CSVNO – Chiều ngày 26/4, VRG đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp (Mixture) và công tác quản lý hàm lượng mủ cao su; định hướng, giải pháp năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, với trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022.
Đáng chú ý, cao su hỗn hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 67,57% về lượng và chiếm 68,98% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt trên 1,44 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,81% về lượng và chiếm 99,67% về trị giá trong tổng lượng cao su hỗn hợp của cả nước.
Nắm bắt thực tế thị trường, Tập đoàn đã triển khai sản xuất thí điểm cao su hỗn hợp mix tại Cao su Chư Mom Ray, để từ đó có đánh giá hiệu quả và nhân rộng sang nhiều công ty thành viên khác.
Tổng số lượng hàng mix sản xuất trong năm 2023 của Tập đoàn đạt 7.252 tấn trong đó có 1.004,59 tấn SVR 3L mix và 6.247,99 tấn SVR 10 mix, doanh thu đạt 242,102 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cao su Chư Mom Ray đã sản xuất được 5.334,84 tấn SVR 10 mix.
Mức giá bán chênh lệch tối thiểu so với sản phẩm SVR 10 và SVR 3L lần lượt là: SVR 10 mix cao hơn tối thiểu 330.000 đồng/tấn so với giá sàn SVR10, SVR 3L mix cao hơn tối thiểu 200.000 đồng/tấn so với giá sàn SVR 3L.
Năm 2024, Tập đoàn giao kế hoạch sản xuất sản phẩm cao su mix cho các đơn vị thành viên với kế hoạch 7.500 tấn SVR 3L mix và 29.000 tấn SVR 10 mix.
Với định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm cao su hỗn hợp (Mixture) có chất lượng tiên tiến, vượt trội, đồng đều, ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường, Tập đoàn đã xây dựng và ban hành áp dụng 4 tiêu chuẩn TCCS về Quy trình chế biến cao su hỗn hợp mix và Quy định kỹ thuật chất lượng sản phẩm làm nền tảng tiêu chuẩn để phát triển sản phẩm. Các tiêu chuẩn quy trình chế biến và đánh giá chất lượng gồm: TCCS 116:2022/TĐCNCSVN – Quy định kỹ thuật cao su hỗn hợp (Mixture) từ cao su thiên nhiên (SVR10/SVR20) và cao su tổng hợp (SBR 1502); TCCS 117:2022/TĐCNCSVN – Quy trình Công nghệ chế biến cao su hỗn hợp (Mixture) từ cao su thiên (SVR10/SVR20) và cao su tổng hợp (SBR 1502); TCCS 119:2023/TĐCNCSVN – Quy định kỹ thuật cao su hỗn hợp (Mixture) từ cao su thiên nhiên (SVRL/SVR3L/SVR5) và cao su tổng hợp (SBR 1502); TCCS 120:2023/TĐCNCSVN – Quy trình Công nghệ chế biến cao su hỗn hợp (Mixture) từ cao su thiên (SVRL/SVR3L/SVR5) và cao su tổng hợp (SBR 1502).
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thành viên đã báo cáo tham luận và trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp; giải pháp gia công chế biến sản phẩm cao su hỗn hợp; tầm quan trọng của công tác quản lý hàm lượng mủ cao su; một số kinh nghiệm tổ chức thực hiện quản lý hàm lượng mủ cao su, xác định và xử lý sai lệch hàm lượng mủ cao su cho từng nguồn nguyên liệu; thực trạng và các giải pháp quản lý hàm lượng mủ cao su nguyên liệu đảm bảo tin cậy, minh bạch, khách quan…
Riêng về quản lý hàm lượng mủ cao su khai thác, thu mua, gia công, Tập đoàn đã ban hành Tiêu chuẩn TCCS 111:2023 để sửa đổi, bổ sung cho TCCS 111:2016. Các quy định trong tiêu chuẩn TCCS 111:2023 có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện của phần lớn đơn vị thành viên, thuận lợi trong việc triển khai, áp dụng. Việc tổ chức quản lý, kiểm soát xuyên suốt theo quá trình đảm bảo khách quan, minh bạch, đảm bảo chất lượng nguyên liệu, nhận được sự tin tưởng của người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, hạn chế khiếu nại.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung cho biết, thời gian tới VRG sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất cao su hỗn hợp và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất ra sản phẩm ổn định, chất lượng cao, đi đầu thị trường tiêu thụ.
VRG sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị mới, chưa có thương hiệu để sản xuất sản phẩm này nhằm nâng cao giá trị lợi nhuận, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung cũng đề nghị Ban Thị trường Kinh doanh, Ban Công nghiệp, Ban Kế hoạch đầu tư tiếp tục xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại và khuyến cáo các sản phẩm cần phát triển và các nhà cung cấp sản phẩm cao su SBR 1502 chất lượng ổn định cho chế biến, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong công tác tiêu thụ, đặc biệt là các đơn vị miền núi phía bắc.
Riêng các đơn vị được Tập đoàn phân bổ sản xuất cao su hỗn hợp năm 2024 cần chủ động, sớm triển khai đầu tư thiết bị và tổ chức sản xuất nghiêm túc nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Tăng trưởng dẫn dầu, xuất khẩu cao su tiếp tục khả quan với giá cao
- Quy chế Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV - năm 2024
- Lãnh đạo VRG thăm, tặng quà chúc mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Cao su Đồng Nai: Triển khai hiệu quả, quyết liệt các giải pháp nông nghiệp
- Nỗ lực từ ngày đầu tháng đầu
- Yếu tố then chốt quyết định năng suất vườn cây
- Tổng doanh thu Cao su Quảng Trị tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023
- Cổ đông quan tâm đến những giải pháp vượt khó của VRG
- Việt Nam đối mặt đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay
- Thêm nguyên liệu cho ngành gỗ