CSVN – Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan cho ngành gỗ nước ta trong năm nay.
Tín hiệu khả quan
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2024, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Cụ thể, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng 12/2023. Đây là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp củng cố niềm tin, tự tin hơn khi đối diện với những khó khăn thách thức hiện nay. Với con số ấn tượng này, hy vọng trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD
Theo phân tích của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ có cơ hội bứt phá trong năm 2024 khi dấu hiệu lạm phát ở Mỹ – thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam đã bớt gay gắt hơn. Mặt khác, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy tới nay đã bán gần hết và họ sẽ quay trở lại đặt hàng trong năm 2024, đặc biệt từ quý III sẽ là mùa làm ăn của đồ gỗ.
Có thể nói, mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lượng đơn hàng chung trên thế giới giảm sút, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng. Doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội khi Việt Nam là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Đây là cơ hội lớn khi tham gia thị trường xuất khẩu để dễ dàng tiếp cận với các nhà nhập khẩu quốc tế.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ sang Ấn Độ trong năm 2023 tăng đến 250%. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt tốt cơ hội, đa dạng mẫu mã và rất cạnh tranh về giá để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng trở lại của đơn hàng…
Mở rộng thị trường
Để hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ, nội thất chủ động tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm các kênh có thể bán và xuất khẩu hàng ra thế giới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Hiệp hội, tổ chức đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm xúc tiến thương mại. Trong đó, việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Từ ngày 26 – 29/2, tại TP.HCM đã diễn ra Hội chợ Quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15, thu hút 3.500 lượt người đăng ký tham gia đến từ 83 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiếp theo đó, từ ngày 6 – 9/3, cũng tại TP.HCM Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP.HCM cũng được tổ chức sôi động thu hút trên 30.000 nhà mua hàng và khách tham quan đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự để kết nối giao thương. Các sự kiện này sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều sự kết nối, giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với các khách hàng trên toàn thế giới, góp phần giúp ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
TRUNG KIÊN
Related posts:
- Cao su Đồng Phú: Áp dụng nhiều chế độ chính sách cho công nhân dân tộc thiểu số
- Nông trường Bắc Trà My hoàn thành vượt kế hoạch quý I
- Cao su Chư Mom Ray: Sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thực hiện tốt công tác đào tạo ngắn hạn
- Ấm lòng Tết xa nhà
- Noong Hẻo vững tin đón “vàng trắng”
- Bến Củi thay màu áo mới
- Những dấu ấn ở đơn vị anh hùng
- Hồ hởi tin vào một mùa bội thu
- Chặt cao su trồng tiêu: Nông dân lại "đánh bạc"