Hỏi đáp về pháp luật lao động

Hỏi: Những điều luật mà người lao động (NLĐ) cần nắm rõ trước khi nghỉ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn Cao su Việt Nam: Để bản thân có thể bảo vệ tốt được quyền và lợi ích của mình, NLĐ trước khi nghỉ việc cần nắm rõ các quy định sau đây:

1. Thời hạn báo trước khi NLĐ nghỉ việc

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải báo trước cho công ty trong thời hạn như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn. Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Công ty phải chốt sổ BHXH, trả lại bản chính giấy tờ cho NLĐ

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động (SDLĐ) có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người SDLĐ đã giữ của NLĐ. Bên cạnh đó, người SDLĐ còn có trách nhiệm cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu sẽ do người SDLĐ trả.

3. Được thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết

Tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: “Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người SDLĐ thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ”. Như vậy, đối với những ngày nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là ngày phép năm) mà NLĐ chưa nghỉ hết thì khi NLĐ thôi việc, bị mất việc làm sẽ được công ty thanh toán tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ.

4. Hưởng tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc

Đối với trợ cấp thôi việc (TCTV), theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019:

  1. Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người SDLĐ có trách nhiệm trả TCTV cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
  2. Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người SDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người SDLĐ chi trả TCTV, trợ cấp mất việc làm.
  3. Tiền lương để tính TCTV là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi NLĐ thôi việc.

Đối với trợ cấp thất nghiệp (TCTN), NLĐ sau khi nghỉ việc sẽ được hưởng TCTN nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Điều 49 Luật Việc làm 2013. Mức hưởng và thời gian hưởng được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau: Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.

VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CÔNG ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM