CSVN – Tận dụng thời điểm chờ cây cao su ra lá, công nhân cạo mủ có thời gian nghỉ ngơi sau một năm lao động miệt mài, bên cạnh đó họ còn tranh thủ làm thêm nhiều công việc thời vụ khác để tăng thu nhập.
Thêm thu nhập trong mùa nghỉ cạo
Thoăn thoắt đôi tay nhặt từng quả điều vào giỏ, chị Lê Thị Lan – Công nhân Tổ 1, NT Lợi Hưng, Cao su Bình Long vừa làm vừa kể chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị trong mùa nghỉ cạo. Chỉ tay về phía cuối vườn, nơi 3 đồng nghiệp đang lom khom thu hoạch điều, chị Lan nói đây là công việc của chị và vài anh chị công nhân cao su trong gần một tháng qua.
Theo chị Lan, đến mùa rụng lá, công nhân cạo mủ thường được nghỉ cạo khoảng một đến hai tháng. Thời gian đó, để kiếm thêm thu nhập, họ thường đi làm các công việc bên ngoài, như hái tiêu, thu hoạch điều… Nhờ vậy, công nhân có thêm một phần thu nhập trang trải trong lúc chờ mùa cạo mới.
Nữ công nhân tâm sự, được sự giới thiệu của tổ trưởng, anh chị trong Tổ 1 những ngày gần đây kiếm thêm thu nhập nhờ trở thành lao động thời vụ nhặt điều cho các hộ dân trong vùng. Với mỗi kg điều tươi thu hoạch được, họ được trả công từ 3.500 – 4.000 đồng. Trung bình mỗi người nhặt khoảng một tạ điều mỗi ngày công, mang về thu nhập hơn 300.000 đồng.
“Sau khi đưa con đến trường vào sáng sớm, tôi bắt đầu chạy xe đến vườn điều cách nhà 6 km để làm việc. Công việc lượm điều không đòi hỏi gì về chuyên môn, mà chủ yếu yêu cầu sức khoẻ tốt, chịu khó ngồi nhặt từng quả điều rơi trên đất hàng giờ liền. Nhờ công việc đó mà gần một tháng qua, mỗi ngày tôi kiếm thêm vài trăm nghìn đồng” – chị Lan cho biết.
Ngoài kiếm việc thời vụ, nhiều công nhân tranh thủ mùa nghỉ cạo lựa chọn phát triển kinh tế gia đình. Như anh Lê Văn Hồ – Công nhân Tổ 1, NT 3, Cao su Lộc Ninh tận dụng khoảng thời gian này để chăm sóc vườn sầu riêng, cam và điều, rộng hơn 5.000 m² của gia đình. Anh nói mỗi năm làm lợi từ vườn trái cây này khoảng 25-30 triệu đồng.
Kỳ vọng cho mùa cạo mới
Ông Hoàng Minh Hồ – Tổ trưởng Tổ 1, NT 3, Cao su Lộc Ninh cho biết, tổ có 43 công nhân và hầu hết làm thời vụ công việc khác trong mùa nghỉ cạo. Đồng thời, người giới thiệu nơi cần nhu cầu lao động cho anh em công nhân cũng là ông. “Mình sống ở đây lâu năm, biết hộ dân nào cần lao động hái tiêu, thu hoạch điều, rồi giới thiệu anh em trong tổ vào làm, giúp họ có thêm thu nhập mùa này” – ông Hồ nói thêm rằng đây là công việc kiếm thêm, công tác trên vườn cao su vẫn là quan trọng, nên khi cần, anh em phải ưu tiên.
Gần trưa, sau khi nhặt xong phần điều của mình, chị Lan và đồng nghiệp mang theo dụng cụ ra lô. Công việc lúc này của mọi người là thiết kế miệng cạo, gạt bỏ những lớp mủ cũ bám trên cây từ mùa vụ trước, chuẩn bị mở miệng cạo, bắt đầu mùa sản xuất mới.
Chị Lan nói, trong lúc đợi cây cao su ra chu kỳ lá mới, công nhân không phải lên vườn thường xuyên. Song theo thông báo gần đây của công ty, ngày 1/4 sẽ bắt đầu mở miệng cạo, nên hiện tại công nhân phải ra vườn cây làm công tác trang bị vật tư, chuẩn bị mùa cạo mới. “Tôi vào ngành cao su đã 4 năm. Năm rồi, thu nhập trung bình là gần 8 triệu đồng mỗi tháng. Mong ước năm nay thời tiết thuận lợi, giá mủ tăng cao, tôi và mấy anh chị trong tổ lại có thêm một năm thắng lợi” – chị Lan tâm sự.
Chia sẻ về mùa cạo mới, ông Lê Văn Hồ nói rất phấn khởi khi nghe tin mủ đang có mức giá cao. Nam công nhân đặt mục tiêu vượt sản lượng năm 2024 là 9,5 tấn, kỳ vọng thời tiết ổn định, để có năng suất mủ tốt.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Chồng bị coi thường
- Em xứng đáng có được hạnh phúc!
- Hãy bắt đầu bằng sự đồng cảm, đừng chỉ trích!
- Nan giải tìm lao động thu hoạch cà phê
- "Học Bác từ những điều bình dị, gần gũi với đời sống hàng ngày"
- Về quê tránh dịch
- Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 là xu hướng bắt buộc khi mở cửa
- Buồn lòng chuyện nuôi dạy trẻ
- Cao su Sa Thầy: Thăm, tặng quà người dân bị hỏa hoạn
- Kêu gọi doanh nghiệp dành kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân