CSVNO – Chiều ngày 8/12, tại Nông trường Phong Thổ (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Công ty CPCS Lai Châu đã tổ chức Hội nghị đối thoại với người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn huyện Phong Thổ.
Ông Lò Văn Thương – Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn Cao su Lai Châu; ông Bùi Quang Tài – GĐ Nông trường Phong Thổ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, trưởng các bản và các hộ dân góp đất trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị đã thông qua báo cáo công khai, minh bạch hoạt động SXKD tháng 10 và công tác liên kết góp đất trồng cây cao su. Theo đó, công ty đang quản lý diện tích 8.968 ha, trong đó diện tích vườn cây cao su 6.945,57 ha (diện tích khai thác 6.089,16 ha, kiến thiết cơ bản 688,74 ha, diện tích bị sạt lở chờ thanh lý 167,67 ha).
Về tình hình SXKD, trong tháng 10, công ty đã khai thác 798,364 tấn mủ quy khô, lũy kế thực hiện đến 31/10 sản lượng khai thác năm 2023 đạt 3.967 tấn, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lao động của công ty đến 31/10 là 1.642 người, thu nhập bình quân đạt 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Về tình hình thực hiện ký kết hợp đồng và chi trả 10% giá trị sản phẩm khai thác mủ với người dân góp đất, đến nay, công ty ký kết được 8.861,12/8.965,38 ha đạt 98,8%, số hợp đồng ký kết 5.253 hợp đồng. Hiện tại đã ráp được 3.202 hợp đồng (ráp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phô tô), bàn giao 2.083 hợp đồng (riêng huyện Phong Thổ là 1.009 hợp đồng). Đối với huyện Phong Thổ đến nay diện tích đo đạc góp đất trồng cao su là 1.479ha, diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.479ha, số hộ tham gia góp đất là 1.283 hộ.
Từ năm 2018 đến năm 2023, công ty chi trả 10% giá trị sản phẩm mủ cho người dân góp đất với sản lượng khai thác các năm từ 2016 – 2022 tổng số tiền 58,721 tỷ đồng. Riêng với huyện Phong Thổ là 7,526 tỷ đồng.
Tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo Cao su Lai Châu đã giải trình các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân góp đất tập trung vào các vấn đề: Thực hiện chi trả 10% giá trị mủ cao su cho các hộ dân thực hiện chi trả 2 lần/năm; công khai sản lượng mủ khai thác hằng năm; rà soát toàn bộ diện tích cây cao su trồng gần ruộng, nương của các hộ dân đang canh tác; rà soát diện tích góp đất nhưng không thực hiện trồng cây cao su, không được chi trả tiền 10% giá trị sản phẩm khai thác mủ để trả lại theo nguyện vọng của các hộ; diện tích chi trả 10% của gia đình chưa chính xác; chi trả 10% hằng năm không đồng đều có năm trả cao, có năm thấp; rà soát lại các hộ góp đất từ năm 2008 chưa được ký kết hợp đồng và chưa được chi trả 10% giá trị sản phẩm khai thác mủ với người dân góp đất; có phương án tập kết mủ xa nguồn nước, nhà dân…
Các ý kiến đã được lãnh đạo công ty tiếp thu trả lời đầy đủ, chi tiết, công khai, minh bạch và mong muốn sau buổi đối thoại này các trưởng bản, hộ dân góp đất hiểu, nắm bắt đúng các chủ trương, chính sách của công ty để từ đó tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đúng các quy định, chính sách.
Việc thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại là dịp để người dân góp đất bày tỏ tâm tư nguyện vọng, kiến nghị những vấn đề liên quan trực tiếp đến mình về việc thực hiện hợp đồng góp đất, chia sản phẩm. Từ đó, tạo được sự đồng thuận giữa ban lãnh đạo công ty với người dân góp đất trồng cao su, góp phần xây dựng công ty càng ổn định, phát triển; đời sống, thu nhập của người dân góp đất ngày càng được cải thiện.
PHƯƠNG LY
Related posts:
- Công ty 75 tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 4
- Nông trường Bãi Lau (Cao su Sa Thầy) về đích sản lượng sớm nhất trong công ty
- Cao su Phú Riềng sôi nổi hội thao chào mừng Quốc khánh 2/9
- Vững tâm trên vùng đất mới
- Cao su Lai Châu II thiệt hại 3,6 tỷ đồng do mưa đá, gió lốc
- Diện mạo mới, sức sống mới ở Ya Chim
- Dòng nhựa trắng thêm niềm tin cho bà con vùng cao
- Cao su Chư Păh: 30 năm chặng đường vẻ vang
- 100% người lao động Cao su Lộc Ninh được tiêm vaccine phòng ngừa Covid - 19 mũi 1
- Cao su Phú Thịnh vượt khó hoàn thành nhiệm vụ