CSVN – Với diện tích khai thác và sản lượng tăng cao qua các năm, các công ty cao su khu vực Campuchia đang góp phần gia tăng hiệu quả của VRG. Đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của 2 đất nước, tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Chiếm trên 32% tổng sản lượng khai thác toàn Tập đoàn
VRG hiện có 16 công ty đầu tư cao su trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia, với diện tích 87.584,84 ha. Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với các dự án trồng cao su của Tập đoàn tại Campuchia là giá bán cao su hiện nay khá thấp so với thời điểm quyết định đầu tư và phê duyệt các dự án đầu tư, giá bán bình quân của một tấn mủ cao su thiên nhiên thời gian qua chỉ đạt 1.300 – 1.500 USD/tấn, so với giá bán dự kiến từ 3.000 – 4.000 USD/tấn. Do vậy, các dự án bị kéo dài thời gian hòa vốn so với dự kiến ban đầu. Dự án được đầu tư bằng tiền đồng tại Việt Nam, sau đó mua ngoại tệ (USD) để chuyển ra nước ngoài, tiền đồng Việt Nam mất giá khá lớn nên giá trị tài sản ở nước ngoài khi quy về tiền Việt Nam có giá trị tăng khá lớn. Chính sách về thuế của nước bạn không nhất quán, một số chi phí không chính thức lớn”.
Các dự án tại nước ngoài góp phần gia tăng năng lực sản xuất cao su thiên nhiên của Tập đoàn trong bối cảnh diện tích phù hợp cho phát triển cây cao su tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần gần đây. Tổng sản lượng cao su khai thác năm 2023 của khu vực Campuchia 139.823 tấn, vượt 6% kế hoạch (chiếm trên 32% tổng sản lượng khai thác toàn Tập đoàn). Góp phần nâng cao đời sống và thu nhập của của NLĐ bản địa với mức lương bình quân đạt từ 250 – 400 USD/người/tháng, cao hơn so với mặt bằng thu nhập hiện nay. Các công ty luôn quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội cho NLĐ. Đến nay, Tập đoàn đã đầu tư hơn 76,5 triệu USD cho công tác an sinh xã hội, công trình công cộng, công trình tôn giáo.
Góp phần gia tăng hiệu quả của VRG trong giai đoạn tiếp theo
Những năm qua, diện tích và sản lượng khai thác của khu vực Campuchia không ngừng tăng cao. Cụ thể: năm 2018, diện tích khai thác 33.020 ha, sản lượng 36.034 tấn. Năm 2019, diện tích khai thác 47.000 ha, sản lượng 52.000 tấn. Năm 2020, diện tích khai thác 61.000 ha, sản lượng 86.782 tấn. Năm 2021, diện tích khai thác 74.680 ha, sản lượng 116.100 tấn. Năm 2022, diện tích khai thác 83.325 ha, sản lượng 124.332 tấn. Năm 2023, diện tích khai thác 85.281 ha, sản lượng 139.823 tấn.
“Các dự án của Tập đoàn có lợi nhuận mặc dù giá bán thực tế đang thấp hơn giá bán khi lập dự án, tuy nhiên Tập đoàn và các đơn vị thành viên tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả, rà soát chặt chẽ các chi phí… để đảm bảo hiệu quả của dự án. Các công ty đã chuyển lợi nhuận về nước đạt được lợi nhuận bình quân/tấn mủ khá tốt và đạt kỳ vọng về lợi nhuận lâu dài cho dự án. Tập đoàn đánh giá các dự án tại Campuchia sẽ góp phần gia tăng hiệu quả tổng thể của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo” – ông Trương Minh Trung, cho biết.
Các công ty cao su đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Campuchia. Góp phần tích cực vào đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện hạ tầng tại khu vực nông thôn, tạo việc làm với thu nhập ổn định, hình thành tập quán định canh, định cư, lao động với tác phong công nghiệp cho đội ngũ NLĐ tại các vùng dự án, củng cố và nâng cao sản lượng, vị thế, thương hiệu cao su VRG trên trường quốc tế.
TUỆ LINH
Related posts:
- TCT Cao su Đồng Nai: Đổi mới để phát triển
- Cao su Chư Păh: Giữ vững danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thực hiện tốt công tác đào tạo ngắn hạn
- Cao su Dầu Tiếng: Gần 50 năm phát triển ổn định, bền vững
- Nông trường Dục Nông (Cao su Kon Tum): Nhiểu tổ đạt năng suất cao
- Cao su Đồng Nai đạt được nhiều lợi ích khi nhận được chứng chỉ do PEFC cấp
- Tất cả thí sinh đều đạt điểm cao tại Hội thi Bàn tay vàng Cao su Dầu Tiếng
- Mở rộng sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp trong năm 2024
- Trên lô ngày giãn cách
- Cao su Ea H’leo đạt chức vô địch Giải bóng chuyền tỉnh Đắk Lắk