CSVN – Gần cả cuộc đời gắn bó với ngành cao su, ông Nguyễn Hữu Cầu ở ấp 2, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã truyền niềm đam mê nghề cao su cho thế hệ con, cháu. Đến nay, nghề cao su này không chỉ góp phần bảo tồn truyền thống của gia đình mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Người mở đường
Ông Nguyễn Hữu Cầu là người mở đường tiên phong, đã đặt nền móng cho ba thế hệ trong gia đình ông đến với ngành cao su. Vào năm 1982, ông bước chân từ Huế vào miền Nam để trở thành một công nhân Cao su Lộc Ninh. Ông nhớ lại: “Lúc mới đến đây, cuộc sống đầy khó khăn. Mọi nẻo đường đầy cheo leo giữa rừng cây rậm rạp. Tôi được coi là một trong những lớp công nhân cao su đầu tiên. Khi đó, ở đây cũng có cao su nhưng chủ yếu là những cây cao su già của thời Pháp cai trị. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu tham gia vào công việc khai hoang để trồng mới cao su, sau khi cây lớn đủ, chúng ta mới bắt đầu chuyển sang cạo. Trong quãng thời gian làm việc, tôi đã được giao trọng trách làm tổ trưởng tổ trồng mới được mười mấy năm. Đó là một thời gian dài, nhưng tôi đã cống hiến hết mình và có trách nhiệm với công việc được giao”.
Là một người con xa xứ, quyết định xây dựng sự nghiệp trong ngành cao su, cuộc sống của ông đã trải qua không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi niềm tự hào trong lòng ông. Ông chia sẻ thêm: “Từ khi tôi rời xa Huế và bắt đầu công việc trong ngành cao su, điều đó thật may mắn và đó là dấu ấn đặc biệt đối với cuộc đời tôi. Dù gặp phải bất cứ khó khăn nào, tôi luôn quyết tâm vượt qua để thực hiện công việc một cách tốt nhất. Công việc cao su đã mang lại thu nhập tốt cho tôi và gia đình. Tôi luôn mong muốn rằng các thế hệ con cháu của mình sẽ quyết định theo nghề cao su. Hiện tại, trong gia đình tôi đã có ba đời kế thừa nghề cao su, điều đó khiến tôi rất phấn khởi”.
Trưởng thành từ gian khó
Ông Nguyễn Văn Bình (con rể) và bà Nguyễn Thị Được (con ruột ông Nguyễn Hữu Cầu) là thế hệ thứ hai trong gia đình, tiếp tục truyền thống gia đình một cách kiên cường. Cơ duyên đã đưa hai người đến với nhau thông qua cây cao su.
Ông Bình chia sẻ: “Vào năm 1991, tôi bước chân vào ngành cao su và trải qua 9 năm làm việc ngành. Trong năm đầu tiên, tôi là một công nhân cạo mủ, nhưng từ năm thứ hai trở đi, tôi được thăng chức lên làm tổ trưởng khai thác. Hồi đó ở vùng này làm cao su chủ yếu là cha truyền con nối, hầu hết người dân ở đây ai lớn lên cũng đều làm cao su. Thấy vậy tôi cũng quyết định vào làm luôn. Làm vì cuộc sống một phần và thật may mắn, nhờ cây cao su mà tôi gặp và nên duyên với vợ tôi”.
Ông Bình kể khi đó, vợ ông (bà Được) theo anh trai của mình tham gia cạo mủ, thấy bà chịu khó, hiền lành nên ông đã để ý. Những phẩm chất đó đã khắc sâu trong tâm trí ông và thôi thúc ý muốn cả hai cùng theo đuổi một tương lai chung.
Chia sẻ về quá trình làm việc trong ngành cao su, bà Nguyễn Thị Được bày tỏ: “Thời kỳ làm việc trong ngành cao su những năm 90 tuy không vất vả như thời của cha tôi, nhưng cũng có những khó khăn nhất định như thiếu nhiều phương tiện hỗ trợ, đi làm hàng ngày, chúng tôi thường phải đi bộ trên những con đường đầy lầy lội, khó khăn trong việc di chuyển. Tôi còn nhớ rõ những lần chồng tôi (ông Bình) đi đo mủ phải đi bằng chiếc xe máy cày. Những con đường lầy lội khiến việc di chuyển trở nên vô cùng gian truân, và việc bị mắc kẹt trong bùn lầy là thường xuyên. Thời đó, cũng không có điện thoại để liên lạc, việc giao tiếp, kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ cũng rất khó khăn”. “Tuy nhiên, chính những khó khăn đó đã giúp chúng tôi trưởng thành và rèn luyện tính kiên nhẫn cùng sự chịu khó. Nhờ những trải nghiệm đó, trong tôi đã hình thành một tinh thần mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn, không sợ việc khó, chỉ sợ lòng không bền”.
Nhớ lại những kỉ niệm xưa cũ nhưng đầy niềm vui, ông Bình tiếp lời: “Đi làm cao su có nhiều cái hãnh diện lắm, mình đi cạo làm công nhân mới biết chứ người ngoài người ta không biết được. Háo hức nhất là các kỳ đại hội rồi những lần được đi du lịch cùng anh em đồng nghiệp. Nhờ làm cao su mà cô chú lần đầu được đi du lịch ở Vũng Tàu, Đà Lạt,.. Mấy năm gắn bó làm tổ trưởng, khi chú xin nghỉ đồng nghiệp làm tiệc chia tay, có công nhân khóc nữa, nói chung ai làm cao su cũng đều tình cảm và thương yêu giúp đỡ nhau lắm. Bây giờ lâu lâu chú cũng xuống nông trường để thăm lại mọi người”.
Gia đình thịnh vượng nhờ cao su
Chị Nguyễn thị Bích Trâm (cháu ngoại ông Cầu) – Nhân viên NT 3, Cao su Lộc Ninh là thế hệ thứ ba tiếp nối truyền thống gia đình. Với chị nghề cao su của gia đình là cái nôi giúp chị ngày càng phấn đấu để tốt hơn trong công việc.
Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình và những dòng nhựa trắng từ cao su, chị Trâm hiểu được giá trị của nghề cao su truyền thống mà các thế hệ ông cha mình theo đuổi. Bởi vậy, từ bé, chị đã theo cha mẹ ra lô phụ giúp công việc của gia đình. “Từ nhỏ tôi đã gắn bó với cây cao su nên học hỏi rất nhanh, tôi thành thạo các công việc của người công nhân ngay từ khi còn rất nhỏ. Hồi đó tôi hay đẩy xe đạp đi chở mủ phụ giúp cha mẹ, cứ đi học một buổi, buổi còn lại là chạy ngay ra lô đi phụ gia đình” – chị Trâm chia sẻ.
Lớn lên chị theo học ngành kế toán tại Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan. Ra trường mong muốn có thêm kinh nghiệm nên chị đã ở lại làm việc tại TP.HCM. Một thời gian sau khi cứng tay nghề, chị Trâm quyết định quay về phục vụ ngành cao su, năm 2014 chị bắt đầu làm việc tại NT 3, Cao su Lộc Ninh cho đến nay. Chị cho biết: “Dù tôi đã có nhiều cơ hội và lựa chọn trong cuộc sống, nhưng cao su vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Đối với tôi, làm công nhân cao su không chỉ là một công việc, mà đó còn là truyền thống gia đình mà tôi trân trọng và luôn mong muốn phát triển qua nhiều thế hệ tiếp theo. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy rằng ngành cao su mang lại sự ổn định hơn so với nhiều ngành nghề khác. Có đầy đủ chế độ chính sách cho NLĐ và tạo ra môi trường thuận lợi để tôi phát triển, vui chơi và rèn luyện bản thân. Nhờ cao su, gia đình tôi ngày càng ổn định về mặt kinh tế và không phải lo lắng quá nhiều về tương lai. Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi gia đình tôi qua nhiều thế hệ đã và đang đóng góp công sức cho sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam”.
HẰNG NY
Related posts:
- Chủ tịch Công đoàn bộ phận làm kinh tế giỏi
- Thiếu hụt lao động, trăn trở không chỉ riêng ai?
- TCT Cao su Đồng Nai đảm bảo tái canh đúng tiến độ, chất lượng vườn cây sinh trưởng tốt
- Phát động thi đua "bảo vệ vùng xanh"
- Người tổ trưởng Công đoàn tận tâm, nhiệt huyết với công việc
- Lịch sử 85 năm nhìn lại
- Một "mùa vàng" bội thu
- MDF VRG Kiên Giang: lợi nhuận trước thuế đạt 104% kế hoạch
- "Kết quả tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG tăng trưởng hết sức ấn tượng"
- Làm giàu từ chăn nuôi gà