CSVN – Câu chuyện “được mùa, mất giá” đối với người trồng cà phê ở Tây Nguyên luôn là nỗi lo thấp thỏm khi mùa thu hoạch đến. Nhưng năm nay, người trồng cà phê ở Cao su Krông Buk được hưởng trọn một “mùa xuân” cả giá lẫn sản lượng.
Niềm vui nhân đôi
Dù mới cuối tháng 11, nhiều công nhân ở NT Ea Hồ – Phú Lộc, Cao su Krông Buk đã hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao. Cùng lãnh đạo công ty, Công đoàn công ty đến thăm hỏi, động viên NLĐ tại tổ 2, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự vui mừng, niềm phấn khởi của anh chị em công nhân khi nhiều người trong tổ đã xuất sắc về đích sớm, trong số đó có anh Nguyễn Văn Tiên.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, anh Tiên cho hay: “Anh em ở tổ 2 năm nay vui lắm, vui vì nhờ thời tiết thuận lợi nên công tác khai thác mủ vượt kế hoạch sớm, vui vì năm nay giá cà phê cao và sản lượng cũng tốt. Chắc chắn sẽ có một cái Tết đủ đầy”.
Anh Tiên làm công nhân cũng trên chục năm, luôn thực hiện tốt nội quy của nông trường và công ty, tiêu biểu trong công tác khai thác mủ và nhiều năm được các cấp khen thưởng. 7 năm trước, khi công ty tái canh anh được NT cho nhận khoán 1,5 ha để trồng xen cà phê. Đến nay, gia đình anh đã thu được 4 năm.
Anh Tiên vui mừng cho biết: “Từ trước đến nay, đây là năm giá cà phê cao nhất làm bà con phấn khởi lắm. Năm 2023, chúng tôi thu được chừng hơn 4 tấn nhân, đây có thể xem là được mùa bởi cũng chừng đó diện tích năm 2022 gia đình tôi chỉ thu được khoảng 3 tấn”. Với giá cà phê hiện ở mức gần 70 triệu đồng/tấn như hiện nay, chắc chắn người trồng cà phê mỗi ha có thể thu về từ 250 – 300 triệu đồng.
Thoăn thoắt đôi bàn tay tuốt những cành cà phê trĩu quả, nét mặt rạng rỡ, phấn khởi, có thể cảm nhận dường như chị H Ái Niê không hề mệt sau những giờ khai thác mủ. 15 năm làm công nhân cạo mủ, cuộc sống của chị Niê dù đã có nhiều đổi thay, nhưng chị vẫn không thể quên những ngày tháng khó khăn, vất vả trước khi làm công nhân, rồi khi giá cao su thấp, cà phê mất mùa, cuộc sống gia đình như muốn đảo lộn bởi đại dịch Covid -19 bùng phát…
Sau cơn mưa trời lại sáng, những ngày vất vả chống chọi với bão giá, thu nhập thấp nay đã dần thay thế bằng những khoản thu nhập đáng giá từ tiền lương, tiền thưởng và nhất là nguồn thu từ vụ cà phê năm nay. Vui vẻ dừng tay hái, chị Niê chia sẻ: “Cuộc sống gia đình mình ngày trước khi vào công nhân khổ lắm, từ ngày làm công nhân cạo mủ thì cuộc sống gia đình mình thay đổi nhiều. Vài năm trở lại đây, công ty tái canh cao su và cho mình nhận khoán 2 ha để trồng xen cà phê, vài năm trước có khi mất mùa, có khi mất giá, nhưng riêng năm nay thì được cả 2, ai cũng phấn khởi, vui mừng”.
Năm 2023 đã qua đi, một mùa xuân mới đang về, với NLĐ ở NT Ea Hồ – Phú Lộc nói riêng và Cao su Krông Buk nói chung đang đón nhận một mùa xuân với bao cảm xúc, phần vì lương thưởng đều cải thiện, phần vì giá cà phê đang ở đỉnh, đây chính là động lực để NLĐ gắn bó lâu dài với vườn cây cao su.
Động lực để gắn bó vườn cao su
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi theo chân anh Trần Thanh Trung – Công nhân tổ 2, NT Ea Hồ – Phú Lộc bắt đầu một ngày thu hoạch mủ. Ríu rít trong tiếng cười đùa, không chỉ nét mặt anh Trung rạng rỡ mà với chị Nguyễn Thị Lành, vợ anh Trung cũng vui không kém. Cái vui của 2 anh chị cũng là cái vui chung của những công nhân tham gia nhận khoán trồng xen cà phê trên vườn cây cao su của NT.
Song hành bước chân cùng anh Trung trên phần cây cạo, trong ánh đèn lập lòe của những người đi cạo sớm, anh Trung chia sẻ với chúng tôi: “Với việc cà phê năm nay được cả mùa lẫn giá, vợ chồng chúng tôi phấn khởi lắm, đây là động lực lớn để chúng tôi ra lô khai thác mủ sớm, tranh thủ còn về với vườn cà phê”.
Dù anh Trung đã hoàn thành kế hoạch sản lượng giao, lại được công ty triệu tập làm “ca sỹ” phục vụ cho Hội thi Tiếng hát Công nhân Cao su của công ty, những bộn bề công việc ngày cuối năm ấy cũng không thể lấy đi niềm vui được mùa, được giá cà phê hiện trên khuôn mặt người thợ trẻ.
Cũng như anh Trung, với chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên dù đã về đích sớm hơn tháng nay, nhưng vẫn quyết tâm ra lô sớm như thường ngày tiếp tục công việc khai thác mủ, bởi theo chị Duyên, đây là công việc chính của mình hàng chục năm qua, công việc này đã giúp gia đình chị vượt bao khó khăn.
Cùng anh Nguyễn Mộng Hùng – Phó Chủ tịch Công đoàn công ty rong ruổi trên khắp vườn cà phê trồng xen đang chín đỏ, trong câu chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ, chưa khi nào thấy bà con, anh chị em công nhân lại vui mừng như năm nay, những người làm công tác chăm lo đời sống cho NLĐ như chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.
Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả phải đối mặt với đại dịch Covid -19 khắc nghiệt, giá bán cao su vẫn chưa thể cải thiện thì việc cà phê được mùa, được giá đã mang lại động lực, tiếp thêm sức mạnh cho NLĐ là những công nhân cao su quyết tâm gắn bó với vườn cây.
VĂN VĨNH
Related posts:
- “Cao su Phú Riềng có hiệu quả sản xuất kinh doanh nổi bật”
- "9 giải pháp nhằm ổn định tiêu thụ cao su của Tập đoàn"
- Sản lượng Cao su Krông Buk đạt 102,2% so Nghị quyết
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 và tri ân ngày Nhà giáo...
- Rạng rỡ - tin yêu!
- Các công ty cao su Đông Nam bộ: Tiếp tục phát triển toàn diện
- Làm lợi hàng tỷ đồng nhờ đẩy mạnh thi đua
- Cao su Bà Rịa ra quân khai thác mủ
- Ông Nguyễn Văn Toán tái đắc cử Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Công đoàn Cao su Việt Nam
- Hiến kế giữ chân người lao động