Bỏ phố về rừng làm công nhân cao su

CSVN – Gặp, yêu nhau giữa chốn phồn hoa phố thị, rồi nên duyên vợ chồng, với chị Kpăh Hby cứ nghĩ đó là một chuyện tình chỉ có trong giấc mơ. Câu chuyện trở nên đẹp hơn khi cả 2 quyết định cùng nhau trở về chính nơi mình sinh ra và lớn lên để làm công nhân cao su cho Trung đoàn kinh tế – Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15).

Chị Kpăh Hby (áo thun vàng) và anh Siu Hơi (áo công nhân) trò chuyện cùng phóng viên
Nên duyên nơi phố thị

Bôn ba vài năm nơi chốn phồn hoa đô thị, nhưng với sự nhút nhát của người con gái sinh ra và lớn lên nơi huyện vùng biên nghèo khó, Kpăh Hby chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc sống của mình lại sang trang khác khi gặp được Siu Hơi giữa Sài Gòn. “Lúc mới gặp nhau, mình không hề để ý đến Siu Hơi, chỉ biết là người cùng ở Gia Lai nên hay nói chuyện” – chị Hby nói trong sự ngại ngùng, e thẹn như thuở mới yêu khi được hỏi về những ngày đầu gặp nhau.

Cả Kpăh Hby và Siu Hơi đều là người Jarai vào làm công nhân cho một nhà máy bánh kẹo tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc – Tp. Hồ Chí Minh. Hby sinh năm 1999 tại xã Ia Piơ huyện Chư Prông, còn Siu Hơi sinh năm 1997 tại huyện Chư Pưh của tỉnh Gia Lai.

Nhà nghèo, nên không thể học lên cao, Hby nghe lời chúng bạn khăn gói vào Tp. Hồ Chí Minh xin làm công nhân như các bạn trong làng với mong muốn thay đổi cuộc sống vốn đầy khốn khó từ lâu đã đeo bám mình. Là một người ít nói, lại sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó nơi biên giới, môi trường làm việc công nghiệp lại càng khó khăn cho Hby hòa đồng với đồng nghiệp. Hơn 3 năm làm công nhân trong khu công nghiệp, Hby cũng chỉ có vài người bạn cùng quê để vui buồn sớm hôm.

Thân gái một mình nơi xứ người, Hby còn phải tích cóp tiền bạc gửi về phụ giúp cha mẹ nuôi các em nhỏ, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn cho Hby khi đồng lương không nhiều, trong khi chi phí nơi đô thành luôn đắt đỏ. Hby chia sẻ với chúng tôi: “Hàng ngày mình chỉ biết đi làm, đến chợ và về nhà trọ, mình cũng không dám để ý ai và cũng không có điều kiện để đi chơi như các bạn, mình phải giúp cha mẹ nuôi các em ăn học, nên có tiền là mình gửi về giúp cha mẹ lo cho các em”.

Rồi một ngày đẹp trời, Siu Hơi đến với cuộc đời Hby rất ngẫu nhiên và tình cờ trong dịp sinh nhật của một người bạn, trong môi trường công nghiệp, bộn bề với lo toan, Hby cũng không thật sự quan tâm đến Hơi lắm, chỉ để ý đến vì Hơi là người cùng quê, nên bắt chuyện, hỏi thăm nhau theo cách xã giao. Cái lý do “người cùng quê”, cứ ngày càng kéo 2 người lại với nhau như 2 thỏi nam châm khác cực, từ để ý đến quen rồi yêu nhau diễn ra nhanh như tàu con thoi. Rồi sau đó, hai người quyết định về làng quê làm đám cưới, tạo dựng cuộc sống mới trên quê hương Hby.

Xoay xở với cuộc sống mới, nhiều khó khăn và chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, làm việc gì để vượt qua khó khăn, thử thách. Đầu năm 2020 Trung đoàn kinh tế – quốc phòng phát đi thông báo tuyển dụng lao động vào làm công nhân khai thác mủ cao su, cách nơi Hby và Hơi sinh sống chừng chưa đầy chục cây số.

Duyên đến với cây cao su, cả 2 quyết định nộp đơn xin vào làm công nhân. Vốn đã từng làm việc ở thành thị, lại có trình độ nên cả 2 nhanh chóng và dễ dàng tiếp thu được kiến thức về công việc khai thác mủ. Sau khóa đào tạo gần 30 ngày học việc, Hby và Siu Hơi đều được nhận vào làm công nhân của Đội 7.

Xây dựng cuộc sống mới từ nghề cạo mủ

“Mình nghĩ làm việc gần nhà vẫn tốt hơn làm xa, nhất là có điều kiện để chăm sóc cha mẹ già đang đau ốm và các em nhỏ có thể đến trường, nên quyết định sẽ ở lại với cây cao su lâu dài” – anh Siu Hơi chia sẻ.

Những ngày đầu vào làm công nhân, cuộc sống của cả 2 cũng hết sức gian nan vất vả. Không nhà cửa, không tài sản, chỉ có đôi bàn tay trắng cùng đứa con nhỏ trên tay.

Trước tinh thần và thái độ cầu tiến của vợ chồng Siu Hơi, đồng thời để giữ chân NLĐ sớm ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, Trung đoàn 710 đã xây dựng một số dãy nhà tập thể cấp cho các cặp gia đình và thanh niên ở xa đến lập nghiệp. Anh Nguyễn Như Thành – Chủ tịch Công đoàn Trung đoàn 710 cho biết: “Trước tình hình NLĐ còn khó khăn về nhà ở, nhất là các cặp gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đã chủ trương xây dựng nhà tập thể cấp cho công nhân ở tạm để từng bước ổn định đời sống, yên tâm khai thác mủ, sau đó sẽ tính kế lâu dài cho anh em có đất, có nhà để an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với vườn cây, đơn vị”.

Cùng nhau trò chuyện trước hiên nhà nơi dãy tập thể của Đội 7, Hby nở nụ cười rất tươi như mãn nguyện vì đã chọn được nơi xây dựng cuộc sống mới cho cuộc tình ngỡ như trong mơ của mình. Hby cho biết: “Mình rất vui mừng, dù là công nhân mới nhưng được lãnh đạo Đội 7 cấp cho một phòng trong dãy tập thể để gia đình mình ở lại cạo mủ, không phải về làng cách xa cả chục cây số. Hiện nay, cuộc sống của vợ chồng mình rất tốt, lương tháng bình thường từ 7 – 9 triệu đồng. Mình có điều kiện để giúp cha mẹ già chữa bệnh, lo cho con và để dành tiền mua đất, cất nhà”.

Trung đoàn kinh tế – quốc phòng 710 là một đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15, với quy mô khoảng 2.400 ha cao su, hiện đang có khoảng 50% diện tích khai thác và giải quyết việc làm cho trên 300 lao động, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã biên giới như Ia Mơr, Ia Piơ… Thượng tá Nguyễn Quang Tú – Trung đoàn trưởng cho chúng tôi hay: “Không chỉ giúp bà con nhân dân trong vùng, NLĐ của đơn vị thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, chúng tôi còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa, nhất là việc tiếp nhận lao động dân tộc thiểu số vào làm công nhân”.

Đến thăm các gia đình công nhân mới, đang sinh sống trong dãy nhà tập thể ở Đội 7 chúng tôi mới mắt thấy, tai nghe về sự thay đổi trong đời sống của người dân nơi vùng biên khi vào làm công nhân khai thác mủ của trung đoàn.

Anh Siu Hơi nói với chúng tôi về sự thay da, đổi thịt trong đời sống gia đình mình kể từ ngày được nhận vào làm công nhân: “Chúng tôi được nhận vào làm công nhân từ năm 2020, trước đó chúng tôi bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai với mức lương không ổn định. Từ ngày vào làm công nhân cạo mủ, đời sống chúng tôi đã thay đổi nhiều, như lương tháng 12/2022, chúng tôi được gần 25 triệu đồng, thu nhập này giúp chúng tôi trang trải được rất nhiều việc như cho con đến trường và tích lũy…”.

Giờ đây, chị Hby có thể yên tâm công tác lâu dài, tập trung lo kế sinh nhai và an cư lạc nghiệp trên vùng biên giới, cách nơi chị sinh ra và lớn lên chưa đầy chục cây số. Một mối tình đẹp, một công việc tốt cho thu nhập cao, niềm hạnh phúc của đội bạn trẻ càng được củng cố khi xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất vùng biên.

VĂN VĨNH