Các công ty cao su miền núi phía Bắc: Ổn định việc làm, nâng cao thu nhập lao động bản địa

CSVN – Khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) có điều kiện khí hậu và môi trường ít thuận lợi hơn so với nhu cầu sinh thái của cây cao su. Song với sự quan tâm của lãnh đạo VRG, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các tỉnh vùng dự án, đến nay 9 công ty thuộc Tập đoàn đã và đang đem lại những hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân bản địa, đảm bảo an sinh xã hội vùng sâu vùng xa, góp phần cùng bản làng thay áo mới.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân tại lễ mừng công hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2023 của Cao su Điện Biên, vào ngày 20/12/2023
Thành quả trên vùng đất khó

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song bằng sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của tập thể CB.CNV LĐ, các công ty khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ SXKD, nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao so với năm 2022, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Các công ty có tổng doanh thu trên 736 tỷ đồng (đạt 80% KH). Đặc biệt có 2 đơn vị đạt doanh thu với tỷ lệ từ 100% so với KH: Dầu Tiếng – Lai Châu và Dầu Tiếng – Lào Cai. Tổng lợi nhuận trước thuế của các công ty 210 tỷ đồng, trong đó 3 công ty có lợi nhuận: Điện Biên, Dầu Tiếng – Lai Châu, Dầu Tiếng – Lào Cai. Nộp ngân sách Nhà nước 21,2 tỷ đồng.

Các công ty thường xuyên quan tâm tạo điều kiện và thực hiện tốt mọi chế độ chính sách đối với NLĐ, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho NLĐ và hộ nhận khoán. Tiền lương bình quân khu vực MNPB đạt 5,81 triệu đồng/người/tháng (cao hơn năm 2022 là 8%). Những đơn vị có mức lương bình quân cao gồm: Dầu Tiếng – Lai Châu 6,8 triệu đồng/người/tháng; Dầu Tiếng – Lào Cai 6,4 triệu đồng/người/tháng; Lai Châu 6,1 triệu đồng/người/ tháng; Điện Biên 6 triệu đồng/người/tháng. Để động viên, khích lệ NLĐ trong các phong trào thi đua, các đơn vị đã thường xuyên khen thưởng động viên. Trong đó, ưu tiên lao động trực tiếp, lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, các công ty đã khen thưởng cho các tập thể và cá nhân trên 750 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các công ty thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội; công tác xã hội, từ thiện, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với địa phương nơi đơn vị đứng chân, giá trị ủng hộ năm 2023 hơn 400 triệu đồng. Các công ty cao su thực sự góp phần xây dựng nông thôn mới, điều này thể hiện rõ nhất là đời sống bà con được nâng cao hơn, ấm no hơn từ khi có sự hiện diện của cây cao su nơi vùng cao. Nhất là đối với những hộ gia đình có đất góp với các công ty sản xuất cao su, đồng thời trực tiếp tham gia làm công nhân cao su.

Điểm sáng ở khu vực Tây Bắc

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Công ty CPCS Điện Biên hiện quản lý hơn 3.724 ha cao su, trải dài trên địa bàn 16 xã, 105 thôn bản thuộc các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ẳng và thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, công ty đã đưa vào khai thác trên 3.305 ha cao su đạt sản lượng cao, chất lượng tốt, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương và chăm lo tốt đời sống NLĐ.

Năm vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất, tuy nhiên, với những giải pháp chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành, công ty đã đạt được những thành quả nổi bật. Công ty luôn vượt cao kế hoạch sản lượng nhiều năm liền. Sản lượng khai thác từ năm 2017 – 2023 hơn 17.912 tấn mủ quy khô, nhiều năm liền vượt cao kế hoạch sản lượng, cụ thể: năm 2019 đạt 1.873 tấn (vượt 7,3% KH), năm 2020 đạt 2.851 tấn (vượt 25,2% KH), năm 2021 đạt 3.611 tấn (vượt 30,3%), năm 2022 đạt 3.902 tấn (vượt 24,1% KH), năm 2023 đạt 4.120 tấn (vượt 3% KH)

Ông Nguyễn Công Tám – TGĐ Công ty CPCS Điện Biên, cho biết: “Công ty đã giải quyết việc làm cho 855 lao động, trong đó có 782 lao động (91,35%) là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng (vượt 21% KH). Trong năm, công ty đã thực hiện chi trả tiền phân chia sản phẩm cho gần 3.860 hộ dân với số tiền trên 9,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn; tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Vững vàng trước khó khăn, Cao su Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, được lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao. Những thành quả đã đạt được chính là động lực để công ty sôi nổi lao động sản xuất, với khí thế mới, kỳ vọng nhiều thành công mới, xứng đáng là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực SXKD cao su ở Tây Bắc.

Đánh giá về kết quả của các công ty cao su khu vực MNPB, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song với sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể CB.CNV LĐ, các công ty cao su khu vực MNPB đã vượt qua mọi khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ. 28.715 ha cao su đứng vững với diện tích mở cạo mỗi năm càng nhiều, đã đem lại hiệu quả SXKD tốt cho các công ty và thu nhập ổn định cho NLĐ. Cây cao su đã góp phần chuyển dịch được cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Các chế độ chính sách đối với NLĐ được đảm bảo, chi trả giá trị bán mủ cho đồng bào góp đất trồng cao su được thực hiện có hiệu quả đã tạo không khí vui tươi phấn khởi đối với bà con cũng như các cấp Đảng, chính quyền địa phương trồng cao su”.

NHẬT MINH