CSVN – Cao su Đồng Phú có 18 năm liên tiếp đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Công ty được lãnh đạo VRG đánh giá dẫn đầu Tập đoàn về chất lượng, năng suất vườn cây và hiệu quả SXKD cao su trong nhiều năm liền.
Mô hình truyền thống năng suất trên 2 tấn/ha
Ông Huỳnh Trọng Thủy – Phó TGĐ Cao su Đồng Phú, chia sẻ: “Muốn tăng năng suất vườn cây thì điều tất yếu phải có vườn cây KTCB tốt. Vì vậy, công ty chú trọng từ khâu vườn ươm sản xuất cây giống có chất lượng tốt, sạch bệnh, đến khi mang ra trồng tái canh thì vườn cây phải có độ đồng đều cao, tầng lá cuối năm đạt > 5 tầng lá. Chăm sóc vườn cây KTCB đảm bảo mật độ cây hữu hiệu khi định hình vườn cây để khi mở cạo tỷ lệ cây đạt vanh đủ tiêu chuẩn > 90%”.
Giải pháp thu hoạch mủ luôn được công ty chú trọng nhằm khai thác hết tiềm năng của vườn cây. Trên cơ sở hợp tác toàn diện với Viện Nghiên cứu CSVN, hàng năm ngay từ đầu mùa cạo mới 2 bên đi thực tế khảo sát, quy hoạch vỏ cạo và dựa vào kết quả chẩn đoán sinh lý mủ vào cuối mùa cạo trước để khuyến cáo cụ thể chế độ kích thích cho từng giống, từng nhóm tuổi cạo trên toàn bộ vườn cây khai thác.
Để đảm bảo cân đối giữa các nhóm tuổi cạo và duy trì sản lượng vườn cây cho năng suất cao bền vững, thay thế những giống mới có ưu thế hơn. Công ty đã chủ động xây dựng lộ trình thanh lý tái canh vườn cây hợp lý và liên tục, mỗi năm diện tích đưa vào cạo tận thu từ 4 – 5% trên tổng diện tích vườn cây. Chính vì vậy tỷ lệ cơ cấu giữa các nhóm tuổi luôn cho năng suất bền vững.
Bên cạnh đó, công ty tập trung trong công tác tuyển dụng lao động không để bỏ trống vườn cây. Bố trí phần cây cạo hợp lý cho từng vùng, từng nhóm tuổi cạo của cây. Bố trí hợp lý giữa chế độ cạo D3 và D4 nhằm giữ chân NLĐ và có lực lượng dự phòng khi lao động thiếu hụt vào cuối năm. Bổ sung lương dự phòng cho những tháng không có mủ giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống và gắn bó với công việc. Trong năm 2023, tiền lương bình quân của công nhân gần 9,1 đồng/người/tháng.
Mô hình trồng xen giảm suất đầu tư, tăng doanh thu
Công ty thực hiện 2 mô hình trồng xen cây ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày. Trong năm 2023, diện tích trồng xen cây ngắn ngày 578,47 ha (chiếm 20,47% diện tích vườn cây KTCB). Trong đó, xen chuối 233,58 ha; đậu phộng 66,74 ha; cỏ voi 102,52 ha; dưa hấu 160,63 ha; khoai lang 10 ha; bí ngô 5 ha. Tiết kiệm suất đầu tư khoảng 2 – 5 triệu đồng/ha/năm cho vườn cây từ năm 1 đến năm 3 tuỳ loại cây trồng xen. Đặc biệt là giảm lượng phân bón và có tưới nước trong mùa khô giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Song song đó, công ty trồng xen cây công nghiệp dài ngày xen cây cao su hướng gỗ mủ và cây dầu. Ngoài việc nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích, mục tiêu quan trọng khác là chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến gỗ của công ty. Tổng diện tích trồng xen cây cao su hướng gỗ mủ toàn công ty đến nay là 460,41 ha; trong đó 9,97 ha đã đưa vào khai thác từ năm 2022.
“Để đảm bảo hiệu quả SXKD cao su trong điều kiện hiện nay, công ty tiếp tục thực hiện đồng bộ 2 mô hình: Trồng, chăm sóc, thu hoạch khai thác cao su theo cách truyền thống để đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Trồng xen canh để giảm suất đầu tư, tăng doanh thu nhằm tăng thêm giá trị ngoài sản phẩm chính là mủ cao su” – ông Huỳnh Trọng Thủy, chia sẻ.
MINH TRÍ
Related posts:
- "Quả ngọt" mùa thi đua nước rút
- Các đơn vị tại Lào tỷ lệ thực hiện sản lượng cao
- Cao su Bắc Trung bộ vượt lên bão lũ, ổn định sản xuất kinh doanh
- Việc nhỏ nghĩa lớn trên vườn cây
- Nông trường Minh Hòa, Cao su Dầu Tiếng tặng quà Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19
- Nghiêm túc thực hiện luân chuyển cán bộ
- Đội U13 Xí nghiệp 30/4 vô địch giải U13 Cao su Bình Long
- Cao điểm mùa chống cháy
- Tăng gia mùa rụng lá
- Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia