Các công ty cao su Tây Nguyên: Lao động ổn định

CSVN – Giá các mặt hàng nông sản thời gian qua liên tục “lập đỉnh” mới, tiền công chăm sóc, thu hoạch tăng cao khiến nhiều người e ngại sẽ ảnh hưởng đến lao động trong ngành cao su. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đều khẳng định lao động cho vụ thu hoạch mới vẫn ổn định.

Người lao động Cao su Mang Yang với khí thế hồ hởi trong ngày ra quân đầu năm 2024
Linh hoạt điều tiết lực lượng lao động

Ông Mai Trung Hiếu – Trưởng Phòng Lao động tiền lương, Cao su Chư Sê cho biết: “Lao động tại công ty hiện nay không đáng ngại, mặc dù giá các mặt hàng nông sản liên tục tăng cao. Bởi công nhân ở đây ai cũng đều có nương cà, rẫy tiêu, đó là kinh tế phụ, là “hậu phương” để công nhân vẫn gắn bó với vườn cao su”.

Qua tìm hiểu sự biến động, dịch chuyển lao động tại các đơn vị như Cao su Chư Păh, Chư Prông thì hầu như không đáng kể, sự biến động diễn ra ở chỗ một số lao động đến tuổi về hưu theo chế độ, phần khác do thanh lý vườn cây. Hơn nữa, số diện tích đưa vào khai thác mới cũng không nhiều và có thể điều tiết từ phần cao su thanh lý sang.

Ông Vũ Đình Thơ – Trưởng Phòng Tổ chức Lao động, Cao su Chư Păh cho rằng: “Nói thiếu hụt lao động không phải là không có, điều này xảy ra ở một vài tổ, đội sản xuất. Nhưng con số không đáng kể và công ty có thể điều tiết lực lượng lao động ở những vườn cây thanh lý sang. Số lao động nghỉ hưu thì luôn có sự thừa kế, dự phòng từ nguồn lao động phụ thuộc trong các hộ gia đình công nhân”.

Trong buổi làm việc của ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG với các công ty trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum những ngày đầu xuân năm mới, lãnh đạo các đơn vị này đều khẳng định với lãnh đạo Tập đoàn nguồn lực lao động cho vụ thu hoạch mới luôn đảm bảo và ổn định, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm trên 50% tổng số lao động.

Hiện nay, giá cà phê tháng 3/2024 đang dao động ở mức xấp xỉ 90 ngàn đồng/kg, hồ tiêu từ 93 – 95 ngàn đồng/kg và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhiều người lo ngại sẽ có sự “dịch chuyển” lao động từ vùng cao su sang các vùng nông sản khác, bởi ngày công làm cà phê và hồ tiêu cao hơn so với đi làm cao su.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy công nhân cao su vẫn ưu tiên gắn bó lâu dài với vườn cây, bởi theo như chị Siu Hthi – công nhân NT Hòa Phú, Cao su Chư Păh: “Làm công nhân cao su về lâu dài vẫn tốt hơn, bởi được hưởng nhiều lợi ích từ các chế độ chính sách của công ty như BHXH, BHYT, bồi dưỡng độc hại, ăn ca hay bảo hộ lao động được cấp hàng năm…”. Trong khi đó, nếu làm các công việc khác sẽ không được hưởng các chế độ này, sẽ là điều thiệt thòi cho NLĐ về sau.

Nhiều giải pháp giữ chân người lao động

Dù hiện nay nguồn lực lao động có phần ổn định, tinh thần và tư tưởng NLĐ vẫn mong muốn gắn bó lâu dài với cao su, nhưng các công ty vẫn tìm nhiều giải pháp để giữ chân NLĐ. Theo ông Thơ: “Từ trước tới nay, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, công ty vẫn luôn có nhiều chính sách tốt để giữ chân NLĐ, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, hỗ trợ tiền cho lao động trong quá trình học việc, hỗ trợ công nhân tài chính mùa nghỉ cạo hay điều chỉnh đơn giá tiền lương giữa các vườn cây cao su có năng suất, sản lượng khác nhau…”.

Chủ tịch Công đoàn các đơn vị như Cao su Mang Yang, Chư Mom Ray đều cho rằng, bên cạnh các chế độ chính sách công ty còn có nhiều giải pháp khác để giữ chân NLĐ, đó là thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ lao động khó khăn, lao động mới tuyển dụng, tạo điều kiện để NLĐ phát triển kinh tế gia đình…

Với nhiều ưu đãi, chính sách tốt và công tác chăm lo đời sống tinh thần và vật chất thiết thực, ý nghĩa đã phần nào làm NLĐ yên tâm công tác, tin tưởng vào tương lai lâu bền, giúp họ ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

VĂN VĨNH