CSVN – Tại Hội thảo chuyên đề về “Sản xuất sản phẩm cao su, cơ hội và thách thức cho CSTN” được phối hợp tổ chức bởi Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) và Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (IRRDB) vào tháng 8 vừa qua cho thấy cần tăng cường hợp tác với những người sử dụng cao su thiên nhiên (CSTN) toàn cầu, trong đó các nước ASEAN có thể cách mạng hóa ngành CSTN và giữ cho ngành này bền vững, nhằm có lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Nghịch lý tại các nước sản xuất cao su thiên nhiên ASEAN
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cao su được sử dụng ở các nước sản xuất CSTN thấp dưới 20%. Phần lớn cao su thô sản xuất được xuất khẩu thay vì sử dụng trong nước để sản xuất thành phẩm cao su. Tuy nhiên, cũng chính các nước sản xuất cao su đó lại nhập khẩu số lượng lớn sản phẩm cao su thành phẩm. Giá cao su thô liên tục thấp là mối lo ngại lớn đối với các nhà sản xuất. Nông dân trồng cao su gặp khó khăn vì lợi nhuận kém nên nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn khác.
Ở Malaysia, chưa đến một nửa trong số một triệu ha cao su được khai thác. Nhiều hộ tiểu điền đã thay thế cao su bằng cọ dầu, một số đã trồng cây sầu riêng. Indonesia cũng xảy ra tình trạng tương tự. Sự bùng phát gần đây của bệnh Pestalotiopsis trên lá làm giảm năng suất đáng kể, là một lý do khác khiến người dân bỏ trồng cao su. Ở Thái Lan, chưa đến một nửa số tiền trợ cấp tái canh cao su được sử dụng cho cao su. Phần còn lại chuyển sang trồng cây thương mại, chủ yếu là sầu riêng. Riêng Philippines đã bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến CSTN. Họ có kế hoạch tăng cường hoạt động kinh doanh sản phẩm cao su ở hạ nguồn.
Các nước ASEAN chiếm phần lớn các nước sản xuất CSTN trên thế giới. Ngoại trừ Brunei và Singapore, các nước thành viên ASEAN khác đều trồng cao su. Các nhà sản xuất lớn khác là Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Côte d’Ivoire ở Châu Phi và một số quốc gia Mỹ Latinh. Brazil, quê hương ban đầu của CSTN, cũng đã bắt đầu mở rộng trồng trọt ở những khu vực không có dịch bệnh SALB nguy hiểm trên lá. Ấn Độ và Trung Quốc không đủ cao su để sản xuất sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của họ nên phải nhập khẩu cao su. Ngay cả Malaysia cũng đang nhanh chóng trở thành nước nhập khẩu ròng. Trong ngành kinh doanh găng tay, lĩnh vực chứng kiến các công ty Malaysia “bội thu” trong thời kỳ đại dịch thì mủ cao su ly tâm lại từ nguồn nhập khẩu. Vì vậy, ngay cả hoạt động kinh doanh chế biến cao su của Malaysia cũng phụ thuộc vào mủ chén nhập khẩu từ Châu Phi để tồn tại.
Cần hợp tác để đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất sản phẩm cao su
Nhưng những thách thức đặt ra cho việc canh tác cao su được coi là mối quan tâm lớn nhất. Nếu nông dân trồng cao su tiếp tục từ bỏ trồng cao su vì lợi nhuận kém sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung toàn cầu. Nguồn cung thế giới không ổn định cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất lốp xe lớn. Đó là lý do ngày càng có nhiều thương hiệu lốp xe lớn đầu tư vào đồn điền cao su.
Tuy nhiên, ASEAN, với dân số gần 700 triệu người, là thị trường lớn trên thế giới cho các sản phẩm cao su thành phẩm. ASEAN có các điều kiện chính đáng để hình thành ngành công nghiệp sản phẩm cao su quy mô lớn. Song song đó phải đảm bảo một phần lợi nhuận hợp lý sẽ được sử dụng để hỗ trợ nông dân trồng cao su. Và cần phát triển công nghệ để hiện đại hóa ngành công nghiệp, thu hút nhiều sự hợp tác. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác với những người sử dụng CSTN toàn cầu để các nước ASEAN có thể cách mạng hóa ngành CSTN phát triển bền vững.
NGUYỄN ANH NGHĨA
(Theo “The New Straits Time”)
Related posts:
- “Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số tại VRG để nâng cao hiệu suất hoạt động”
- Xây dựng chuỗi cung ứng cao su tiểu điền bền vững
- Cao su Mường Nhé - Điện Biên: Nhỏ nhưng nhiều cái "nhất"
- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 'Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc'
- Đảng bộ Công ty CP Cao su Sơn La: Hiệu quả thiết thực học và làm theo Bác
- “Nông nghiệp tái tạo” - biện pháp khôi phục và duy trì sức khỏe của đất, góp phần giảm thiểu biến đổ...
- "Quả ngọt" mùa thi đua nước rút
- Cao su thiên nhiên góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu
- "Dân làng mình đã no cái bụng"
- Không để người tiêu dùng trong nước quay lưng