Ổn định đời sống đồng bào vùng biên giới

CSVN – Thời gian qua, các công ty cao su khu vực vùng biên đã giúp người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng trong khu vực biên giới.

Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Mom Ray (áo xanh) thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên công nhân
An tâm sinh sống tại vùng biên

Theo chân cán bộ Cao su Chư Mom Ray, chúng tôi đến thăm ngôi làng của NLĐ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc tại NT 3. Ngôi làng này có nhiều ngôi nhà cấp 4 được xây dựng san sát, vô cùng kiên cố và chắc chắn. Ông Vũ Văn Hớn – Giám đốc NT 3 phấn khởi chia sẻ: “Tất cả dân cư ở vùng này đều là công nhân cao su. Có trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số đi từ các vùng xa đến đây lập nghiệp, chủ yếu là từ Nghệ An và Thanh Hóa. Có những gia đình có đến 2, 3 thế hệ làm công nhân cao su. Khi tuyển công nhân vào, trước tiên công ty bố trí chỗ ăn chỗ ở tại các khu tập thể được công ty xây dựng. Sau đó sẽ bố trí việc làm phù hợp như cạo mủ và chăm sóc cao su. Sau này, một số công nhân có điều kiện, có đủ tiền, công ty sẽ giới thiệu đất riêng cho công nhân tự xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống. Do vậy mà công nhân cao su rất nhiều người đã nhập khẩu sinh sống lâu dài tại đây. Hiện tại làng đã có nhà văn hóa, con đường vào NT 3 cũng đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây, đường vào làng được đầu tư tráng nhựa, đường rộng thông thoáng, thuận lợi cho việc đi lại của người dân”.

Nhờ nguồn thu nhập ổn định, hầu hết các hộ làm công nhân cao su đều có đời sống sung túc. Chị Trần Thị Nguyệt – Công nhân Tổ 4, NT 3, Cao su Chư Mom Ray chia sẻ: “Tôi từ Nghệ An vào làm việc từ năm 2012 và nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ đơn vị. Công ty thường xuyên cung cấp lương thực, đồ bảo hộ lao động, cấp dưỡng hàng tháng như mì tôm, nước mắm, sữa… Tôi cảm thấy đây như quê hương thứ hai của mình, đồng nghiệp cũng là hàng xóm cùng chung sống một làng nên rất thân thiết. Mỗi lần về quê tôi cũng không ở được lâu, cứ về được vài hôm lại muốn quay lại sớm”.

Cũng giống chị Nguyệt, anh Trần Văn Tí – Công nhân NT 3, Cao su Chư Mom Ray vui vẻ tiếp lời: “Tôi ở Gia Lai vào đây làm việc đã được 5 năm. Dù ở gần khu vực biên giới nhưng rất bình yên, công tác an ninh trật tự rất chặt chẽ nên ai cũng yên tâm công tác. Tôi đã được cấp đất, được Công đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà. Nhà tôi ở gần NT nên đi làm rất tiện lợi. Hiện tại mức lương bình quân của tôi từ 8 – 10 triệu đồng/tháng khá ổn định. Tôi sắm sửa được nhiều thứ trong nhà và có dư một ít vốn để làm ăn. Tôi mong muốn được gắn bó lâu dài với công việc của mình”.

Giải pháp ổn định lao động vùng biên đạt hiệu quả cao

Giúp đỡ NLĐ khu vực biên giới thoát nghèo, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng được Cao su Sa Thầy đặc biệt quan tâm. Thời gian qua công ty đã tích cực giúp NLĐ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng biên.

NT Suối Đá, Cao su Sa Thầy có tổng diện tích vườn cây gần 1.700 ha, với 400 công nhân chủ yếu là dân tộc Thái. Trong quá trình thu tuyển và đào tạo lao động mới là người đồng bào, NT đã có những giải pháp riêng biệt nhưng đem lại hiệu quả cao. Ông Dương Văn Khẩu – Phó GĐ phụ trách NT Suối Đá cho biết: “Trước khi nghỉ Tết, NT sẽ gửi văn bản tuyển dụng cho NLĐ mang theo về quê họ đang sinh sống. Nhờ họ trao đổi với người dân bản địa ngoài đó, để khi ai có nhu cầu đi làm sẽ liên hệ lại với NT. Do đặc thù là NT ở gần khu vực biên giới, sau khi kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, NT sẽ bố trí nơi ăn chỗ ở và hỗ trợ lương thực thiết yếu cho lao động mới. Sau đó sẽ đào tạo tay nghề và bố trí vườn cây ổn định cho NLĐ”.

“Ngoài thu nhập chính, đối với diện tích đất NT quản lý, bờ lô hợp thủy sẽ tạo điều kiện cho NLĐ làm thêm kinh tế phụ gia đình, trồng các cây ngắn ngày để nâng cao thu nhập. Bên cạnh việc trực tiếp giúp công nhân phát triển sản xuất, NT còn tích cực chia sẻ những khó khăn với NLĐ, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân. NT thường xuyên tổ chức các hoạt động VHVN, đặc biệt là các văn hóa thuộc vùng miền của NLĐ để họ cảm thấy gần gũi và phấn khởi hơn. Thông qua đó sẽ lồng ghép vào tuyên truyền công tác lao động sản xuất, kết hợp an ninh trật tự trên địa bàn để góp phần xây dựng nên quê hương mới, quê hương thứ 2 cho NLĐ” – ông Dương nói thêm.

Ngoài ra, NT Suối Đá còn kết hợp với địa phương xây dựng các trường học ở gần khu dân cư để tạo điều kiện hỗ trợ cho các phụ huynh là công nhân cao su tại NT yên tâm công tác. Điều này đã tạo nên nguồn động lực lớn giúp người lao động an cư nghiệp tại vùng đất mới.

Những giải pháp ổn định lao động khu vực vùng biên của các công ty đã đạt được hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích cho cả công ty và địa phương. Việc duy trì nguồn lao động có tay nghề cao đã giúp công ty ổn định SXKD. Đồng thời, đảm bảo thu nhập NLĐ, chất lượng cuộc sống của họ và gia đình ngày một nâng cao.

HẰNG NY