“Tập trung tìm giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn lao động ổn định”

CSVNO – Đó là chỉ đạo của TGĐ VRG Lê Thanh Hưng tại Hội nghị đánh giá thực trạng lao động, công tác thu tuyển và giữ chân người lao động trong giai đoạn hiện nay, được VRG tổ chức tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vào ngày 20/3.

Ông Lê Thanh Hưng yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung tìm giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn lao động ổn định cho các công ty cao su trong ngành, nhất là các đơn vị ở khu kinh tế trọng điểm, bị tranh chấp nguồn lao động với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thiếu 9.564 lao động khai thác cao su

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam cho biết, tổng số lao động toàn Tập đoàn đến cuối năm 2023 là 83.125 người. Tổng số lao động nghỉ việc trong năm 2023 là 17.650 người, chi phí trả thôi việc hơn 52 tỷ đồng. Tổng số lao động các đơn vị thu tuyển trong năm là 16.811 người.

Chủ trì hội nghị

Hiện nay, các đơn vị thành viên lĩnh vực cao su có số lượng lao động thực tế cuối năm và nhu cầu sử dụng năm 2024 đều có sự chênh lệch. Tổng số lao động đến ngày 31/12/2023 là 78.993 người, trong khi nhu cầu sử dụng lao động năm 2024 là 90.582 người; chênh lệch là 11.589 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 9.564 người, chiếm tỷ lệ 82,5%.

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG trao đổi tại hội nghị

Cụ thể: Khu vực Đông Nam bộ thiếu 3.285 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 2.660 người, là khu vực trọng yếu nhất vì công tác thu tuyển hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều ngành nghề. Khu vực Tây Nguyên thiếu 752 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 656 người. Khu vực Duyên hải miền Trung thiếu 1.455 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 841 người. Khu vực miền núi phía Bắc thiếu 1.185 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 983 người. Khu vực nước ngoài thiếu 4.912 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 3.785 người.

Quang cảnh hội nghị

Tình hình năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn đối với hoạt động SXKD của Tập đoàn. Để hoàn thành nhiệm vụ khai thác 445.200 tấn mủ, thu mua 75.290 tấn và tiêu thụ 520.490 tấn; với giá bán mủ bình quân khoảng 34,6 triệu đồng/tấn, bên cạnh các giải pháp Tập đoàn đã và đang áp dụng, thì cơ bản nhất hiện nay vẫn là có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn lao động cho các công ty cao su, nhất là các đơn vị ở khu kinh tế trọng điểm, bị tranh chấp nguồn lao động với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Vì ngành cao su là ngành sản xuất nông nghiệp, sử dụng lao động thủ công là chủ yếu.

Ông Lưu Minh Tuyến – Phó TGĐ Cao su Đồng Phú báo cáo tham luận tại hội nghị

Triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định lao động

Trong thời gian qua, công tác lao động và cơ cấu tổ chức bộ máy sản xuất tại các đơn vị thành viên khối cao su luôn được lãnh đạo Tập đoàn, Công đoàn Cao su Việt Nam đặc biệt quan tâm. Để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo lực lượng lao động, ổn định công tác tổ chức sản xuất và hoạt động SXKD tại các đơn vị, từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho NLĐ.

Bà Lê Thị Phương Bình – Trưởng Phòng Tổ chức Lao động Tiền lương Cao su Dầu Tiếng báo cáo tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, các công ty cao su đã báo cáo tham luận chia sẻ về những giải pháp thu hút và ổn định lao động, đảm bảo cho sản xuất. Với sự nỗ lực không ngừng tìm kiếm mọi giải pháp ổn định lao động, các đơn vị linh hoạt trong điều hành sản xuất bằng cách chuyển đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, D5; sắp xếp bố trí lao động hợp lý, có nhiều chính sách khuyến khích NLĐ nhận thêm vườn cây cạo, tổ chức cạo nhượng quyền, hợp đồng khoán. Mặt khác, linh động tìm kiếm lao động bằng nhiều nguồn tiềm năng như thu tuyển lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến làm việc. Bố trí nơi ăn chốn ở ổn định, quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ gắn bó lâu dài với đơn vị.

Lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng khảo sát khu nhà ở công nhân đồng bào dân tộc thiểu số của công ty

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG, chỉ đạo: “Để các nội dung hội nghị đi vào thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn chung về công tác lao động, tiền lương và chế độ chính sách trong toàn ngành, tôi đề nghị toàn thể các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Các cơ quan tham mưu, các tổ chức đoàn thể và các đơn vị cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực phối hợp triển khai thực hiện phương án thu tuyển lao động đảm bảo hiệu quả, thực chất, đúng quy định; đặc biệt là người đứng đầu phải quyết tâm, quyết liệt và cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, phải chịu trách nhiệm về nội dung này, không được chủ quan”.

Lãnh đạo VRG thăm hỏi công nhân người đồng bào NT Cẩm Đường, Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong

“Về chế độ chính sách, Tập đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng chấp thuận cho doanh nghiệp ngành cao su được hưởng cơ chế đặc thù theo quy định của Nghị định 21/2024/NĐ-CP ngày 23/2/2024 do Chính phủ ban hành về việc xem xét các yếu tố đặc thù đối với doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội… Tập đoàn quan tâm xem xét các yếu tố và tỷ lệ trích quỹ khen thưởng phúc lợi tại các đơn vị thành viên để có nguồn quỹ chăm lo tốt hơn đời sống cho NLĐ; đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị khi sử dụng các quỹ khen thưởng, phúc lợi và công đoàn tại cơ sở tiết kiệm đúng mục đích, đúng đối tượng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho NLĐ. Ban Lao động tiền lương cần thường xuyên rà soát và hoàn thiện các Quy chế quản trị về chính sách tiền lương và chế độ chính sách cho NLĐ, nghiên cứu đề xuất tham mưu các giải pháp phù hợp, kịp thời và có lợi cho NLĐ” – ông Lê Thanh Hưng, cho biết.

Vợ chồng công nhân đồng bào dân tộc thiểu số tại Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ. Ảnh: Vũ Phong

“Về thu tuyển và sắp xếp mô hình tổ chức sản xuất, cần có sự phối hợp thông tin và chia sẻ thường xuyên kinh nghiệm, giải pháp, thu nhập và tình hình lao động dư thừa giữa các đơn vị trong ngành. Sắp xếp mô hình tổ chức sản xuất, đối với lao động gián tiếp nghiêm túc thực hiện phương án sắp xếp bộ máy tổ chức sản xuất, định biên lao động gián tiếp tại đơn vị theo quy định tại Quyết định số 34 ngày 1/3/2024 của HĐQT Tập đoàn. Đối với lao động trực tiếp bám sát các nội dung chỉ đạo của Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn phân loại năng suất vườn cây theo 3 mức Thấp – Trung bình – Cao để bố trí lao động cạo theo nhịp độ cạo phù hợp, phát huy năng suất vườn cây hài hòa năng suất lao động, thu nhập. Đối với các kiến nghị của các đơn vị, Tập đoàn sẽ xem xét, chỉ đạo các ban chuyên môn sớm có ý kiến để các đơn vị có cơ chế để tổ chức thực hiện nhằm phát huy hết thế mạnh của mình theo đúng quy định của pháp luật, tạo đà tăng trưởng bền vững năm 2024 và các năm tiếp theo” – ông Lê Thanh Hưng, chỉ đạo.

THIÊN HƯƠNG – HẰNG NY