Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, bền vững

CSVN – VRG đang quản lý 398.810,66 ha đất nông nghiệp (trong nước 284.193,9 ha; chiếm 71,3% và nước ngoài 114.617,48 ha; chiếm 28,7%). Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, Tập đoàn thực hiện phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững. Đồng thời, nâng cao chất lượng thông qua việc áp dụng các quy trình quản lý phù hợp, công nghệ tiết kiệm, sử dụng các giống cây mang lại hiệu quả cao.

Vườn cây Cao su Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Cường

Hiện nay, giá cao su thiên nhiên tuy có phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất ngày càng tăng, tiếp tục gây khó khăn cho các đơn vị trong việc duy trì hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hiệu ứng của biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ dịch bệnh, hạn hán, thiên tai, chất lượng đất nông nghiệp có xu hướng suy giảm ảnh hưởng đến việc duy trì chất lượng vườn cây cao su. Bên cạnh đó, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, việc chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất của địa phương từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp – đô thị – dịch vụ là tất yếu.

Chính vì vậy, Tập đoàn chủ động tái cấu trúc hoạt động nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Nhân rộng mô hình canh tác nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp cây cao su với cây trồng khác. Hiện nay, một số mô hình nông nghiệp khả quan như xen canh cao su mủ – gỗ tại Cao su Đồng Phú; xen theo khoảnh lớn, luân canh cải tạo đất với các loại cây trồng lấy gỗ tại TCT Cao su Đồng Nai. Khu vực Tây Nguyên có mô hình triển vọng tại Cao su Krông Buk kết hợp cây cà phê, mắc ca, sầu riêng, keo lai, đất rừng đa dụng với cao su…

Tập đoàn có nhiều lợi thế về quỹ đất sản xuất lớn, liền vùng, nhiều vùng sinh thái có khả năng thiết lập các mô hình kinh tế nông nghiệp đa dạng với quy mô lớn. Để phát huy hết tiềm năng tối đa hiện có, VRG đang đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

TUỆ LINH