Hiệu quả mô hình trồng xen đa loại cây ở cao su Krông Buk

CSVN – Cao su Krông Buk được lãnh đạo VRG đánh giá cao về mô hình kết hợp cây cà phê, mắc ca, sầu riêng, keo lai, kết hợp đất đai rừng đa dụng với cây cao su. Đây là mô hình triển vọng nhân rộng ở khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Hiền – TGĐ công ty thăm hỏi các hộ gia đình công nhân tham gia trồng xen
Xác định hướng đi và cây trồng xen phù hợp

Thực hiện chủ trương của VRG về đa dạng hoá cây trồng, phát huy thế mạnh cây trồng của vùng miền. Cao su Krông Buk đã thực hiện trồng xen cây cà phê trên diện tích cao su tái canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; trồng luân canh cây ngắn ngày sau khi cưa cắt cao su; trồng rừng trên cao trình trên 850m… Những phương án này đều hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư giai đoạn KTCB, cải tạo đất sau khi cưa cắt, đồng thời tạo nguồn thu, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường… đây là những hướng đi đúng đắn và thiết thực của công ty.

Ông Nguyễn Văn Hiền – TGĐ công ty cho biết: “Trước việc giá mủ thấp, suất đầu tư giảm, chúng tôi đã xác định phải tăng cường công tác trồng xen các loại cây trong cao su tái canh và luân canh cây ngắn ngày nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho doanh nghiệp cũng như NLĐ để từng bước vượt qua khó khăn”.

Hiện nay, công ty đang quản lý trên 3.451 ha, trong đó diện tích cao su hơn 2.446 ha; cà phê 1.159 ha; cà phê xen mắc ca 115 ha; đất rừng trồng hơn 296 ha và đất quy hoạch cây trồng khác trên 300 ha. Việc trồng xen đã giảm đáng kể suất đầu tư so với trồng thuần, cụ thể bình quân suất đầu tư của mô hình cao su trồng xen cà phê trên 53,3 triệu đồng/ha, thấp hơn 8,3 triệu đồng/ha so với mô hình cao su thuần là 61,6 triệu đồng/ha.

Theo bà Võ Thị Hồng Huệ – Trưởng Phòng Kỹ thuật nông nghiệp công ty: “Với giá bán cao su chạm đáy kéo dài, trong khi đó công ty đang bắt đầu thực hiện tái canh chu kỳ 2. Vùng đất công ty có cao trình trên 700m, tiểu vùng khí hậu, nền đất đỏ Bazan thích hợp cho trồng nhiều loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, công ty đã lựa chọn nhiều phương án để tổ chức sản xuất, đúc kết, rút kinh nghiệm và phát triển mô hình nhằm đa dạng hoá nguồn thu, giảm bớt rủi ro trong SXKD, phát triển cây chủ lực, thế mạnh của địa phương, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa công ty và người nhận khoán, góp phần mang lại doanh thu, lợi nhuận chung cho đơn vị”.

Hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và NLĐ

Bình quân mỗi ha trồng xen của công ty đã thu về từ 20 – 25 triệu đồng trong 4 năm đầu KTCB. Cây trồng xen chủ lực là các loại cây họ đậu, khoai lang, bắp, gừng. Quy trình trồng xen đảm bảo khoảng cách đối với cao su theo quy trình, hướng dẫn của Tập đoàn. Nhờ có nguồn thu này, những năm qua công ty có thêm nguồn để cân đối các chi phí trong giai đoạn KTCB.

Ngoài ra, một số diện tích trên đỉnh đồi có cao trình trên 850m, đất xấu, dốc và sỏi đá, công ty đã lập dự án trình phê duyệt và đã trồng, chăm sóc, quản lý hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho đơn vị. Đến nay, đã phủ xanh toàn bộ diện tích có cao trình trên 850m.

Đối với NLĐ tham gia nhận khoán, trồng xen cà phê và một số cây trồng khác, thực hiện tự chăm sóc hàng cao su trong thời gian KTCB theo quy trình của công ty. Người nhận khoán, nộp tiền bảo đảm trách nghiệm và quyền lợi suốt thời gian thực hiện trồng xen, tự bỏ ra chi phí để trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng xen.

Trồng xen đã mang lại nguồn lợi lớn cho NLĐ, nhất là đối với các hộ nhận khoán trồng xen cà phê đã có nguồn thu lớn khi giá cà phê trong năm 2023 và 2024 liên tục phá vỡ các kỷ lục về giá.

VĂN VĨNH