể dán được 20 đến 25 quả/ngày mà giá thành chỉ bằng 30% trái bóng khâu truyền thống” – ông Hạnh chia sẻ.
Hiện sản phẩm bóng đá dán mang thương hiệu Geru sport của công ty đang được thị trường đón nhận và đánh giá cao về tiêu chuẩn, chất lượng với độ nảy, độ bền cao. Trái bóng đã và đang được lựa chọn làm bóng thi đấu chính tại các giải bóng đá chuyên và không chuyên trên cả nước.
Đây được xem là một bước tiến mới của công ty, giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Tiếp tục tạo đà để công ty tập trung nghiên cứu, cải tiến, áp dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm, nâng cao hiệu quả SXKD trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
DUY VŨ
Related posts:
- VRG có 3 đơn vị trong top 10 công ty bất động sản công nghiệp năm 2023
- Đa dạng sản xuất sản phẩm gỗ để tăng tính cạnh tranh
- Tái cơ cấu, tăng hiệu quả sản phẩm công nghiệp
- Ngành gỗ nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD
- Khu công nghiệp Tân Bình đã thu hút được 9 nhà đầu tư
- Sản xuất chế biến gỗ: Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhiều
- Hỗ trợ ngành cao su tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp
- TBIP tích cực mở rộng giai đoạn 2, đón làn sóng đầu tư mới
- VRG triển khai sản xuất mủ SVR 10 mix trên địa bàn Tây Nguyên
- Khối thi đua số 14 sẽ chi 90 triệu đồng cho hoạt động xã hội