CSVN – Với tinh thần “tương thân tương ái”, thời gian qua, đã có rất nhiều căn nhà “Mái ấm Công đoàn” được trao tay cho người lao động, nhất là khu vực Tây Nguyên, nơi có đa số lao động là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Vỡ òa hạnh phúc trong ngày vào nhà mới
Được giới thiệu phát biểu lời cảm ơn, chị Khuen – Công nhân khai thác Đội sản xuất Tân Lập, Cao su Mang Yang cầm chiếc micro trên tay, nước mắt cứ thế tuôn rơi, không thể nói thành lời. Lắp bắp nói câu “cảm ơn” rồi khóc thành tiếng, phải nhờ đến sự động viên của cán bộ Công đoàn Cao su Mang Yang chị Khuen mới có thể bình tĩnh lại. “Mình mừng lắm, vui lắm, làm công nhân cao su gần 10 năm nhưng chưa một ngày được ở trong căn nhà sạch, đẹp thế này. Lâu nay vẫn phải ở trong căn nhà tạm bố mẹ cho, nhờ có Công đoàn thương, hỗ trợ 55 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân và bạn bè mình đã xây được căn nhà này, mình thật sự biết ơn” – chị Khuen chia sẻ.
Chị Khuen là công nhân khai thác có kinh nghiệm của Đội sản xuất Tân Lập, là một đoàn viên tốt, luôn chấp hành nghiêm các nội quy của Đội và tham gia nhiều hoạt động phong trào khác. Song hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn, chồng không có việc làm, hàng ngày anh đi phụ chị cạo và thu hoạch mủ. 2 vợ chồng có được 1 người con nhưng lại bị bệnh hiểm nghèo, căn bệnh “hở vòm họng” của bé đã tiêu tốn quá nhiều tiền của gia đình chị, nên gần 10 năm vẫn phải ở nhà tạm. Căn nhà “Mái ấm Công đoàn” hơn 60 m² với 1 phòng khách, 1 phòng ngủ và công trình phụ, với chị nó rất ý nghĩa và xem đó là một tài sản lớn, là niềm an ủi, động viên khích lệ để chị tiếp tục cố gắng, phấn đấu tiến lên phía trước.
Cũng giống hoàn cảnh của chị Khuen, chị Rah Lan Mai ở NT Ia Glai, Cao su Chư Sê sau nhiều năm sống vất vả trong căn nhà cũ nát, xuống cấp, mưa dột, gió lùa mỗi khi trái gió trở trời, vào một ngày đẹp trời cuối năm 2022 niềm vui đã đến với gia đình chị, khi đón nhận chiếc chìa khóa nhà tượng trưng từ tay ông Phan Mạnh Hùng Chủ tịch Công đoàn CSVN.
Đôi mắt đỏ hoe vì hạnh phúc, chị Mai chia sẻ với mọi người: “Mình không nghĩ sẽ được ở trong căn nhà đẹp và kiên cố như thế này. Nhiều năm phải ở trong căn nhà lụp xụp, mưa thì dột, nắng thì nóng, cuộc sống vô cùng vất vả. Nay có được căn nhà mới, mình mừng đến khóc, không biết nói gì hơn là cảm ơn Công đoàn CSVN, cảm ơn Công đoàn công ty đã hỗ trợ tiền cho gia đình mình xây được căn nhà mới để ở”.
Và còn rất nhiều những mảnh đời khó khăn, vất vả khác chưa có được căn nhà, nơi ở đàng hoàng. Trên địa bàn Tây Nguyên, VRG có hơn 10 công ty trực thuộc, đang giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, trong đó có khoảng 60% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều trong số họ vẫn luôn khao khát, mong muốn có được một căn nhà khang trang, sạch đẹp để an cư lạc nghiệp.
Yên tâm an cư lạc nghiệp dưới mái nhà “Công đoàn”
Đón nhận tấm bảng tượng trưng trị giá 50 triệu từ tay lãnh đạo Công đoàn CSVN để xây dựng căn nhà “Mái ấm Công đoàn”, anh Trương Công Hanh – Công nhân Nhà máy chế biến mủ Cao su Sa Thầy bày tỏ niềm hạnh phúc: “Thật sự, vợ chồng tôi rất hạnh phúc khi có được căn nhà mới. Bao năm khó khăn, vất vả nay cũng được thỏa mong ước. Từ nay, chúng tôi sẽ yên tâm, tập trung toàn lực cho công việc và chắc chắn sẽ chọn nơi đây làm quê hương thứ 2, là nơi lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới”.
Nhiều lần đến dự buổi bàn giao nhà ở Cao su Chư Mom Ray, chúng tôi được anh Phạm Duy Vương – Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ về những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của bà con các dân tộc thiểu số phía bắc vào lập nghiệp. Anh Vương cho hay, hiện nay ở công ty chúng tôi còn rất nhiều người cần được hỗ trợ về nhà ở, nên những căn nhà “Mái ấm Công đoàn” là hết sức ý nghĩa với lao động còn khó khăn về nhà ở. Đây là nơi lao động xác định để lập thân, lập nghiệp, chọn làm quê hương thứ 2 của mình, do vậy không có nơi ở cố định, nhà cửa đàng hoàng sẽ khó lòng giữ chân được NLĐ.
Đến thăm căn nhà đang xây dựng dở dang của gia đình công nhân Y Ka và anh Phạm Văn Trí Nghiệp ở Tổ 6, NT Đăk H’rin, Cao su Kon Tum mới cảm nhận hết sự yêu nghề, quyết tâm bám trụ vườn cây của chị Ka khi cuộc sống vốn đã vất vả, khó khăn nhưng vẫn một lòng gắn bó với vườn cây cao su.
Chị Y Ka là người dân tộc Sê Đăng, còn anh Nghiệp quê ở Bình Định. Cả 2 anh chị đều lớn lên trong gia đình đông con và nghèo khó, đến với nhau từ sự tình cờ và đều là những lao động tự do. Nói về công việc và sự nỗ lực vượt khó, chị Ka bày tỏ: “19 năm làm công nhân, sống trong căn nhà tạm bên vườn cà phê của gia đình, nhưng mình chưa khi nào có ý định rời bỏ nghề cạo mủ. Nay được Công đoàn NT đề nghị Công đoàn công ty hỗ trợ 55 triệu làm lại căn nhà cho kiên cố, mình rất vui, mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt công việc được giao”.
Nhìn vẻ lạc quan, yêu đời của anh Nghiệp khi chính tay mình xây dựng căn nhà từ nguồn tiền của quỹ “Mái ấm Công đoàn” Cao su Kon Tum hỗ trợ, chúng tôi cảm nhận rõ được sự lạc quan, tin tưởng cuộc sống của gia đình anh sẽ tốt đẹp hơn.
Để giúp NLĐ từng bước vượt qua khó khăn, không chỉ Công đoàn Cao su Kon Tum mà Công đoàn các công ty trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua đã thường xuyên đến từng đơn vị, gặp gỡ từng NLĐ nơi vùng biên giới, vùng sâu để thăm hỏi, động viên và trao những căn nhà ý nghĩa cho đoàn viên khó khăn về nhà ở… Đó là sự tiếp sức, là động lực để NLĐ tin tưởng, yên tâm gắn bó với vườn cây, với đơn vị.
Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn Cao su Kon Tum cho hay, tuy số tiền hỗ trợ không thể đủ xây dựng được một căn nhà khang trang, nhưng đó là động lực để NLĐ nỗ lực, cùng với sự tích góp, giúp đỡ của người thân họ có thể xây dựng được căn nhà tốt nhất trong khả năng, qua đó giúp họ củng cố niềm tin, yên tâm làm ăn gắn bó lâu dài với đơn vị.
Bằng nghĩa cử và tấm lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, những căn nhà “Mái ấm Công đoàn” đã tạo động lực để NLĐ tiếp tục vươn lên, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng đó là những tấm lòng đầy tình nghĩa, sẻ chia với công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp ở vùng sâu vùng xa hay nơi biên giới.
VĂN VĨNH
Related posts:
- “Tổ là mái nhà thứ 2 của chúng tôi”
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- Ban hành quy chế trao tặng giải thưởng "Phú Riềng Đỏ"
- Trong gian khó, có niềm tin!
- Giảm khó từ kinh tế phụ
- Công đoàn góp sức cổ phần hóa Công ty mẹ VRG
- Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
- Công đoàn Cao su Việt Nam khen thưởng cho 4 tập thể xuất sắc của Cao su Dầu Tiếng
- 3 yếu tố nâng cao năng lực tham mưu của cán bộ trẻ
- Chăm lo đời sống người lao động từ những điều nhỏ nhất