CSVN – Campuchia mùa này mưa nhiều quá. Tiếng mưa rơi lách tách trên mái tôn, tiếng gió thổi xào xạc lay động rừng cao su ngút ngàn, tiếng chim đa đa kêu da diết khiến lòng người nhiều trống vắng.
Hai kẻ nhớ nhà bàn nhau xin nghỉ phép để về thăm gia đình. Từ chỗ làm ra huyện San Dan mất chừng hai mươi phút, anh lái xe thân thiện nói lơ lớ nửa Việt nửa Cam tạo ra tiếng cười rôm rả suốt dọc đường. Xuống xe hai anh em vào quán gọi hai tô hủ tiếu. Hủ tiếu ở đây cũng không khác gì mấy so với ở Việt Nam, cũng miến, cũng giá, cũng chả, cũng thịt heo, vị hơi ngọt và nhạt hơn, giá một tô khoảng 5 Riel (khoảng 30 nghìn tiền Việt), nói chung cũng hợp lý và đủ no bụng. Ăn sáng xong, chúng tôi đến chỗ xe chờ sẵn rồi được tiếp đón bằng một vòng dạo quanh huyện San Dan. Phải hơn một tiếng đi bắt khách xe mới chính thức chạy ra Kampong Thom.
Xe chỉ mười sáu chỗ nên rất chật và ngột ngạt, ngồi trên xe chỉ ngửi mùi người cũng đủ mệt mỏi, nhưng thật lạ, hành khách trên xe luôn mỉm cười và có thái độ rất hòa nhã. Khi biết chúng tôi là người Việt họ ồ lên rồi nói chuyện rôm rả hơn. Tôi cũng chỉ biết mỉm cười rồi ra dấu hoặc nói một ít tiếng Cam đáp lễ họ. Anh bạn đi với tôi cũng mỉm cười rồi khẽ bảo tôi đừng nói nữa. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng thực hiện theo. Lúc xuống xe anh vỗ vỗ vai tôi rồi nói: “Dân Cam họ chân tình và thật thà lắm, nhưng bởi thế họ cũng rất dễ hiểu nhầm, cậu tiếng Cam chưa sõi, nói năm ăn năm thua như thế rất dễ gặp rắc rối”. Tôi chợt hiểu ra rồi khoác vai anh đi dạo trong lúc chờ xe ra Prết-vi-hia.
Có thể nói cánh lái xe các tỉnh Campuchia họ liên kết rất chặt chẽ với nhau. Vừa xuống xe đã có người chờ sẵn để xách hành lý cho chúng tôi. Hai anh em an tâm ra quán ngồi ăn cơm trưa. Vì đến muộn nên cơm chỉ còn ít cá trê nướng, dĩa cơm dọn ra không có đũa nên hai anh em hơi trầy trật với chiếc nĩa trên tay, được cái cá rất thơm và béo, chan thêm ít xì dầu tạo nên một hương vị khó tả. Ăn xong đang ngồi uống nước thì chợt ngớ người ra, chiếc xe mang theo hành lý không biết đã đi về phương nào. Hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi, coi như gửi một chút kỉ niệm nơi đất Cam. Hai anh em thất vọng định ra bắt xe khác, thì bất ngờ nghe tiếng còi xe phía sau lưng. Anh tài xế cười tươi vẫy vẫy tay. Chuyến hành trình về nhà lại tiếp tục.
Campuchia đất rộng người thưa, dân cư lại phân bố không đồng đều, đi qua những làng bản có khi cả cây số mới có một hai nhà. Những ngôi nhà sàn điển hình với mái cong cách điệu được trang trí thêm nhiều chi tiết hoa văn, những đôi mắt trẻ thơ dõi theo hướng xe chạy gây ra nhiều thương nhớ. “Đất nước của họ có nơi còn nghèo quá” – Tôi thầm nói. “Cũng như ở ta cả thôi, có nơi giàu nơi nghèo, nhưng cậu thấy đó, họ sống ít xô bồ tranh đua hơn, vật chất với họ không quá quan trọng, có lẽ sống thế sẽ dễ dàng hơn…” – Anh bạn ngồi bên đáp lời. Xe dừng lại ở thị xã Stung Treng. Lúc này đã gần ba giờ chiều, chúng tôi xuống xe ngay ngã ba trung tâm, cánh lái xe lập tức vây quanh, khi thấy tôi chỉ trên bản đồ điện thoại vị trí tỉnh Banlung, họ dãn ra để một người tiếp cận và nói chuyện, sau vài câu xã giao chúng tôi chốt giá, hẹn giờ xe chạy, rồi thư thả dạo bộ ngắm cảnh. Con sông Sekong rộng mênh mông gợn sóng dịu dàng, những quán cà phê mở hai bên sông lưa thưa khách, hai anh em bị thu hút bởi một đám đông ồn ào. Chúng tôi bước lại gần mới biết thì ra là họ đang chơi bi sắt. Những viên bị đánh vào nhau chan chát kèm theo tiếng vỗ tay tán thưởng. Bên bờ sông với trò chơi bi sắt, người Cam thật biết tận hưởng cuộc sống.
Chúng tôi dạo bước theo bờ sông Sekong, chợt dừng chân lặng yên trước một tượng đài tưởng niệm. Một người lính Việt Nam bên một người lính Campuchia, cả hai đang che chở cho một bà mẹ Cam bồng đứa con đỏ hỏn. Tình cảm Việt – Cam tốt đẹp biết bao. Một quá khứ đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hi sinh cho nhau. Trong kí ức mỗi người dân Campuchia vẫn có đó bóng dáng của những người lính Việt Nam đã chiến đấu và anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến giành lại sự sống cho người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Lặng cúi đầu trước anh linh các chú, các bác lòng tôi tràn ngập sự tiếc thương và biết ơn đến một thế hệ cha ông anh hùng.
Điểm đến cuối cùng trên đất Cam là thị trấn Banlung tỉnh Ratanakiri, nơi chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng ba mươi cây số. Xe Việt, quán Việt, người Việt khá đông, sự đón tiếp khá niềm nở tạo cảm giác ấm lòng. Chúng tôi tìm thuê khách sạn ngủ chờ chuyến xe khách sáng mai về Việt Nam. Ngồi trong phòng mãi cũng chán, hai anh em ra đường gọi một chiếc túc túc đi dạo quanh thị trấn. Không ồn ào, không náo nhiệt, tiếng còi xe rất ít, từng thân phận người cứ lướt qua nhau trong tự giác và trật tự. Trời đổ mưa to nên xe ghé vào một quán ăn, bác tài xế ra dấu cứ ngồi chơi rồi tí bác ghé đón. Hai anh em ngồi lặng lẽ ngắm mưa rơi, mặt hồ trước mắt đầy sóng giống cuộc đời của những anh em theo nghiệp cao su. Xa nhà, xa vợ con, đời sống tinh thần nhiều thiếu thốn. Nếu không lạc quan và vững vàng chắc không nhiều người có thể gắn bó được lâu dài.
– Cậu tính nghỉ việc đúng không? – Anh hỏi
– Vâ..ng. Tôi ngập ngừng.
– Ừ, tớ biết, có những người trẻ đã đến và đã đi như cậu. Tớ hiểu. Chẳng ai trách cậu cả, có lẽ tình yêu với cao su chưa đủ lớn trong cậu. Cậu chưa thấy được mùa cao su rụng lá đẹp đến như thế nào, cậu chưa từng ăn một bữa cơm với công nhân giữa trời mưa tầm tã xem nó ngon thế nào, cậu chưa lội suối, chưa băng rừng, chưa bị sốt rét, chưa bị sên cắn, chưa thức dậy 2 giờ để đi lô… nên cậu không hiểu được tình yêu của bọn mình với cao su nó sâu đậm ra sao. Con tớ gần mười tuổi, một năm gặp bố được hai lần, một lần được khoảng mười ngày. Khi tớ đi mắt con buồn thăm thẳm. Vợ tớ ứa nước mắt, mẹ tớ run run không muốn tớ đi. Nhưng bọn tớ không đi thì còn ai đi, tớ yêu màu trắng của mủ, màu nâu của từng thớ vỏ, màu xanh của từng phiến lá. Đó là màu của sự ấm no mà bọn tớ được nhận lại. Không có gì là không phải trả giá cả, nhưng bọn tớ thản nhiên chấp nhận…
– Cảm ơn anh, cảm ơn mọi người. Cảm ơn cao su… – Tôi nắm chặt tay anh lòng ngập tràn tiếc nuối.
Và tôi biết rồi họ sẽ lại đi… sẽ tiếp tục đi trên con đường này, qua bao mùa cao su rụng lá, bao mùa cao su đâm chồi, bao mùa cao su chảy nhựa dâng cho đời những dòng sữa trắng trong như tình yêu bao la đất mẹ. Sẽ nhớ nhà, sẽ dằn vặt, sẽ tiếc nuối. Nhưng đó là cuộc đời, chẳng có thành quả nào lại không đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Chỉ là họ làm cho ta thêm tin yêu vào cuộc sống này hơn. Những tấm gương hi sinh lặng thầm nơi đất khách quê người. Làn da họ đen sạm nhưng nụ cười họ đầy rạng rỡ.
Cao su… nơi khởi nguồn cho những chuyến đi làm đẹp cuộc đời.
NGUYỄN VĂN VIỆT
Related posts:
- 8/3 nơi vùng cao Yên Bái
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024
- “Lòng trung thành” - Một tác phẩm gần gũi với công nhân cao su
- Lo ngại về sách dành cho trẻ em
- Phim Việt: Cứ Tết lại … hài !
- Hội diễn phải là sân chơi của công nhân cao su
- Hành trình về phía mặt trời
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Tập đoàn NextTech trao tặng trường mầm non trị giá 500 triệu cho Binh đoàn 15
- Tổ chức Cuộc thi ảnh báo chí – nghệ thuật “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ VI năm 2024