Cao su Quảng Trị: Nâng cao hiệu quả nông nghiệp trong điều kiện đặc thù

CSVN – Nhiều năm qua, Cao su Quảng Trị là điểm sáng của VRG ở khu vực Duyên hải miền Trung. Năm 2023, công ty hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 49 ngày, được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cao su Quéng Trị phun phòng bệnh phấn trắng bằng Drone
Áp dụng chế độ cạo tăng cường

Cao su Quảng Trị đang quản lý 4.175 ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích cao su 3.528 ha, rừng nguyên liệu 647 ha. Ông Văn Đức Dũng – TGĐ Cao su Quảng Trị, cho biết, công ty nằm trên vùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, gió Lào, mưa dầm, thường xuyên bị ảnh hưởng bão lụt. Từ tháng 5 – 8, trời nắng gắt; từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, trời mưa dầm, ảnh hưởng lớn đến công tác khai thác mủ. Sau nhiều năm tính toán, công ty áp dụng chế độ cạo tăng cường trước trong mùa nắng để bù những lát không cạo được trong mùa mưa, có như vậy mới đảm bảo số ngày cạo, góp phần nâng cao mức độ thực hiện sản lượng kế hoạch. Bốn tháng cao điểm mùa nắng thường chiếm hơn 60% sản lượng. Những tháng mùa mưa, công ty tổ chức cạo linh hoạt và sau khi trang bị mái che mưa và màng che phủ chén, vận động công nhân mặc áo mưa đi cạo khi mặt cạo khô. Do đặc thù vùng miền khí hậu nên cây cao su của công ty phát triển không tốt như khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, vanh cây phát triển chậm hơn, chiều cao cây thấp. Chính vì vậy, công tác quản lý kỹ thuật luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Từ kỹ thuật thu hoạch cho đến công tác phòng trị bệnh trên vườn cây, đặc biệt là vào mùa mưa ẩm kéo dài đến 5 tháng. Công ty đã tổ chức trồng thực nghiệm với nhiều loại giống khác nhau để kiểm tra, phân tích đánh giá lựa chọn giống phù hợp trong chu kỳ tiếp theo.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Xác định đầu tư chiều sâu để tăng năng suất vườn cây, tăng năng suất lao động là cần thiết để cải thiện hiệu quả sản xuất, từ năm 2022, công ty đã thành lập Tổ cơ giới và mua sắm thiết bị vật tư phục vụ; thực hiện công tác phun phòng bệnh phấn trắng, sử dụng mái che mưa và màng che chén trên vườn cây… đã đạt được thành công nhất định.

Năm 2023, Tổ cơ giới công ty đã chế tạo thành công 5 giàn phun phòng bệnh phấn trắng, 3 giàn bón phân và 3 giàn làm cỏ. Tổ cơ giới đã tổ chức thành công phun phòng bệnh phấn trắng trong năm 2023 và 2024. Bón phân 100% diện tích cao su kinh doanh bằng cơ giới và sắp tới là làm cỏ, cày chăm sóc cao su KTCB. Việc đưa cơ giới vào vườn cây giúp công ty tiết giảm được nhiều chi phí và lao động. Hiện nay, công ty đã thu hồi 100% giá trị đầu tư thiết bị cơ giới.

“Xác định quy mô mở rộng là rất khó, để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả, từ đầu năm 2020, công ty đã thay đổi cơ cấu sản xuất. Công ty đã đưa diện tích một số vùng đất ít phù hợp trồng cao su, những diện tích nhỏ lẻ sang luân canh trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, công ty đã trồng được 647 ha rừng (chiếm tỷ lệ 15,5% đất nông nghiệp được giao). Năm 2024 & 2025, công ty tiếp tục thanh lý luân canh cao su sang trồng rừng với mục tiêu 1.000 ha. Việc luân canh trồng rừng giúp giải quyết tình trạng cạnh tranh lao động trong những năm sắp tới, cải thiện độ phù hợp của đất với cây cao su chu kỳ sau, chủ động trong việc đảm bảo kế hoạch doanh thu lợi nhuận hàng năm, góp phần giúp công ty phát triển bền vững” – ông Văn Đức Dũng, cho biết.

BẢO NAM