CSVN – Công ty Tây Ninh – Siêm Riệp PTCS là công ty hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2023 sớm thứ 2 toàn VRG. Công ty đã vượt khó, hoàn thành kế hoạch sản lượng vào ngày 4/11 và dự kiến sẽ vượt trên 30% sản lượng.
Vượt trên 30% kế hoạch sản lượng năm 2023
Công ty Tây Ninh – Siêm Riệp PTCS được thành lập theo quyết định số 1153/QĐ-CSTN ngày 6/11/2011 từ Công ty CPCS Tây Ninh. Địa điểm công ty tại ấp Ou Krouch, xã Trapeang Prasat, huyện Trapeang Prasat, tỉnh Oddar Meanchey, Vương quốc Campuchia. Là công ty con được đầu tư 100% vốn từ Công ty mẹ Công ty CPCS Tây Ninh.
Tổng diện tích vườn cây cao su là 6.410,51 ha. Trong đó, diện tích cao su khai thác 5.218.85 ha (diện tích khai thác bình thường 5.173,52 ha và diện tích khai thác linh hoạt 45,33 ha), diện tích cao su kiến thiết cơ bản 1.191,66 ha (diện tích chăm sóc bình thường đất hạn III là 543,55 ha; diện tích ngưng đầu tư đất hạng III là 219,56 ha; diện tích chăm sóc tối thiểu đất hạng Ivb là 428,55 ha). Tổng số CB.CNV LĐ là 980 người (lao động trực tiếp 910 người, lao động gián tiếp 70 người).
Năm 2023, kế hoạch sản lượng được Tập đoàn giao công ty là 4.500 tấn. Công ty đã hoàn thành kế hoạch sản lượng ngày 4/11 là 4.504,5 tấn (đạt 100,1% kế hoạch năm) và về trước 57 ngày. Dự kiến sản lượng mủ thực hiện đến hết năm là 5.850,6 tấn quy khô (đạt 130,01% so với kế hoạch Tập đoàn giao).
Linh hoạt nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch
Năm 2023, công ty tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lực lượng công nhân lao động người Campuchia không ổn định, biến động liên tục, nhất là sau đợt phát lương, lễ hội, mùa vụ thường có một lượng lớn lao động nghỉ về nhà. Tinh thần kỷ luật trong lao động còn thấp. Công nhân thường xuyên bỏ việc, nhảy việc, do đó công ty thường xuyên tuyển thu, đào tạo công nhân mới. Vẫn còn khá nhiều công nhân thực hiện chưa đúng quy trình kỹ thuật cạo mủ, chưa có kinh nghiệm để khai thác hết tiềm năng sản lượng của vườn cây. Công tác trang bị vật tư cho cây cạo chủ yếu là công thuê bên ngoài, vì công nhân đứng phần cây không chịu trang bị, thời gian trang bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian khai thác. Do thu mủ đông, thời gian mủ để trên vườn cây lâu và mưa vào buổi chiều gây thất thoát sản lượng mủ, vì mủ chưa đông kịp. Hệ thống đường giao thông nội bộ trong vườn cây bị hư hỏng nhiều gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển mủ… Chia sẻ về những giải pháp vượt khó hoàn thành kế hoạch, ông Hồ Trung Nghĩa – TGĐ Cao su Tây Ninh – Siêm Riệp, cho biết: “Công ty đã xây dựng phương án sản lượng khai thác phù hợp được công khai cho người công nhân nắm và thực hiện đúng. Tổ chức cạo sớm, đúng giờ. Xây dựng đội nhóm cạo choàng và tổ chức cạo bù những lát cạo còn thiếu do mưa bão, nghỉ lễ. Tổ chức bốc mủ linh hoạt tránh tình trạng mủ chảy tràn, bảo quản chất lượng sản phẩm từ vườn cây đến điểm giao nhận mủ. Xây dựng đội ngũ bảo vệ có kế hoạch tuần tra thường xuyên, giao ban chặt chẽ hạn chế tình trạng trộm cắp mủ…”.
Bên cạnh đó, công ty cũng gặp thời tiết tương đối thuận lợi, mưa thuận gió hòa tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt và công tác khai thác ngoài vườn cây. Thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo điều hành sâu sát và kịp thời của Ban lãnh đạo Công ty mẹ, sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm cao trong toàn thể CB.CNV LĐ từ công ty đến nông trường, đội, tổ vì mục tiêu phát triển ổn định của công ty.
THẢO NHI
Related posts:
- Cao su Lộc Ninh: Điểm sáng Nông trường 5
- Sức sống ở rừng tràm
- Khối thi đua miền Đông Nam bộ trao nhà Đại đoàn kết cho công nhân Cao su Phú Riềng
- Cao su Bình Long: Nông trường Xa Trạch nhất toàn đoàn hoạt động thể thao chào mừng các ngày lễ lớn n...
- Cao su Hòa Bình hướng đến mục tiêu thành tích cao tại hội thi cấp ngành
- Gian nan phòng chống cháy ở vùng biên
- Cô “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú” tâm huyết với ngành
- Cao su Bình Thuận kỷ niệm 40 năm thành lập
- Tăng gia mùa rụng lá
- Các đơn vị Hành chính sự nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ: Vượt khó, đảm bảo thu nhập cho người lao độ...